Câu chuyện du lịch: Nhớ về mùa hoa dã quỳ

Dã quỳ đâu chỉ Đà Lạt mới có, nhưng so với các tỉnh Tây Nguyên thì dã quỳ Đà Lạt được biết đến nhiều hơn bởi hoa mọc ngay sát phố.

Thuở “cuộc sống bình yên”, năm nào cũng vậy cứ đến mùa hoa dã quỳ là tôi làm cuộc hành trình bằng xe máy đi từ Nha Trang lên Đà Lạt, vượt đèo Khánh Lê với cung đường dài khoảng 140km để ngắm hoa dã quỳ nở.

Ảnh minh họa: Hoa dã quỳ rực rỡ sắc vàng

Dã quỳ đâu chỉ Đà Lạt mới có, nhưng so với các tỉnh Tây Nguyên thì dã quỳ Đà Lạt được biết đến nhiều hơn bởi hoa mọc ngay sát phố. Còn ở Gia Lai hoặc Đắk Lắk, hoa xa phố và không nằm ở các điểm du lịch mà thường mọc chạy dọc theo đường quốc lộ. Tôi cũng đã từng gặp hoa dã quỳ ở Biển Hồ Pleiku và mê mẩn chạy theo cung đường dã quỳ trong tuyến đường từ Pleiku lên Kon Tum.

Lạ là dã quỳ nhiều đến thế, ngay quảng trường Lâm Viên, thành phố Đà Lạt cũng lấy hoa dã quỳ làm biểu tượng. Nhưng Đà Lạt không có lễ hội hoa dã quỳ. Có thể vì mỗi hai năm một lần Đà lạt đã có Lễ hội hoa rồi chăng? Và dẫu không có lễ hội cho riêng loại hoa vàng hoang dã, dã quỳ Đà Lạt làm đẹp cả thành phố trong sắc vàng, làm nôn nao lòng người trong những cuộc hành trình tìm đến.

Chưa có năm nào tôi không đi tìm gặp hoa dã quỳ. Tôi thuộc nằm lòng những cung đường có hoa dã quỳ nên không cần đi hỏi mà cứ đi tìm gặp những vạt dã quỳ đã từng nở năm trước, không thể nào không tận mắt ngắm và chụp ảnh cùng hoa.

Tôi có một thời gian khoảng 5 năm ở Đà Lạt. Vào thời điểm đó, Đà Lạt chưa náo nhiệt như bây giờ. Khi đó, phía dưới con đường Bùi Thị Xuân bây giờ là vô vàn hoa dã quỳ, con đường Hoàng Diệu và Hai Bà Trưng cũng vậy. Trên các vách đất hoa dã quỳ kiêu ngạo nở, con đường Nguyễn Công Trứ có cả một thung lũng hoa dã quỳ, cả trong khuôn viên đại học Đà Lạt.

Nói như vậy chỉ là hoài niệm, như hoài nhớ một cuộc tình đã cũ cứ làm ta buâng khuâng. Buâng khuâng như thuở ấy tôi đi thác Cam Ly ngắm nhìn hoa dã quỳ, bởi vì câu chuyện của nhà văn Võ Hồng mà tôi được đọc, kể về đôi tình nhân hò hẹn ở dưới cụm hoa. Có khi tôi hái hoa dã quỳ tặng cô bạn gái thời học trò, cô ấy rất vui dẫu quanh cô ấy là ngàn ngàn hoa dã quỳ đang vẫy chào.

Kể tiếp cuộc hành trình đi Đà Lạt trong mùa hoa. Điểm đầu tiên tôi luôn dừng lại chính là vạt hoa chỉ còn cách thành phố 10km, đây là vạt hoa có những lối đi vào và cũng là vạt hoa nở sớm nhất ở Đà Lạt. Sau đó, khi đã nghỉ ngơi, cuộc hành trình của tôi chính là cung đường đi Tà Nung.

Bạn cứ đi sau khi qua làng hoa Vạn Thành, ngay gần Khu du lịch Việt Tiến là con đường hoa, dã quỳ mọc cao và nở hai bên giống như trong phim. Con đường đi Tà Nung, dã quỳ theo chân, có khi ở trên đồi cao, có khi bên hiên nhà, có khi dưới lũng sâu. Nói chung là đi và nhìn ngắm đủ để no đôi mắt, đủ để cảm thấy cuộc hành trình bằng xe máy của mình đi tìm loài hoa ấy chẳng phí công.

Đà Lạt ban tặng cho du khách những bông hoa dã quỳ mọi nơi, cũng chỉ mới năm ngoái thôi tôi đã đi từ Nha Trang lên Đà Lạt chỉ vì muốn tận mắt ngắm hoa dã quỳ. Cứ đi ra ngoại ô là gặp cung đường đi hồ Tuyền Lâm, đi Đường Hầm Đất Sét, đến Thung Lũng Vàng, đường Mimosa… Chao ôi! thấy hoa là dừng lại để ngắm trọn vẻ đẹp nao lòng ấy.

Hoa dã quỳ ở Đà Lạt không trồng trong các khu du lịch, chỉ là loài hoa hoang dại, tự mọc khi qua mùa mưa, cây đủ lớn và mầm hoa đủ để bung ra đón mùa đông lạnh. Chỉ là hoa dại mà lòng luôn như lỗi hẹn nếu không lên Đà Lạt để tận mắt ngắm hoa dã quỳ nở.

Và dẫu cuộc sống có bao nhiêu biến động, khi Đà Lạt chấm dứt những cơn mưa tháng 8, từng vạt hoa dã quỳ đã vươn cao từ tháng 10 đến tháng 12, ngóng những bước chân người. Dịch bệnh đang ngăn trở những bước chân người, giờ đi vòng thành phố cũng là điều khó. Mong khi Đà Lạt vào mùa hoa dã quỳ nở dịch bệnh sẽ tạm lùi và ta sẽ gặp nhau trong mùa hoa vàng đó.

Bây giờ Đà Lạt đã qua những ngày giãn cách nhưng phố vẫn vắng những bước chân du lịch, chỉ còn hai tháng nữa mùa hoa dã quỳ sẽ hết. Và năm nay là một lời hẹn, hẹn Đà Lạt vào mùa hoa dã quỳ.

Khuê Việt Trường

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn