Chuyện nghề du lịch: Vì sao nên trekking theo nhóm?

Chúng ta trekking để hòa mình vào tự nhiên, tuy nhiên nếu trekking một mình sẽ vô cùng nguy hiểm khi gặp phải những tình huống không mong đợi như chấn thương, lạc đường, thời tiết thay đổi đột ngột…

Trekking theo nhóm có thể hỗ trợ nhau trong những lúc gặp sự cố. Ảnh: Mai Hoàng Long

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Lưu Dũng, Giám đốc Jungle Boss, Công ty du lịch chuyên tổ chức các tour mạo hiểm có trụ sở tại Quảng Bình, cho biết việc trekking theo nhóm sẽ mang lại nhiều giá trị cho chuyến du lịch bên cạnh yếu tố an toàn.

Đảm bảo an toàn

Sẽ luôn có một người là trưởng nhóm, am hiểu và biết cách xử lý những tình huống bất ngờ. Ảnh: Linh Lố

Ông Dũng cho rằng, mọi hoạt động khám phá đều ít nhiều mang tính chất mạo hiểm, trekking cũng vậy. Khám phá rừng núi và hang động càng cần phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu.

Tự nhiên dù rất đẹp và hấp dẫn, tuy nhiên cũng ẩn chứa không ít rủi ro không thể đoán trước. Dù bạn đã là trekker có dày dặn kinh nghiệm đi rừng, trong những tình huống không mong đợi như chấn thương, lạc đường, thời tiết đột ngột chuyển xấu… nếu đi một mình sẽ vô cùng nguy hiểm.

Đi trekking theo nhóm còn có thể gắn kết với những người bạn mới. Ảnh: Mai Hoàng Long

Lúc này, bạn rất cần sự hỗ trợ của những người bạn đồng hành, giúp bạn chăm sóc vết thương, bưng vác đồ đạc, hay đơn giản chỉ là có người ở bên cạnh chia sẻ. Cùng với họ, những tình huống này đôi khi còn có thể biến từ tồi tệ thành vui vẻ và đáng nhớ.

Một điểm đáng lưu ý nữa, theo giám đốc của công ty du lịch chuyên tổ chức các tour trekking, thú dữ có xu hướng tránh những nhóm đông người và lang thang một mình trong rừng rất có khả năng bạn sẽ chạm trán những “người bạn không mong muốn”.

Hiểu được giá trị của team-work

Dù bạn yêu thích làm việc một mình hay theo hội nhóm thì trekking thành một nhóm nhỏ vẫn luôn có lợi hơn.

Trekking nhìn chung bao gồm khá nhiều hoạt động nhóm như dựng lều, đốt lửa trại hay nấu nướng. Khi trek (dã ngoại) theo nhóm, mọi người có thể chung tay cùng làm việc, như vậy sẽ hiệu quả hơn, công việc được xử lý nhanh chóng hơn.

Vai trò của người trưởng nhóm rất quan trọng trong quá trình trekking. Ảnh: Biên Lê

Ông Dũng nói thêm, để đảm bảo sự an toàn cho một hành trình, thông thường trong nhóm sẽ cần có trưởng đoàn – là người có kiến thức về trekking nhất cũng như có khả năng tiên liệu trước những rủi ro có thể xảy ra và biết cách xử lý chúng. Bạn sẽ không còn nỗi lo bị bỏ mặc một mình giữa núi rừng. Trưởng đoàn chính là người có trách nhiệm cao nhất về sự an toàn của cả nhóm.

Trekking một mình tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ảnh: Mai Hoàng Long

“Những người còn lại trong đoàn cũng cần có ý thức kỷ luật cao như khởi hành đúng giờ, trek theo đúng lộ trình đã đề ra, có tinh thần cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau”, ông Dũng nói. Đây cũng chính là công thức vàng để tạo nên thành công cho mọi hoạt động team-work trong bất cứ hoàn cảnh nào khác.

Trekking theo nhóm còn thể hiện được tinh thần làm việc nhóm. Ảnh: Biên Lê

Gặp gỡ và làm quen với những người bạn mới

Trong đám bạn chỉ có một mình mình là thích trekking? Không sao cả. Đã từng có rất nhiều đoàn khách mà mỗi người lại đến từ một nơi khác nhau, thậm chí còn không nói chung một ngôn ngữ. Bắt đầu hành trình, họ là những con người xa lạ, nhưng khi kết thúc hành trình, họ đã trở thành bạn của nhau.

Một tour trekking chinh phục siêu hố sụt Kong, Quảng Bình. Ảnh: Mai Hoàng Long

Điểm chung đầu tiên và lớn nhất chắc chắn là tình yêu thiên nhiên và niềm yêu thích du lịch mạo hiểm. Vậy thôi đã không ít chuyện để nói rồi.

Theo ông, trekking để hòa mình vào tự nhiên, kết nối với những giá trị mà bình thường không có cơ hội được tiếp xúc. Nhưng đồng thời tình thế này cũng cho phép chúng ta kết nối với nhau, với những người bạn cùng chung sở thích.

Đối với những cung trekking mạo hiểm càng cần có bạn cùng đồng hành nên trekking theo nhóm là bắt buộc. Ảnh: Mai Hoàng Long

“Cùng nhau trải qua không ít những thử thách để đến được đích cuối cùng, như vậy cũng đã có thể gọi nhau là anh em – đồng chí rồi”, ông Dũng nói thêm.

Nguyễn Nam

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn