Du lịch giữa mùa dịch: Sức hấp dẫn của thác Bản Giốc

Nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn, thuộc đường biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, danh thắng quốc gia thác Bản Giốc thuộc địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, là điểm tham quan hấp dẫn du khách nhất khi đến với miền non nước Cao Bằng.

Thác Bản Giốc được xem là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là thác nước lớn thứ 4 thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia.

Nằm cách thành phố Cao Bằng khoảng 89km, thác Bản Giốc là ngọn thác rộng khoảng 300m, gồm thác cao và thác thấp. Thác cao nằm hoàn toàn trong địa phận Việt Nam, rộng khoảng 150m, cao khoảng 30m và là thác một tầng. Thác thấp nằm giữa biên giới Việt – Trung, rộng khoảng 50m, cao khoảng 35m, gồm ba tầng, do cả Việt Nam và Trung Quốc cùng quản lý.

Cảnh quan Krast tại Bản Giốc.

Nhìn từ trên cao, thác Bản Giốc như tấm lụa trắng muốt, mềm mại uốn lượn giữa sắc xanh bạt ngàn của núi rừng miền biên viễn. Đứng trước ngọn thác, du khách chỉ còn biết kinh ngạc, ngẩn ngơ choáng ngợp bởi vẻ đẹp thiên nhiên nên thơ mà hùng vĩ.

Dưới chân thác là mặt sông phẳng rộng, trong xanh, hiền hòa. Những chiếc thuyền nhẹ lướt sóng đưa du khách dạo quanh dòng Quây Sơn… Chính những điều tưởng chừng đơn giản đến bình dị ấy đã tổng hòa tạo nên một bức tranh tuyệt tác nơi miền biên cương Tổ quốc.

Với vị trí nằm trên đường biên giới Việt – Trung, thác Bản Giốc vẫn luôn giữ được hình ảnh là một điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện. Hiện nay, tỉnh Cao Bằng đã và đang đưa ra những chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển du lịch.

Du khách trải nghiệm Bản Giốc. Ảnh: Đàm Hằng

Thác Bản Giốc còn mang nhiều giá trị địa chất độc đáo. Phần trên ngọn thác là cảnh quan Karst từ trưởng thành đến già (địa hình dạng cụm đỉnh – lũng kết hợp với địa hình dạng tháp độc lập). Phía dưới ngọn thác là thung lũng đứt gãy sông Quây Sơn phát triển theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Về mực nước ở thác Bản Giốc cũng tuân theo quy luật tự nhiên hai mùa: mùa mưa và mùa khô.

Cách thác Bản Giốc không xa, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc cổ của làng đá Khuổi Ky; mê cung kỳ diệu động Ngườm Ngao; chiêm bái tại chùa Phật tích Trúc Lâm – Bản Giốc; trải nghiệm văn hóa bản địa như làm việc đồng áng cùng người dân; cùng tìm hiểu văn học, nghệ thuật, kiến trúc của người Tày – Nùng, chế biến và thưởng thức những món ăn đặc sản mang hương vị núi rừng, từ đó đã tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt cao.

Mê kỳ diệu Ngườm Ngao. Ảnh: Chiến Thắng

Nằm trong tuyến du lịch phía Đông, thác Bản Giốc là điểm nhấn của Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng. Hàng năm, vào dịp lễ hội du lịch thác Bản Giốc cũng thu hút được rất đông du khách đến tham quan.

Dựa trên tiềm năng, thế mạnh khu vực Bản Giốc chủ yếu khai thác cảnh quan vẻ đẹp kỳ vĩ được thiên nhiên ban tặng; trải nghiệm văn hóa bản địa ở các bản làng trong khu du lịch; chú trọng phát triển du lịch biên giới gắn với chương trình du lịch giữa tỉnh Cao Bằng – Việt Nam và khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây – Trung Quốc trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch Thác Bản Giốc, Việt Nam và thác Đức Thiên, Trung Quốc.

Tính đến thời điểm hiện nay, cơ sở hạ tầng tại điểm đến đã được đầu tư tương đối đồng bộ thuận lợi để phát triển du lịch, như hệ thống điện, nước, internet, đường bộ.

Các cơ sở dịch vụ chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm thác, với quy mô hoạt động theo hình thức hộ gia đình nhỏ lẻ và chỉ có một nhà hàng của Công ty Sài Gòn Tourist trong Khu du lịch nghỉ dưỡng Sài Gòn – Bản Giốc với quy mô đón được khoảng 200 khách.

Cơ sở lưu trú tại Khu du lịch Thác Bản Giốc gồm khu nghỉ dưỡng Sài Gòn – Bản Giốc được xây dựng theo quy mô 4 sao và các khách sạn, nhà nghỉ, homestay với quy mô nhỏ nhưng chứa đựng sự gắn kết giữa bản sắc văn hóa và cộng đồng.

Du thuyền khám phá thác Bản Giốc.

Hiện, giá vé tham quan tại Khu du lịch thác Bản Giốc là 45.000 đồng/người/lượt. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể trải nghiệm các dịch vụ như thu hoạch hạt dẻ, thạch trắng; dạo bè ngắm cảnh quanh dòng Quây Sơn dưới chân thác; cưỡi ngựa thong dong bên bờ sông; đua thuyền kayak; đi xe đạp…

Du khách trải nghiệm văn hóa bản địa. Ảnh: Trường Giang

Đến với thác Bản Giốc giữa đại ngàn vùng biên viễn, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp choáng ngợp của cảnh quan thiên nhiên và tìm hiểu về văn hóa bản địa của các dân tộc đang sinh sống tại Cao Bằng đôn hậu, mến khách. Đây là điểm đến lý tưởng phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng hoặc picnic cuối tuần nhằm xua tan sự ngột ngạt của cuộc sống hàng ngày.

Tính tới thời điểm hiện tại, Cao Bằng đang là địa phương duy nhất trên cả nước chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh do Covid-19 gây ra.

Xuân Quỳnh

Trung tâm Văn hóa và Thông tin du lịch tỉnh Cao Bằng


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.
5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn