“Có một thực tế không muốn nói ra nhưng vẫn phải nói, chúng tôi đã từng bước hạn chế chất thải nhựa cách nay 4 năm, cụ thể bằng việc không trang bị bàn chải và kem đánh răng sử dụng một lần hay nước uống đóng chai có vỏ nhựa trong phòng khách… khuyến khích du khách nên sử dụng bàn chải sử dụng nhiều lần, nước uống thì trang bị bình nước lớn miễn phí để ngoài sảnh, ai không mang theo bàn chải, kem đánh răng thì mua ở quầy lễ tân”.
Đó là chia sẻ của một quản lý khu du lịch không tiện nêu tên, thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn. Điều đáng buồn mà vị quản lý này tâm sự chính là kết quả của hành động du lịch có trách nhiệm nhằm hạn chế rác thải nhựa mà cơ sở của ông dành cho du khách: có khoảng 50% phản ứng rất khó chịu, 35% không nói ra nhưng có vẻ không vui, có khoảng 15% đồng tình ủng hộ. Và để làm hài lòng số đông du khách, cuối cùng hiện cơ sở của ông từ năm nay phải áp dụng trang bị trở lại như như xưa.
- Cùng doanh nghiệp lữ hành định hình du lịch có trách nhiệm
- Sáng kiến Điểm đến An toàn năm 2023: Kết nối để phát triển du lịch xanh, bền vững
Mất khách, xót xa lắm
Rác, nhất là rác thải nhựa đang là vấn đề lớn của các doanh nghiệp du lịch, dù là lữ hành hay cơ sở lưu trú. Mấy ngày gần đây, báo chí và dư luận quan tâm nhiều tới thông tin tình trạng rác ùn ứ trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TPHCM), đặc biệt là ở đoạn kênh gần cuối đường Hoàng Sa – Trường Sa (hướng đường Lê Bình, quận Tân Bình). Dưới góc nhìn của cộng đồng là rác thải, là vệ sinh môi trường, còn nhà làm du lịch lại khác. Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Thuyền Nhiêu Lộc (thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn), công ty đang triển khai chùm tour du ngoạn trên dòng kênh này từ cả tháng nay cũng đành ngậm ngùi chịu mất khách.
“Từ hơn tháng nay, chúng tôi buộc phải ngừng bán tour du lịch cho khách nước ngoài trên kênh Nhiêu Lộc vì lo ngại phản ứng của du khách khi họ chứng kiến tình trạng rác thải. Thà chịu mất doanh thu còn hơn đưa khách xuống kênh và phải đền bù nếu họ phản ứng về tình trạng rác thải. Xót xa lắm, tuần nào cũng mất ít nhất 200 khách nước ngoài đi trên kênh này”, ông chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Image Travel & Events cho hay, du khách nước ngoài họ rất thích cảnh sắc ở Việt Nam, nhưng họ luôn hỏi hướng dẫn viên khi thấy rác thải quá nhiều và lắm lúc hướng dẫn viên “bí”, không biết nói sao. “Do vậy trong huấn luyện, rút kinh nghiệm cho hướng dẫn viên, tôi đành nói với hướng dẫn viên là phải trung thực với du khách và vấn nạn rác thải thì nên nói thật là ý thức của không ít người dân chúng tôi còn rất thấp dù chính quyền đã cố gắng”.
Còn ông Phan Xuân Anh thì nói: “Hướng dẫn viên cho khách quốc tế của chúng tôi không ngày nào không khổ tâm vì ngày nào cũng có khách nước ngoài hỏi khi họ thấy rác thải nhiều quá”. Thường khách quốc tế thắc mắc tại sao vật thải nhựa và rác sao nhiều vậy, vì sao xả ra môi trường sống như vậy?
Ông Phan Đình Huê, chuyên gia du lịch, một cộng tác viên lâu năm của nhóm Tạp chí Kinh tế Sài Gòn cho rằng nguồn phát thải nhựa hiện nay ở Việt Nam quá nhiều với nguyên nhân là sản xuất đại trà, bán giá rẻ, sử dụng vô tư, xả ra môi trường thoải mái dù luật pháp có quy định nhưng dường như chưa đủ răn đe. Nếu phân chia theo không gian thì chúng ta bị rác thải, túi ni lông bao vây từ dưới nước, trong lòng đất, trên mặt đất, trên cao (các loại băng-rôn treo vô tội vạ trên cột điện) và theo thời gian thì cả 24/24 giờ một ngày.
“Các doanh nghiệp du lịch bạn bè của tôi than phiền nhiều về vấn nạn rác, nhất là rác thải nhựa, như anh bạn người Đức Martin của tôi ở khu du lịch Ricefield Lodge, Phong Điền Cần Thơ, than hoài về vấn nạn này, cùng với tiếng ồn do hát karaoke”, ông Huê kể.
Rác làm khó doanh nghiệp du lịch
Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Điều đáng nói ở đây, chất thải nhựa không chỉ phát sinh nhiều, mà đa phần còn bị thải trực tiếp cùng các loại chất thải khác và không được phân loại. Điều này gây khó khăn cho công tác phân loại, xử lý tái chế và giảm rác thải nhựa tại các địa phương.
Lượng chất thải nhựa và túi ni lông ở Việt Nam, chiếm khoảng 8 – 12% chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11 – 12 % số lượng chất thải nhựa, túi ni lông được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường, điều này có thể dẫn đến thảm họa môi trường, ô nhiễm đại dương.
Trong một công bố về danh sách các điểm đến cần cân nhắc khi tới thăm trong năm 2024 – “No list 2024” trên tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ Fodor’s Travel, có đề cập một điểm đến di sản tại Việt Nam. Theo đó, “No list 2024” xét trên 3 tiêu chí chính gây ảnh hưởng đến du lịch: quá tải khách, tạo rác thải, chất lượng và nguồn nước, những điều gây hại cho điểm đến và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương và Kỳ quan Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) được nhắc đến trong tiêu chí “tạo rác thải”.
Rác bủa vây khắp nơi tại Việt Nam, từ đất liền đến hải đảo. Trong năm 2023, tại Vườn Quốc gia Côn Đảo, thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn đã tổ chức 5 đợt nhặt rác với sự tham gia của các nhân viên, cán bộ của vườn và các tình nguyện viên, du khách. Trong đợt nhặt rác cuối cùng vào ngày 11-11-2023 ở hòn Bà, Côn Đảo, đội đã thu gom hơn 70 m³ rác thải.
Nhiều nhà tổ chức du lịch hiện nay cũng đang cố gắng tổ chức những tour du lịch xanh, thân thiện như dọn rác để góp phần bảo vệ môi trường nhưng thuyết phục khách không dễ khi nhiều người còn có tư tưởng bỏ tiền ra đi du lịch mà còn “bắt làm này làm kia”.
“Trong các tour của công ty, chúng tôi đều cố gắng lồng ghép một vài hoạt động như nhặt rác, trồng cây, giúp đỡ cho người nghèo. Ban đầu khách từ chối, họ cho rằng đi du lịch là để nghỉ dưỡng, chứ không phải để phục vụ cho người khác, nhưng dần dần họ thay đổi. Và số lượng du khách đồng ý tham gia tour này ngày một nhiều hơn”, ông Hoàng Trọng Quyền, Giám đốc Công ty Tour Hot247, thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn chia sẻ trong một tọa đàm về thực hiện trách nhiệm trong du lịch diễn ra gần đây tại TPHCM.
“Các doanh nghiệp du lịch đang nỗ lực làm du lịch có trách nhiệm nhưng trách nhiệm của du khách, nhà quản lý và cộng đồng rất quan trọng, đặt biệt, quản lý và luật pháp phải luôn đi trước một bước”, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty Du lịch Lửa Việt, thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn, nói.
Ngọc Khuyến