Du lịch giữa mùa dịch: Ghé thăm làng gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận

(SGTT) – Với đủ loại sản phẩm và nhiều kích cỡ, màu sắc, hoa văn, gốm Chăm – Bàu Trúc, Ninh Thuận là sự cộng hưởng tài tình giữa kỹ thuật chế tác truyền thống với những sáng kiến tạo hình mới mẻ để cho ra những sản phẩm hợp nhu cầu thẩm mỹ của người tiêu dùng.
Quang cảnh ở một góc đường ở làng gốm Bàu Trúc.

Cách thành phố Phan Rang, Ninh Thuận chừng 12km về phía Nam, làng gốm Bàu Trúc (tên tiếng Chăm là Hamu Krok) nay đã được đổi thành là khu phố Bàu Trúc, thuộc thị trấn Phước Dân của huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Đi dọc những con đường lớn, nhỏ tại khu vực này sẽ thấy quang cảnh làng gốm hiện ra khá sinh động. Những phụ nữ tuổi trung niên trở lên ai cũng bận rộn với nghề, kẻ nắn đất sét thành sản phẩm, người vạch hoa văn, tuốt láng, chỉnh sửa sản phẩm bên hiên nhà. Còn nam giới, người lớn tuổi giúp nhồi trộn đất sét, phơi sản phẩm, những trai trẻ lo họa vẽ, gắn các chi tiết trang trí lên sản phẩm.

Những vựa gốm nơi đây vừa tự sản xuất vừa mua thêm sản phẩm từ những lò gốm trong làng để chờ chuyển đi các nơi bán hay chờ khách hàng các nơi đến lấy. Các vựa gốm này có chỗ chứa là hiên nhà trên, nhà dưới và cả ở sân tựa như là những phòng trưng bày, thường có du khách tới tham quan.

Chủ xưởng Sử Thị Kiều Lan cùng với những thợ trẻ ở Bàu Trúc đang ghép các chi tiết phụ (cũng bằng gốm) vào hòn non bộ.

Ông Đàng Chí Quyết, trưởng khu phố (làng) Bàu Trúc, cho hay làng gốm này được xếp là một trong ba điểm du lịch làng nghề Chăm của Ninh Thuận.

“Cái độc đáo ở gốm Chăm Bàu Trúc là người thợ gốm ở đây không dùng bàn xoay để tạo hình như ở tất cả các làng gốm của các dân tộc khác mà họ chỉ dùng cái hòn (đòn) kê để đặt khối đất sét lên rồi dùng tay và bước thụt lui nắn để nắn thành sản phẩm, có những sản phẩm rất lớn như chum, vại”, ông Quyết nói.

Một du khách xem hàng gốm gia dụng truyền thống của Bàu Trúc tại làng nghề này.

Họ cũng không dùng lò nung kín mà chỉ nung lộ thiên, chất sản phẩm thô (đã phơi xong) thành đống trên mặt đất rồi dùng rơm, lá khô, củi cành phủ lên và đốt nung cho đạt độ chín. “Du khách đến tham quan làng gốm Bàu Trúc là vì cái lạ lẫm này. Lại còn cái lạ nữa là gốm mỹ nghệ ở làng này làm ra cũng khác lạ với gốm mỹ nghệ ở các các nơi”, ông Quyết cho biết thêm.

Một trong những điểm nổi bật của gốm mỹ nghệ Bàu Trúc là trên một sản phẩm lại có được nhiều màu sắc tự nhiên. “Đây là cái bí quyết của thợ Bàu Trúc mình đó”, chị Sử Thị Kiều Lan, một chủ lò, từng đưa hàng gốm của làng mình đi bán ở nhiều nơi, nói.

Hàng gốm mỹ nghệ đủ loại ở vựa chứa của chị Đàng Thị Hòa.

Người thợ gốm năng động về thị trường gốm này cũng cho hay là các trai trẻ ở làng nay đã tham gia vào làm gốm chứ không như trước đây là chỉ để lớp các mẹ, các chị. Họ làm ra các hàng mỹ nghệ gốm như tháp, tượng, trang trí hình trên sản phẩm.

Thêm một mặt hàng mới của Bàu Trúc được khách hàng thích là gốm hòn non bộ. Một non bộ được gắn lên đó nhiều món nhỏ như lọ, bình, tháp, tượng nhỏ, tạo nên nét đẹp tổng hòa của gốm Chăm, kích thích được sức sản xuất của làng gốm.

Gốm gia dụng Bàu Trúc vài năm nay dần dần được thị trường quan tâm. “Vì nó lợi cho sức khỏe, môi trường. Nếu được khách hàng tiếp tục chiếu cố, mặt hàng truyền thống này bán được khá thì làng nghề mình sẽ phát triển hơn nữa”, chị Kiều Lan nói.

Huỳnh Văn Mỹ


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.
5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn