Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp có hướng dẫn phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp

Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tài liệu tập huấn phát triển mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn nhưng qua tài liệu dày tới 111 trang này phần nào cho thấy quan điểm cũng như khái niệm về du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn của bộ này mà lâu nay còn tranh cãi.

Đây là quyết định số 703 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tài liệu tập huấn phát triển mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn ngày 11-3-2024. Theo tài liệu này thì từ chính việc sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng, dư địa để phát triển du lịch của các địa phương, Việt Nam đã chọn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một hướng đi mới, giải pháp căn cơ để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn ở các địa phương.

Đi du lịch nông thôn chỉ chi 500.000 đồng/ngày/khách

 

 

Hiện nay nhiều địa phương cũng đã bắt tay làm du lịch, song theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), công tác phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn còn thiếu trọng tâm, chưa phù hợp với tiềm năng lợi thế, đặc trưng của nhiều địa phương. Đã có nhiều mô hình du lịch nông thôn ra đời nhưng còn tự phát, manh mún, quy mô nhỏ và trùng lặp, chưa khai thác được thế mạnh về điều kiện tự nhiên, văn hóa và tài nguyên nông nghiệp của địa phương, sản phẩm du lịch còn đơn điệu chưa gắn với đặc thù và sản phẩm đặc sản của từng địa phương, du lịch còn mang tính tự phát và mùa vụ. Bên cạnh đó nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế về chất lượng cả số lượng, cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng cũng chưa đảm bảo…

Các mô hình du lịch nông thôn ở Việt Nam hiện đang khai thác tập trung vào các nhóm sản phẩm dựa trên khai thác giá trị cảnh quan sinh thái nông thôn, hoạt động sản xuất nông nghiệp, các giá trị văn hóa truyền thống của khu vực nông thôn.

Du khách trải nghiệm hái nho tại một vườn nho trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Số ngày lưu trú và mức chi tiêu của khách du lịch còn rất thấp ( khoảng 300.000-500.000 đồng/ngày/khách). Chi tiêu của du khách đối với du lịch nông thôn chủ yếu là mua vé tham quan, ăn uống, phòng ở…  chưa chi nhiều cho các dịch vụ ngoài tour do chưa có dịch vụ bổ trợ hoặc có nhưng không hấp dẫn được du khách.

Bên cạnh thực tế nhiều mô hình du lịch nông thôn mở ra nhưng không hiệu quả, vẫn có nhiều cộng đồng du lịch tại nhiều địa phương trên cả nước được đánh giá cao. Theo đó, Bộ NN&PTNT đã đưa ra các điển hình mô hình du lịch trong tài liệu tập huấn: dịch vụ Homestay Bản Lác (Sơn La), mô hình du lịch cộng đồng Cồn Sơn (Cần Thơ), mô hình du lịch cộng đồng Cồn Chim (Trà Vinh), du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn thôn Nậm Hồng (Hà Giang)…

Mỗi tỉnh có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận

 

 

Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT sẽ cố gắng cùng các địa phương hoàn thành mục tiêu chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận. Các điểm du lịch này gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương và ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch…

Sáng kiến Điểm đến An toàn tổ chức buổi gặp mặt “Chuyện trò du lịch thời nay” kết hợp tọa đàm “Phát triển du lịch nông thôn ven biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học” tại Vườn Quốc gia Núi Chúa, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận, với sự tham gia của hơn 10 doanh nghiệp du lịch và chuyên gia du lịch.

Bên cạnh đó, tài liệu hướng dẫn ban hành có đề cập đến chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP, cũng đang góp phần giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, khơi dậy tiềm năng về đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền, tác động mạnh mẽ đến hoạt động du lịch. Hiện phải kể đến việc đã hơn 80 sản phẩm OCOP là mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn như điểm du lịch Sin Suối Hồ (Lai Châu); du lịch làng quê Yên Đức (Quảng Ninh); du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận); làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu (KonTum); nghệ thuật Rô – Băm (Sóc Trăng); điểm du lịch Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Bạc Liêu)…

Các chuyên gia và doanh nghiệp thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn ngồi chiếu cói ở Nhà Bè, ngoại thành TPHCM bàn chuyện du lịch nông thôn.

Ngay sau khi tài liệu này được ban hành, một số chuyên gia du lịch thuộc chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn cho rằng tài liệu chưa bao quát hết được những ngóc ngách phát triển hiện nay của du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nhiều ý tứ còn lạc hậu so với thực tế. Tuy nhiên, chuyên gia Phan Yến Ly: “Lần đầu tiên Bộ NN&PTNT làm được điều là chuẩn hóa việc tập huấn, đưa vào chuẩn hóa kiến thức du lịch nông nghiệp, nông thôn nên những người làm du lịch nên ủng hộ và đóng góp ý kiến, để cái tài liệu hướng dẫn, khái niệm về du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn ngày một chuẩn hơn”. Bà cũng cho rằng đây xem như là tài liệu khung ban đầu để các địa phương, các cơ sở có điều kiện mở rộng hơn, giúp ích nhiều hơn cho phát triển loại hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn.

Buổi gặp mặt “Chuyện Chuyện trò du lịch thời nay” kết hợp tọa đàm: “Phát triển du lịch nông thôn ven biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học” diễn ra tại Vườn Quốc gia Núi Chúa, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận do chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức. Ảnh: Trung Châu

Trong hơn 2 năm qua, chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn đã cùng các chuyên gia và doanh nghiệp thành viên mạng lưới tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo bàn về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch gắn với bản sắc miền sông nước, du lịch gắn với sinh thái vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên…

Ngọc Khuyến
5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn