Vườn Quốc gia Côn Đảo – Vườn Di sản Asean

Thông tin thành viên
Tên đơn vị: Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo
Mã số thuế: 3500221442
Lĩnh vực: Bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái và các động, thực vật quý hiếm trên Đảo và vùng đệm của Đảo; Tôn tạo, bảo tồn rừng gắn với cảnh quan và quần thể di tích văn hóa, lịch sử; Thực hiện các dịch vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, tham qua du lịch.
Địa chỉ liên lạc: Đường Ma Thiên Lãnh, khu 3, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Điện thoại: 02543.830.669 – 0983.830.669
Email: phongdulichsinhthaivqgcd@gmail.com
Website: https://condaopark.com.vn 
Thông tin người đại diện pháp luật: Nguyễn Khắc Pho – Giám đốc

Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo nằm trong hệ thống rừng đặc dụng và là một trong 34 vườn quốc gia của Việt Nam, VQG Côn Đảo quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học rừng, biển. Đây là nơi có tiềm năng đa dạng sinh học cao, nơi có nhiều loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm; có ý nghĩa quan trọng toàn cầu về hệ sinh vật biển và trên cạn cũng như về vị trí địa lý.

Toàn cảnh Vịnh Bến Đầm nhìn từ đỉnh Hòn Bà

VQG Côn Đảo được thành lập vào năm 1993, hiện nay nơi đây có tổng diện tích khoảng 19.883,15 ha, bao gồm 2 hợp phần: Hợp phần bảo tồn rừng có diện tích gần 5.883,15 ha (bao gồm 14 hòn đảo) và Hợp phần bảo tồn biển có diện tích 14.000 ha. Ngoài ra VQG Côn Đảo còn có 20.500 ha vùng đệm biển.

Ban quản lý VQG Côn Đảo đã nỗ lực giữ gìn, bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học rừng, biển và đất ngập nước. Vì vậy, VQG Côn Đảo được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao và công nhận nhiều danh hiệu: Khu đất ngập nước quan trọng quốc tế vào năm 2013 (Khu Ramsar); Thành viên mạng lưới các Khu bảo tồn rùa biển Ấn Độ Dương – Đông Nam Á năm 2019; Hiệp Hội bảo vệ thiên nhiên Việt Nam công nhận 2 cây Nhội và 1 cây Cóc Đỏ tại VQG Côn Đảo là Cây Di sản Việt Nam năm 2018; Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận VQG Côn Đảo là nơi nuôi, ấp và thả về thiên nhiên nhiều rùa biển nhất Việt Nam năm 2009; Ban thư ký các nước ASEAN công nhận Vườn di sản ASEAN Côn Đảo, năm 2023…

Vích Côn Đảo

Tài nguyên sinh vật rừng

Hệ sinh thái rừng của Côn Đảo thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo, với hai kiểu rừng chính: kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và kiểu rừng kín nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới với các hệ sinh thái rừng trên núi thấp, rừng trên đồi cát khô hạn ven biển, rừng tràm ngập phèn.

Về thành phần thực vật VQG Côn Đảo có hơn 1.000 loài, trong đó có 18 loài quý hiếm có tên trong sách đỏ và 11 loài đặc hữu. Một số loài thực vật đại diện cho nhiều vùng trong cả nước: lát hoa, nhội (Bắc bộ), sao, dầu (Đông Nam bộ), đước, vẹt (Tây Nam bộ)… 11 loài được đặt tên “Côn Sơn” như: Bùi Côn Sơn, Gội Côn Sơn, Thạch trang Côn Sơn, Xà căn Côn Sơn, Đọt sành Côn Sơn, Lấu Côn Sơn, Xú hương Côn Sơn, Thiệt thủ Côn Sơn, Kháo Côn Sơn, Dầu Côn Sơn, Đậu Khấu Côn Sơn.

Về thành phần động vật rừng tại VQG Côn Đảo có khoảng 160 loài, trong số này có 35 loài quý hiếm. Nhóm động vật đặc hữu của Côn Đảo có 04 loài gồm khỉ đuôi dài Côn Đảo, sóc đen Côn Đảo, thạch sùng Côn Đảo, rắn khiếm Côn Đảo.

Buổi sớm mai trên ở Vườn Quốc gia Côn Đảo
Buổi sớm mai trên ở Vườn Quốc gia Côn Đảo

Tài nguyên sinh vật biển

Biển Côn Đảo có các hệ sinh thái điển hình của một vùng biển nhiệt đới gồm hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái cỏ biển, hệ sinh thái rạn san hô. Tại đây đã ghi nhận khoảng 1.700 loài sinh vật biển.

Điển hình, vùng biển Côn Đảo là sinh cảnh của 5 loài rùa: rùa xanh (vích), đồi mồi, rùa đầu to, rùa da, đồi mồi dứa. Trong đó có 2 loài lên đẻ ở VQG Côn Đảo là: rùa xanh (vích) và đồi mồi. Côn Đảo có khoảng 18 bãi đẻ của rùa biển, hàng năm số lượng rùa Xanh lên các bãi cát đẻ trứng khoảng 2.000 lượt, số rùa con nở và được thả về biển trên 150.000 con.

Dugong hay bò Biển, dân địa phương thường gọi một tên khác là cá cúi, thuộc bộ Hải Ngưu. Loài vật này chuyên ăn cỏ biển, hay tên cá cúi vì khi ăn chúng cứ cúi mõm xuống đáy. Trong 25 loài thú biển ở Việt Nam thì Dugong là loài được biết muộn nhất (năm 2001) do tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn (Viện Hải dương học Nha Trang) đã phát hiện trong một đợt khảo sát san hô tại Côn Đảo.

Chim nhạn

Hệ sinh thái san hô phát triển rất mạnh ở vùng biển bao quanh VQG Côn Đảo, diện tích phân bố khoảng 1.700 ha với 360 loài. Có thể nói thành phần loài sống trong rạn san hô Côn Đảo phong phú và đa dạng vào loại nhất, nhì của Việt Nam. Ngoài ra qua khảo sát nghiên cứu vùng biển Côn Đảo có khoảng 1.000 ha diện tích cỏ biển với 11 loài chiếm 84,6 % tổng số loài hiện nay đã biết ở Việt Nam (13 loài).

VQĐ Côn Đảo có khoảng 32 ha diện tich rừng ngập mặn, số loài thực vật ngập mặn ở Côn Đảo đã được xác định là 46 loài. Tuy diện tích nhỏ nhưng rừng ngập mặn ở Côn Đảo là rừng ngập mặn nguyên sinh chưa bị tác động của con người. Rừng ngập mặn ở Côn Đảo khác với rừng ngập mặn khác ở đất liền là chúng hình thành trên nền cát pha lẫn san hô chết.

Sự phong phú và đa dạng của tài nguyên VQG Côn Đảo đã tạo nên các sản phẩm du lịch sinh thái độc đáo như: du lịch xem rùa biển đẻ trứng, thả rùa con về biển; du lịch nghỉ dưỡng, ngắm cảnh, thư giản; du lịch câu cá giải trí; leo núi, đi bộ, đi xe đạp; du lịch bơi, lặn có bình dưỡng khí xem san hô; du lịch khám phá rừng nguyên sinh.

Thả rùa về biển tại Vườn Quốc gia Côn Đảo

Vườn quốc gia Côn Đảo có 16 tuyến thăm quan du lịch sinh thái rừng và biển

Đảo Côn Sơn – các đảo nhỏ

Chiều dài tuyến thăm quan khoảng 70 km đường biển. Phương tiện thăm quan bằng tàu hoặc cano, thời gian thăm quan khoảng 1 ngày.

Các hoạt động thăm quan: Ngắm cảnh đẹp của cụm các hòn đảo như hòn Tài, hòn Trác, mũi Cá Mập, Đỉnh tình yêu – hòn Bà, hòn Tre Lớn, Vịnh Đầm Tre, bãi Đầm Trầu. Cùng với đó trải nghiệm các hoạt động bơi, lặn xem san hô, khám phá đại dương, thăm quan chim yến làm tổ, tìm hiểu công tác cứu hộ rùa biển.

Du khách lặn biển ngắm san hô ở Vườn Quốc gia Côn Đảo

Đảo Côn Sơn – Hòn Tài – Hòn Bảy Cạnh

Chiều dài tuyến thăm quan khoảng 14 km đường biển. Phương tiện thăm quan bằng tàu hoặc cano, thời gian thăm quan 1 buổi hoặc 1 ngày.

Các hoạt động thăm quan: khỉ mặt đỏ, cây bàng vuông, rừng ngập mặn nguyên sinh, tìm hiểu công tác cứu hộ rùa biển, bợi, lặn xem san hô, câu cá giải trí… … Đặc biệt, từ tháng 4 – 11 hàng năm VQG Côn Đảo có chương trình đặc sắc xem rùa biển đẻ trứng và thả rùa con về biển, xem cua xe tăng tìm kiếm thức ăn tại hòn Bảy Cạnh và hòn Tài.

Hòn Bảy Cạnh

Đảo Côn Sơn – Hòn Bảy Cạnh – Hòn Cau

Chiều dài tuyến thăm quan khoảng 20 km đường biển. Phương tiện thăm quan bằng tàu hoặc cano, thời gian thăm quan 1 buổi hoặc 1 ngày.

Các hoạt động thăm quan: Ngắm nhìn cảnh đẹp Vịnh Côn Sơn, thăm quan rừng ngập mặn nguyên sinh, ngọn hải đăng, khu di tích hòn Cau, hàng cây Phong Ba, thưởng thức nước dừa tại đảo nhỏ, bơi, lặn xem san hô, câu cá giải trí… Đặc biệt, từ tháng 4 đến 11 hàng năm VQG Côn Đảo có chương trình đặc sắc xem rùa biển đẻ trứng và thả rùa con về biển, xem cua xe tăng tìm kiếm thức ăn tại hòn Bảy Cạnh và hòn Tài.

Đảo Côn Sơn – Hòn Tre Lớn – Hòn Tre Nhỏ

Chiều dài tuyến thăm quan khoảng 35 km đường biển. Phương tiện thăm quan bằng tàu hoặc cano, thời gian thăm quan 1 buổi hoặc 1 ngày.

 Các hoạt động thăm quan: xem chim yến và các loài chim gầm ghì trắng, nhạn…về làm tổ từ tháng 4 đến tháng 8, câu cá giải trí, bơi lặn xem san hô, tìm hiểu công tác cứu hộ rùa biển.

Một góc hòn Tre Lớn
Đảo Côn Sơn – Bãi Dương – Vịnh Đầm Tre

Chiều dài tuyến tham quan khoảng 25 km. Phương tiện thăm quan bằng tàu hoặc cano hoặc có thể đi bộ từ Vịnh Đầm Tre về Suối Ớt khoảng 4km đường rừng. Thời gian thăm quan 1 buổi hoặc 1 ngày.

Các hoạt động thăm quan: xem chim yến làm tổ, thăm quan rừng ngập mặn, bơi lặn xem san hô, câu cá giải trí, ngắm nhìn toàn bộ Vịnh Đầm Tre từ trên cao, khám phá rừng nhiệt đới (nếu đi bộ).

Đảo Côn Sơn – Hòn Bà – Hòn Tre Lớn

Chiều dài tuyến thăm quan khoảng 30 km đường biển. Phương tiện thăm quan bằng tàu hoặc cano, có thể kết hợp đi xe ô tô đến cảng Bến Đầm, thời gian thăm quan 1 ngày.

Các hoạt động thăm quan: Chụp hình lưu niệm tải mũi Cá mập, bãi Nhát (đi xe ô tô), khám phá động thực vật rừng nhiệt đới và chinh phục đỉnh Tình yêu ngắm nhìn khu vực cảng Bến Đầm từ độ cao gần 350 m so với mực nước biển, thăm quan cây Cóc Đỏ – Cây Di sản Việt Nam và rừng ngập mặn nguyên sinh, bơi lặn xem san hô, tìm hiểu công tác cứu hộ rùa biển, câu cá giải trí.

Đảo Côn Sơn – Hòn Trứng – Vịnh Đầm Tre

Chiều dài tuyến thăm quan khoảng 35 km bằng đường biển (có thể đi bộ từ Vịnh Đầm Tre về Suối Ớt khoảng 4 km đường rừng). Phương tiện thăm quan bằng tàu hoặc cano, thời gian thăm quan 1 buổi hoặc 1 ngày.

Các hoạt động thăm quan: xem chim nhạn biển, chim điên bụng trắng – loài chim quý hiếm thuộc sách đỏ Việt Nam về làm tổ từ tháng 4 đến tháng 8, trải nghiệm bơi, lặn, xem san hô, thăm quan rừng ngập mặn nguyên sinh, câu cá giải trí, ngắm toàn bộ Vịnh Đầm Tre từ trên cao, khám phá động thực vật rừng nhiệt đới (nếu đi đường bộ).

Ngắm bình minh ở Vịnh Đầm Tre

Ma Thiên Lãnh – Hang Đức Mẹ – Bãi Ông Đụng

 Chiều dài tuyến thăm quan khoảng 4 km bằng đường bộ, thời gian thăm quan khoảng 1 buổi.

Các hoạt động thăm quan: cầu ma Thiên Lãnh được xây dựng vào năm 1930, tìm hiểu khái quát về VQG Côn Đảo tại phòng Trưng bày, thăm quan Hang Đức Mẹ Marie, các loài thực vật có hình dáng độc đáo, các loài động vật như Khỉ đuôi dài Côn Đảo, Sóc đen Côn Đảo,…bơi xem san hô và các loài sinh vật biển tại bãi Ông Đụng.

Ma Thiên Lãnh – Hang Đức Mẹ – Đất Thắm – Bãi Bàng

Chiều dài tuyến thăm quan khoảng 6 km bằng đường bộ trong rừng, thời gian thăm quan khoảng 1 ngày.

Các hoạt động thăm quan: Cầu Ma Thiên Lãnh được xây dựng vào năm 1930, tìm hiểu khái quát về VQG Côn Đảo tại phòng trưng bày, hang Đức Mẹ Marie, thăm quan cây Nhội 400 tuổi – Cây Di sản Việt Nam, bơi xem san hô, đặc biệt vào mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 12 có những dòng suối đẹp và mát lạnh chay ra biển.

Thác nước Bãi Bàng

Ma Thiên Lãnh – Bãi Đầm Trầu – Bãi Ông Cường

Chiều dài tuyến thăm quan khoảng 15 km đường ô tô và 4 km đường bộ, thời gian thăm quan khoảng 1 ngày.

Các hoạt động thăm quan: Tìm hiểu khái quát về VQG Côn Đảo, cầu Ma Thiên Lãnh được xây dựng vào năm 1930, chụp hình lưu niệm tại Mũi Tàu Bể, thăm quan khu Nhà Pháp, thăm quan rừng ngập mặn và tắm biển, bơi xem san hô tại bãi Đầm Trầu – Bãi Cát vàng đẹp nhất tại Côn Đảo.

Ma Thiên Lãnh – Hồ An Hải – Núi Thánh Giá

Chiều dài tuyến thăm quan khoảng 5 km đường ô tô và 7km đường bộ, thời gian thăm quan khoảng 1 ngày.

Các hoạt động thăm quan: Tìm hiểu khái quát về VQG Côn Đảo, cầu Ma Thiên Lãnh được xây dựng vào năm 1930, hồ An Hải – là 1 trong 2 hồ nước ngọt phục vụ nước cho toàn đảo với các loài hoa súng và hoa sen đẹp, chinh phục đỉnh núi Thánh Giá cao nhất tại Côn Đảo cao 577 m so với mực nước biển và ngắm nhìn toàn bộ thị trấn Côn Đảo từ trên cao

Ma Thiên Lãnh – Sở Rẫy – Ông Đụng

Chiều dài tuyến thăm quan khoảng 2 km đường ô tô và 6 km đường bộ, thời gian thăm quan khoảng 1 buổi hoặc 1 ngày.

Các hoạt động thăm quan: Tìm hiểu khái quát về VQG Côn Đảo, cầu Ma Thiên Lãnh được xây dựng vào năm 1930, khám phá và tìm hiều về rừng mưa nhiệt đới như những nhà máy trong rừng, cây dây leo, cây rẽ bạnh, thôn tính từng bước, khỉ đuôi dài Côn Đảo, sóc đen Côn Đảo, khu lao động khổ sai người pháp lập vào năm 1945, ngắm nhìn thị trấn Côn Đảo từ trên cao, bơi xem san hô tại bãi Ông Đụng.

Ma Thiên Lãnh – mũi Cá Mập – Bến Đầm – Hòn Bà

Chiều dài tuyến thăm quan khoảng 16 km đường ô tô và 6 km đường bộ (phải đi tàu hoặc cano từ cảng Bến Đầm – hòn Bà), thời gian thăm quan khoảng 1 ngày.

Các hoạt động thăm quan: Tìm hiểu khái quát về VQG Côn Đảo, di tích lịch sử cầu Ma Thiên Lãnh được xây dựng vào năm 1930, chụp hình lưu niệm tại mũi Cá mập – cụm hòn đảo hòn Tài – hòn Trác, bãi Nhát, khám phá động thực vật rừng nhiệt đới và chinh phục đỉnh Tình yêu ngắm nhìn khu vực cảng Bến Đầm từ độ cao gần 350 m so với mực nước biển, thăm quan cây Cóc Đỏ – Cây Di sản Việt Nam và rừng ngập mặn nguyên sinh, bơi lặn xem san hô.

Hòn Tài

Tuyến Ma Thiên Lãnh – Suối Ớt – Vịnh Đầm Tre

Chiều dài tuyến thăm quan khoảng 14 km đường ô tô và 8 km đường bộ. Thời gian thăm quan khoảng 1 ngày.

Các hoạt động thăm quan: Tìm hiêu khái quát về VQG Côn Đảo, di tích lịch sử cầu Ma Thiên Lãnh được xạy dựng vào năm 1930, chụp hình lưu niệm tại mũi Tàu Bể, khám phá rừng nhiệt đới hai đảo, các động vật quý hiếm như khỉ đuôi dài, sóc đen…rừng ngập mặn, bơi lội xem san hô và nhìn toàn cảnh vịnh Đầm Tre từ trên cao.

Hòn Tài
Tuyến Ma Thiên Lãnh – Núi Chúa – Nhà Bàn – Cỏ Ống

Chiều dài tuyến thăm quan khoảng 6 km đường bộ và 14 km đường ô tô quay về khách sạn. Thời gian thăm quan khoảng 1 ngày.

Các hoạt động thăm quan: Tìm hiểu khái quát về VQG Côn Đảo, di tích lịch sử cầu Ma Thiên Lãnh xây dựng vào năm 1930, khám phá rừng nhiệt đới hải đảo, các loài động vật như sóc đen Côn Đảo, khỉ đuôi dài Côn Đảo…chinh phục đỉnh Núi Chúa cao 520 m đỉnh núi cao thứ 2 tại Côn Đảo – ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn Côn Đảo.

Tuyến Đất Dốc – Núi Nhà Bàn

Chiều dài tuyến tham quan khoảng 5 km đường ô tô xuất phát từ thị trấn Côn Đảo và khoảng 5 km đường bộ.

Hoạt động thăm quan: Khám phá rừng nhiệt đới hải đảo với nhiều loài thực vật quý, hiếm có hình dáng độc đáo, thăm quan cây Nhội – Cây Di sản Việt Nam có tuổi thọ khoảng gần 400 tuổi, chinh phục đỉnh núi cao thứ 2 tại Côn Đảo – Núi Chúa 520 m, ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn Côn Đảo.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn