Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê được công nhận là di tích Cấp Quốc gia năm 2009. Đã 30 năm kể từ khi bộ phim Người Tình (L’Amant, 1992) được công chiếu tại Việt Nam, từ câu chuyện tình nổi tiếng của đôi tình nhân Pháp – Việt gốc Hoa ấy đã lôi kéo bao du khách tìm đến ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, ai nấy đều ngỡ ngàng trước sự tinh tế, tỉ mỉ đến từng chi tiết trong ngôi nhà đầy cổ kính nhưng hoa lệ này.
- Làng hoa Sa Đéc những ngày cận tết
- Chùa Âng, ngôi cổ tự Khmer ngàn năm tuổi
- Trải nghiệm tết quê đậm nét văn hóa sông nước miền Tây tại Làng du lịch Mỹ Khánh
Tọa lạc tại số 255A Nguyễn Huệ, phường 2, TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, nằm giữa khu thị tứ mua bán náo nhiệt ven sông. Trải qua trăm năm, ngôi nhà cổ với lối kiến trúc Á Âu kết hợp vẫn vẹn nguyên như ngày nào, không hề bị mai một.
Chưa kể, gần như du khách biết đến nơi này không chỉ vì nét đẹp hoài cổ, mà họ còn biết đến căn nhà trăm tuổi này với câu chuyện tình không biên giới của chủ nhân ngôi nhà là chàng công tử người Việt gốc Hoa – Huỳnh Thủy Lê với nữ văn sĩ nổi tiếng người Pháp – Marguerite Duras vào những năm đầu thế kỷ XX. Đó là một câu chuyện đau thương, chua xót.
Với diện tích khoảng 258 m², lúc đầu ngôi nhà được xây dựng theo kiến thúc ba gian truyền thống của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, hệ thống các cột và vách được dựng bằng gỗ quý. Tuy nhiên, đến năm 1917 với sự du nhập mạnh mẽ của văn hóa Pháp, chủ nhà quyết định trùng tu theo kiến trúc phương Tây.
Nhìn từ bên ngoài du khách sẽ tưởng đó là một ngôi biệt thự kiểu Pháp, nhưng phía trong lại là kiến trúc mang đậm sắc thái truyền thống Việt Nam với lối thờ tự, bài trí theo phong cách người Hoa. Gian giữa thờ Quan Công, nội thất, cánh cửa, cột nhà, bàn thờ… sơn son thếp vàng, chạm trổ loan phượng rất sắc sảo, tỉ mỉ và tinh tế.
Không chỉ là những chi tiết chạm khắc hay bày trí, mà những vật dụng như giá sách, đồng hồ, máy hát đĩa cổ, bình trà, tivi, những bức hình của gia chủ… hay phòng ngủ với chiếc giường đều được chọn lọc rất kỹ lưỡng, cẩn thận. Dường như những vật phẩm quý giá đã trăm năm tuổi này vẫn còn vẹn nguyên như chưa được sử dụng. Có thể vì vậy mà nhà cổ Huỳnh Thủy Lê luôn tự hào, khẳng định vị thế kiến trúc đặc sắc của mình không chỉ ở thời điểm ra đời mà còn “sừng sũng” đến tận ngày nay.
Ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê vốn không phải là nơi diễn ra mối tình giữa nàng và chàng với những giây phút nồng ấm. Song người ta vẫn muốn tìm đến nơi người tình của Margueritte từng sống để hình dung một không gian cổ xưa với nếp văn hóa đậm nét Trung Hoa hòa lẫn văn hóa vùng sông nước miền Tây, nơi Huỳnh Thủy Lê đã sống cùng người vợ trẻ sau khi đau đớn dứt áo tình cũ.
Lê Thanh Lượng