Về rừng đón ‘năng lượng xanh’

“Sau mấy lần gửi hồ sơ đều bị trượt, mình may mắn được nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam nhận là tình nguyện viên tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ở đây vui lắm, sáng mình cùng các anh kiểm lâm cho các bạn thú ở trung tâm cứu hộ ăn, rồi tắm cho chúng, sau đó đi trồng cây, trồng hoa”, chị Ngọc tuổi ngoài 25, là nhân viên của một công ty kiến trúc tại TPHCM, đã xin nghỉ phép dài ngày để vào rừng làm tình nguyện viên và trải nghiệm du lịch núi rừng nơi đây.

Ngoài những thời gian làm tình nguyện viên cứu hộ, chị Ngọc trở thành du khách du lịch trải nghiệm, khám phá các điểm đến ở khu rừng nổi tiếng ở Đông Nam bộ. Không chỉ chị Ngọc mà hàng ngàn tình nguyên mỗi năm tham gia cứu hộ động vật hoang dã ở Cát Tiên (Đồng Nai), Bù Gia Mập (Bình Phước) hay cứu hộ rùa biển ở Núi Chúa (Ninh Thuận) đã chọn hướng du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường sinh thái thông qua các hoạt động tình nguyện viên cứu hộ động vật, trồng rừng…

Sắc xanh từ cánh rừng giúp hút khách

 

 

Nhiều người trẻ, giới nhân viên văn phòng và những du khách thích thiên nhiên ngày càng chuộng đi rừng để trải nghiệm những hoạt động du lịch mới lạ như khám phá, trekking, cứu hộ thiên nhiên, thậm chí xin nghỉ phép dài ngày chỉ để được vào rừng làm tình nguyện viên.

Trong ảnh là chị Ngọc, nhân viên văn phòng một công ty kiến trúc tại TPHCM tham gia tình nguyện viên tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: NK

Cũng như chị Ngọc (đang làm tình nguyện viên cứu hộ động vật hoang dã trong hình bên trên), hồi tháng 12 năm ngoái người viết bài này đến Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cũng gặp nhiều tình nguyện viên cứu hộ động vật, trong số đó có bạn vẫn đang là sinh viên. Cuộc sống của họ đơn giản, một căn nhà không quá rộng nhưng độ chục người vẫn có thể ở được. Nhà có bếp núc để tự nấu ăn, đủ ấm áp cho giấc ngủ ngon sau một ngày dài nhiều trải nghiệm.

Điểm chung của những người tình nguyện viên khi ở đây là họ vừa làm vừa chơi. Rảnh rỗi họ lội rừng, tắm suối, vào việc thì họ được cán bộ hướng dẫn, tìm hiểu về các loài vật trong rừng, học cách chăm sóc, cho ăn, thậm chí việc dọn phân, nước thải của các loài thú… Tất cả đều mang lại những niềm vui mỗi ngày.

Ở các vườn quốc gia hiện nay, ngoài trừ một vài điểm có thu thêm phí duy trì và bảo tồn, nếu chi khoảng 100.000 đồng, du khách đi mỏi chân vẫn chưa tham quan hết rừng. “Bỏ ra khoảng 50.000 đồng mua tấm vé tham quan ở Vườn Quốc gia Cát Tiên, mình được lắng nghe tiếng chim hót, hít hà không khí trong lành và hòa mình vào màu xanh lá cây. Mỗi lần đến với rừng mình thấy rất thư giãn, không có sóng điện thoại, wifi, lâu lâu sống tách biệt, không bị ai làm phiền khiến bản thân thấy tự do”, chị Thủy Ngân (23 tuổi, TPHCM) mỗi năm dành 2-3 lần để đến những điểm du lịch trong rừng cho biết.

Bạn Thủy Ngân (bìa phải) cùng nhóm bạn đi du lịch tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: NVCC

Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, ông Hoàng Anh Tuân cho biết: “Sau đại dịch Covid-19, nhiều người dần chuyển dịch từ du lịch truyền thống, nghỉ dưỡng… sang du lịch xanh, du lịch bền vững. Nhờ lợi thế là vườn quốc gia có tính đa dạng sinh học cao, cảnh quan hoang sơ, văn hóa bản địa đặc trưng, Bù Gia Mập cũng đang là điểm du lịch xanh của nhiều du khách”.

Còn ở Vườn Quốc gia Núi Chúa, năm ngoái cũng đón khoảng 200.000 lượt khách tham quan, trong đó nhóm khách trẻ chiếm tỉ lệ cao nhất.

Tương tự, Vườn Quốc gia Côn Đảo hay Cát Tiên phần đông khách đến tham quan trải nghiệm cũng là người trẻ, tiếp đó là nhóm khách gia đình và khách quốc tế. Ông Trần Văn Bình, Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường, Vườn Quốc Gia Cát Tiên nói lượng khách đến vườn đã tăng hơn 48% so với năm 2022.

Du lịch “chữa lành” được chú trọng

 

 

Với những khả quan về lượng khách du lịch về rừng trong năm 2023, các vườn quốc gia và một số nhà tổ chức du lịch cũng đầu tư để đón khách hơn.

Ông Tạ Huỳnh Vĩnh Trường, Giám đốc Ban quản lý Khu Du lịch Mũi Cà Mau, cho biết du khách đến Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau sẽ có dịp tham gia tour trải nghiệm xuyên rừng thú vị. Theo đó, du khách sẽ tận hưởng cảm giác mới lạ khi di chuyển trên sông nước bằng nhiều loại phương tiện như ca nô, vỏ lãi… len lỏi dưới tán rừng, khám phá hệ sinh thái đặc trưng của rừng ngập mặn, thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, tìm hiểu chụp ảnh lưu niệm những cây đước, cây mắm hàng chục năm tuổi.

Ngoài ra, mô hình nghỉ dưỡng “chữa lành” tại các homestay trong làng văn hóa du lịch Đất Mũi cũng được đầu tư đón khách. Tại đây, du khách sẽ được hòa nhập vào cuộc sống của người bản địa, trải lòng với người dân quê hào sảng hay ngồi thiền, tập yoga giữa “đất rừng phương Nam”, ông Trường nói thêm.

Bà Dương Thị Ngọc Phương, chủ sở hữu Khu nghỉ dưỡng Cát Tiên Jungle Lodge cho hay: “Hiện tại, khách hàng đến chỗ chúng tôi phần lớn làm việc tại các thành phố, nhiều nhất là ở TPHCM, cuộc sống của họ có nhiều xáo trộn, nên họ tìm đến đây để giải tỏa áp lực. Chúng tôi không phải là người “chữa lành” mà chỉ đơn giản là hướng dẫn và cùng họ “tự chữa lành”.

Do ưu thế gần cánh rừng quốc gia, nơi đây kết hợp để du khách đi rừng ngắm cảnh, tắm rừng, check-in. Ngoài ra, bà Phương cũng kết hợp thêm một vài liệu pháp chăm sóc sức khỏe như nghe chuông xoay Tây Tạng, thực hành vẽ Mandala, chia sẻ câu chuyện… Đồng thời, hướng dẫn thực dưỡng cho du khách, các phương pháp thanh lọc cơ thể qua đường uống để sau những ngày nghỉ dưỡng, du khách có cơ thể khỏe mạnh hơn, nhẹ nhàng hơn.

Tại Bù Gia Mập, phía vườn cũng mở các tuyến du lịch khám phá, đi bộ, chạy bộ, đạp xe, đầu tư xây dựng các điểm hạ trại camping, tìm hiểu văn hóa bản địa, xây dựng các đội nhóm văn hóa, văn nghệ… “Năm 2024 ngoài những sản phẩm du lịch đang khai thác, Bù Gia Mập cũng đầu tư và triển khai thêm hai sản phẩm du lịch mới, là du lịch chữa lành và du lịch kết hợp với giáo dục môi trường, nhằm phát huy sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên hoang sơ gắn với văn hóa của cộng đồng dân tộc tại địa phương”, ông Hoàng Anh Tuân, Phó giám đốc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cho hay.

Một nhóm du khách trekking.

Lựa chọn các điểm gần gũi thiên nhiên là sở thích của anh Viễn Thông (34 tuổi, TPHCM) và các điểm đến này trở thành ưu tiên từ sau Covid-19. “Trước khi tìm đến một phương thuốc trị liệu về y học lẫn tâm linh, thiên nhiên chính là phương thức chữa lành đầu tiên mà mình có thể tìm đến. Mình được gì khi về rừng? Mình được vận động thể chất, hít thở bầu không khí trong lành bằng đi bộ, tắm rừng, bơi lội ở hồ, suối. Màu xanh từ cây lá và cấu trúc bội phân của thực vật, mây trời hay sóng nước chính có thể giúp trị liệu, giải tỏa căng thẳng. Thiên nhiên mang đến nguồn cảm hứng sáng tạo nữa. Đến với thiên nhiên vừa giúp hồi phục sức khỏe, kết nối lại với tự nhiên và biết đâu giúp ta có ý tưởng mới trong công việc”, anh Thông chia sẻ.

Trong hình là anh Viễn Thông (34 tuổi, TPHCM) trong một số chuyến du lịch về rừng của mình. Ảnh: NVCC

Khai thác đi đôi với giữ gìn

 

 

Du lịch sinh thái rừng là loại hình du lịch có trách nhiệm với môi trường thiên nhiên, rất tiềm năng và mang lại nhiều lợi ích. Do đó, để du khách đến vườn vừa có trải nghiệm tốt, đồng thời vẫn thể hiện trách nhiệm với tự nhiên, đa số các vườn đều đưa ra những quy định chặt chẽ và đồng thời lồng ghép yếu tố giáo dục, truyền thông đa dạng sinh học trong các sản phẩm du lịch.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ Môi trường – Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa, khách du lịch thế hệ mới là những người yêu môi trường, tôn trọng và có trách nhiệm với môi trường, vì vậy xu hướng tìm về những giá trị văn hóa đặc sắc và sinh thái nguyên sơ cũng đang trở nên thịnh hành. Trong các tour du lịch, vườn ưu tiên hàng đầu công tác giáo dục đến du khách nhằm nâng cao nhận thức gìn giữ môi trường, chẳng hạn như khi đi trekking, du khách sẽ cũng đem theo một bom hạt giống (viên đất được vo tròn, bên trong chứa hạt cây rừng) để thả vào các triền dốc để tái sinh rừng.

Nhóm du khách trồng cây xanh tại Vườn Quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Vườn Quốc gia Côn Đảo.

Hay du khách đến Côn Đảo sẽ được Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo hướng dẫn và yêu cầu không sử dụng rác thải nhựa một lần để bảo vệ môi trường hoặc tham gia vào các tour trải nghiệm để cùng nhặt rác thải đại dương trôi dạt vào các hòn đảo.

Có thể thấy ngoài việc tuân thủ các quy định tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn, quan trọng du khách phải tự ý thức và trên thực tế, nhu cầu du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường sinh thái đang là một xu hướng và đi theo là nhiều tour, điểm đến cũng thay đổi theo, hướng du khách đến du lịch xanh, du lịch “chữa lành”.

Theo số liệu công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (năm 2023), cả nước có gần 14,8 triệu ha rừng, đang tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho khoảng 25 triệu người sống phụ thuộc vào rừng. Rừng không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế lâm nghiệp, mà còn là lợi thế tiềm năng rất lớn để phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… Riêng dịch vụ du lịch rừng, mỗi năm đạt khoảng 2.000 tỉ đồng. 

Ngọc Khuyến
5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn