Vườn Quốc gia Cát Tiên phát triển du lịch an toàn, bền vững

Nằm ở vùng chuyển tiếp từ Trường Sơn xuống đồng bằng, Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên – thành viên chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn (do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức và vận hành) là nơi có hệ thực vật phong phú và có tính đa dạng sinh học cao. Hiện nay, nhu cầu tham quan du lịch sinh thái ở đây ngày một tăng.

Năm ngoái, hoạt động du lịch nơi đây thu về khoảng 13,7 tỉ đồng với việc đón tiếp hơn 54.000 lượt khách. Và chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, số lượt khách đến đây đã đạt gần 55.000 lượt.

Thiên nhiên hoang dã

VQG Cát Tiên nằm ở vị trí đặc biệt, có đường ranh giới dài trải qua 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước, diện tích rộng gần 73.000 ha. Từ năm 2005, Ban Thư ký Công ước Ramsar đã công nhận hệ đất ngập nước Bàu Sấu nằm trong VQG Cát Tiên là vùng đất ngập nước quan trọng thứ 1.499 của thế giới. Trước đó, năm 2001, VQG Cát Tiên được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới, như là một mắt xích quan trọng trong hệ thống khu dự trữ sinh quyển toàn cầu. 

Vườn Quốc gia Cát Tiên còn là nơi cư ngụ của 1.655 loài thực vật. Ảnh: Vườn Quốc gia Cát Tiên

Hiện nay nơi đây là nhà của 1.730 loài động vật, trong đó có một số loài động vật quý hiếm, bị đe dọa ở mức toàn cầu như voi, bò tót, cá sấu nước ngọt, gấu ngựa, chà vá chân đen, trăn đất, trăn gấm… Cát Tiên còn được biết đến là một vùng chim – thú độc đáo, ấn tượng với quần thể bò tót lớn nhất nước ta, cũng như sự có mặt của hơn 1⁄3 số loài chim của cả nước, cùng với đó là vô số loài côn trùng, bò sát kỳ thú.

VQG Cát Tiên còn là nơi cư ngụ của 1.655 loài thực vật, trong đó có các loài cây quý hiếm có tên trong sách đỏ như gõ đỏ, gõ mật, giáng hương, vên vên, dầu song nàng… Nơi đây còn có rất nhiều loại cây kỳ lạ có niên đại vài trăm tuổi, cây tung cổ thụ hơn 400 tuổi, cây gõ 700 tuổi, cây bằng lăng lục bình, bằng lăng sơn nữ, cây si trăm thân…

Địa hình tự nhiên xen kẽ các bàu, đầm, suối, cộng với hơn 90km sông Đồng Nai đã tạo nên cảnh quan đặc trưng cho VQG Cát Tiên, với những ghềnh, thác, các khu đất ngập nước và bán ngập nước… Một số thắng cảnh đặc sắc nơi đây như bến Cự, thác Trời, thác Dựng, núi Hoa Thị, đảo Tiên…

Du lịch tuân thủ

Trên cơ sở tiềm năng về đa dạng sinh học và cảnh quan tự nhiên, VQG Cát Tiên đã đưa vào khai thác các hoạt động du lịch “trải nghiệm rừng nhiệt đới”. Vé vào vườn là 60 ngàn đồng đối với người lớn và 10 ngàn đồng đối với trẻ em (dưới 16 tuổi). Du khách tham quan VQG Cát Tiên có thể xem thú, chim, cá sấu nước ngọt tự nhiên, tham quan bảo tàng thiên nhiên, khu cứu hộ gấu, thú linh trưởng, động vật hoang dã, khu nghiên cứu nấm. Đến đây, du khách sẽ bắt gặp thiên nhiên sinh tồn theo các mùa ve, bướm, vắt, chim sinh sản, mùa gặt, mùa cỏ lau, hoa bằng lăng, hoa muồng đào, các loại nấm…

Ông Nguyễn Đình Quốc Việt, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường, Vườn Quốc gia Cát Tiên cho biết: “Chuyến xem thú hoang dã về đêm thu hút rất đông du khách. Đây là chương trình duy nhất có tại Việt Nam. Ngoài ra, các tuyến điểm tham quan thực vật miền nhiệt đới với những loài đặc thù như: tung đại thụ, đa lộc giao, bằng lăng lộc bình, si trăm thân…cũng là những điểm đến mà du khách dễ dàng tiếp cận bằng ô tô”.  

Tại VQG Cát Tiên còn xây dựng 3 khu khách sạn, nhà nghỉ phục vụ du khách ở đêm, trong đây bao gồm khu sinh hoạt rộng rãi, có thể tổ chức các đêm tiệc, cắm trại dưới tán rừng.

Phát triển các mô hình du lịch sinh thái không chỉ là cách tạo nguồn thu cho chính công tác bảo vệ rừng và nâng cao đời sống người dân, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, lan tỏa ý thức tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên.

Du khách trải nghiệm đạp xe trong Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Vườn Quốc gia Cát Tiên

Ông Trần Văn Bình, Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường, Vườn Quốc Gia Cát Tiên cho biết: “Với nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau giữa con người và thiên nhiên, việc tổ chức hoạt động du lịch trong rừng đặc dụng luôn phải đảm bảo sự bảo tồn và quản lý bền vững các hệ sinh thái và tài nguyên đa dạng sinh học. Điều này bao gồm việc áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, giám sát và kiểm soát du khách và xây dựng chính sách quản lý hợp lý để đảm bảo sự cân bằng giữa du lịch và bảo tồn.”

Nơi đây có những quy định “gây khó” cho du khách, như không được vứt rác bừa bãi – “Rừng là nhà của muông thú, khách không xả rác khi đến thăm nhà của người khác”.  VQG Cát Tiên cũng quy định về đi lại, tuyến điểm nào được phép tự đi, tuyến nào phải có hướng dẫn; quy định hạn chế tiếng ồn tại khu vực và tại từng thời điểm; xây dựng các biển báo cảnh báo nguy hiểm; xây dựng hàng rào điện tử tại những khu vực có thú lớn hay xuất hiện; cảnh báo du khách không cho thú ăn vì sẽ làm thay đổi bản năng tự nhiên của động vật hoang dã…

VQG Cát Tiên còn là sinh sống nhiều đồng bào dân tộc ít người như người Mạ, S’tiêng…. Do vậy, VQG cũng tuyên truyền cho du khách hãy lịch sự và tôn trọng người dân địa phương, những người sống hài hòa với thiên nhiên và phụ thuộc vào thiên nhiên để kiếm sống. Có thể hỗ trợ người dân địa phương bằng cách mua các sản phẩm của họ, chẳng hạn như mật ong, cà phê hoặc đồ thủ công mỹ nghệ hoặc tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng bản địa của họ, ông Bình nói thêm.

Ngọc An

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn