Du lịch giữa mùa dịch: Về Sóc Trăng chiêm ngưỡng chùa vàng

Mỗi người đều có một nơi gọi là quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, để khi đi xa nơi muốn quay về nhất chính là nhà, là quê hương. Tôi cũng vậy, Sóc Trăng là vùng đất được tôi gọi là quê hương, nơi tôi quay về sau những tháng ngày bôn ba bận rộn nơi đất khách.

Chùa Kh’leang được xây dựng từ năm 1533.

Nhắc đến Sóc Trăng thì nơi đây được biết đến là “xứ sở chừa vàng” với hàng trăm ngôi chùa cổ kính, nguy nga của người Kinh, Khmer, Hoa. Bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi những nét độc đáo của những ngôi chùa do cách bày trí và đặc biệt là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Á Đông với phong cách Phương Tây thể hiện sự tinh tế và sắc sảo.

Một ngôi chùa nổi tiếng lâu đời ở Sóc Trăng mà bạn không thể không nhắc đến là chùa Dơi hay còn gọi là chùa Mahatup. Thật tuyệt vời nếu bạn đến đây vào buổi sáng sớm, bạn có thể nhìn thấy đàn dơi lên đến hàng triệu con từ nhiều hướng lần lượt bay về sau một đêm săn mồi, cũng chính vì lẽ đó mà chùa còn có tên là chùa Dơi.

Bên cạnh đó bạn còn có thể nghe kể về huyền thoại “Heo năm móng” chỉ có tại chùa Dơi. Tôi đã có cơ hội được đến đây vào năm ngoái, bước vào chùa là tràn ngập hình ảnh những chú dơi đang treo ngược mình trên ngọn cây trông vô cùng thú vị. Tuy hiện tại chùa không còn nhiều dơi như lúc trước nhưng hình ảnh những đàn dơi vẫn là dấu ấn không thể quên khi bạn đến đây.

Khởi hành từ trung tâm thành phố, tôi có lần đã ghé thăm chùa Kh’leang tọa lạc tại đường Tôn Đức Thắng, khóm 5, phường 6. Chùa được xây dựng từ năm 1533, có lối kiến trúc gần giống như các ngôi chùa Phật giáo Nam Tông ở Thái Lan và Campuchia. Ngôi chùa có khuôn viên rộng lớn với những bóng cây cổ thụ, nhiều nhất là cây thốt nốt gắn liền với đời sống và văn hóa của người Khmer.

Đến chùa Dơi, bạn có thể nghe kể về huyền thoại “Heo năm móng”.

Khác với chùa Kh’leang hay chùa Dơi, chùa Chén Kiểu tên tiếng Khmer là Wath Sro Loun được biết đến là một trong số những ngôi chùa có phong cách kiến trúc độc nhất vô nhị bởi tường của chùa không phải được tô quét bằng xi măng hay lát gạch bông mà được ốp bằng những mảnh chén, dĩa, sành sứ trông vô cùng hấp dẫn và mang một nét đẹp rất riêng.

Bên cạnh đó khi bước vào chùa bạn sẽ còn ấn tượng với cổng tam quan, cổng có 3 ngôi tòa tháp được chạm khắc hoa văn với màu sắc theo phong cách Angkor Campuchia.

Một góc chùa Quan Âm Linh Ứng, ba bàn tay Phật “bắt ấn”.

Cùng với những ngôi chùa cổ đã nổi danh từ lâu, gần đây tôi còn được biết chùa Quan âm Linh ứng hay còn gọi là chùa Phật Học 2. Chùa có diện tích rộng nhất tỉnh với nhiều cảnh quan được thiết kế và tạo hình vô cùng công phu và tỉ mĩ, không những vậy chùa còn nổi tiếng bởi quanh năm không đốt vàng mã, hành động này góp phần bảo vệ mội trường, tạo không gian thoáng mát khi du khách đến thăm chùa.

Khuôn viên chùa được thiết kế tạo cho du khách cảm giác như mình vừa lạc vào công viên giải trí đầy thơ mộng và huyền ảo với các câu chuyện về gia đình, tình yêu, giáo dục… được tái hiện một cách chân thật.

Chùa Quan âm Linh ứng.

Có lần tôi đến đây, tôi đã bắt gặp được hình ảnh những chú tiểu khoảng 6 -7 tuổi đang cho cá trong hồ ăn, hỏi ra mới biết chùa ngoài là một điểm đến tâm linh còn là nơi chữa bệnh, nuôi dưỡng người già neo đơn và trẻ em mồ côi. Nếu có đến Sóc Trăng thì bạn đừng quên ghé thăm nơi đây nhé!

Chàu Botun Vong Sa Som Rong hay còn gọi là chùa Sam Rong là ngôi chùa mà khiến cho tôi khi đến đây đã không khỏi trầm trồ bởi những nét độc lạ của nó. Điểm nổi bật của chùa là ngôi bảo tháp được đặt ngay lối đi vào và song song với ngôi chánh điện, tháp có bốn hướng với bốn lối đi đại diện cho từ – bi – hỷ – xả.

Thay vì màu vàng truyền thống như những ngôi chùa khác thì bảo tháp được sơn bằng màu xám, vừa toát lên vẻ hiện đại, vừa uy nghi, cổ kính như những kiến trúc bằng đá nguyên khối.

Bảo tháp ở chùa Sam Rong.

Bên cạnh đó chùa còn để lại ấn tượng trong tôi với hình ảnh tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn uy nghiêm phúc hậu nằm ngoài trời dài 63m, cao 22,5m, nặng 490 tấn, đặt trên cao khoảng 28m so với mặt đất. Nếu đến đây vào buổi xê chiều thì tôi tin chắc rằng ngoài lễ chùa, cầu bình an thì bạn còn có thể tậu cho mình một bộ ảnh đầy ấn tượng và độc đáo.

Ngoài ra còn có chùa La Hán, chùa Ông Bổn, chùa Vĩnh Hưng, chùa Pear Boul Thmay… đều là những ngôi chùa không chỉ nổi tiếng về mặt tâm linh mà còn mang phong cách đặc trưng khác biệt khiến cho không chỉ riêng tôi mà còn du khách phải ngạc nhiên khi ghé thăm.

Chùa Chén Kiểu.

Quê tôi như thế đấy, có sự ồn ào của một thành phố đang phát triển và có cả những giai điệu trầm lắng, những tiếng chuông chùa đúng với tên gọi mà người ta đã ưu ái đặt cho nó.

Cũng chính vì lẽ đó mà Sóc Trăng là nơi tôi đã trót trao tim mình, luôn nghĩ về nó dù cho có đi đến nơi đâu. Và nếu có thời gian thì mời bạn về thăm quê tôi và cùng tôi khám phá “xứ sở chùa vàng” độc đáo này nhé!

Ngọc Mai


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn