Du lịch giữa mùa dịch: Về Cà mau ngắm chùa Monivongsa Bopharam

Tại trung tâm thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau có một ngôi chùa với kiến trúc đậm nét văn hóa của người Khmer Nam bộ với gam màu đỏ, vàng chủ đạo, để lại cho mình ấn tượng đặc biệt. Ngôi chùa Monivongsa Bopharam mang vẻ đẹp như một đóa sen cách điệu.

Ngôi chùa với kiến trúc đậm nét văn hóa của người Khmer Nam bộ.

Cà Mau là vùng đất nơi tận cùng của Tổ Quốc ở phía Nam với những vẻ đẹp miệt vườn sông nước đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long. Bạn được len lỏi trong các kênh rạch của rừng đước, hay tận hưởng bầu không khí trong lành của rừng U Minh Hạ với những cánh rừng tràm bạt ngàn, xanh thẳm hút tầm mắt, tạo nên vẻ đẹp hoang sơ kỳ thú.

Mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên bờ của nước ta có thể ngắm mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở biển phía Tây.

Tại trung tâm thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau có một ngôi chùa với kiến trúc đậm nét văn hóa của người Khmer Nam bộ với gam màu đỏ, vàng chủ đạo, để lại cho mình ấn tượng đặc biệt. Monivongsa Bopharam mang vẻ đẹp như một đóa sen cách điệu.

Theo tiếng Pali (Phạn ngữ) và lấy ý nghĩa từ kinh điển Phật giáo, Monivongsa Bopharam có thể hiểu là Liên Hoa Tự (chùa Liên Hoa). Đây là một quần thể kiến trúc mang đậm nét văn hoá của người Khmer Nam bộ, được xây dựng năm 1964 bởi cố hòa thượng Thạch Kên.

Trên cổng chính là hình 3 ngọn tháp tượng trưng cho Tam bảo.

Chùa quay về hướng Đông với cổng chính khá đặc biệt, bên trên là hình 3 ngọn tháp tượng trưng cho Tam bảo. Lùi vào trong khoảng 100m là khuôn viên chùa với những hàng cây bao quanh và rất nhiều cổng phụ. Đây là nét đặc trưng nhất của các ngôi chùa Khmer Nam Bộ.

Điều khiến mình ấn tượng nhất là bức tượng Phật khổng lồ nằm ngang sân chùa, thể hiện sự bề thế của Monivongsa Bopharam.

Chùa gồm chính điện, sa la (nhà hội của các sư sãi), tháp để cốt, am… Chính điện có kiến trúc và hoa văn dựa theo Tam Tạng kinh của Phật giáo. Bốn cửa chính và 10 cửa sổ nằm song song hai bên chính điện. Xung quanh những cột đà bê tông cốt sắt kiên cố được chạm trổ những nét hoa văn theo sử học Phật giáo. Phía trên là những miếng ngói đỏ làm sáng ngời khu trùng tự và ba đỉnh chuông trên đỉnh tháp, tượng trưng cho việc bảo vệ, duy trì Kinh – Luật – Luận.

Bên trong chính điện, nơi chư tăng hành tăng sự, có tam cấp Bồ đoàn và đại thọ Bồ đề, nơi đức Phật ngồi tham thiền, phía trước là hai Long Vương chầu Phật, Bồ Tát đản sinh và trì bình khất thực. Trên bốn vách tường chính điện là những hình họa như cảnh động tâm, đản sinh, xuất gia, thành đạo và nhập niết bàn cùng tiền sử của đức Phật…

Giữa chính điện là những cột đà bao phủ với những hoa văn như Mạn Đà La Hoa, chân cột là những hoa sen chen nhau đua nở và tượng Phật an tịnh sau những ngày thuyết pháp độ sinh, trì bình khất thực…

Những nét hoa văn đặc trưng của chùa Khmer.

Trên vách, trần và các cột chùa được trang trí nhiều màu sắc, với những phù điêu, bích họa kể lại cuộc đời của đức Phật và chuyện Riêm-kê, tức trường ca Ramayana, do nghệ nhân Danh Bên ở Cà Mau thực hiện.

Khuôn viên chùa rộng lớn với những hàng cây bao quanh, bên trong có bốn bức vòng thành được gắn liền những tượng chàng Yasa gồng mình gánh nặng (có ý nghĩa quay đầu phục thiện, sửa chữa lỗi lầm). Lối vào chùa đi qua cổng nhất ngọ môn với nhiều cấp bước, có ý mời các Phật tử muốn thoát tục mạnh dạn bước vào quy y Tam bảo, sống theo thiện Pháp mà đức Phật đã giáo truyền.

Theo các nhà sư ở chùa Monivongsa Bopharam, để có được một ngôi chính điện nguy nga, các Phật tử đã bỏ ra nhiều công sức nhằm duy trì nền văn hóa chung trong cộng đồng người Việt, cũng là nơi hành lễ để duy trì các giá trị Chân – Thiện – Mỹ mà Đức Phật đã dạy.

Hàng năm vào các ngày lễ tắm Phật, ngày 30-8 và 1-9 âm lịch, hay những dịp lễ hội của người Khmer như Chôl Chnăm Thmây, Sene Đolta, Ok Om Bok… người dân địa phương đến chùa chiêm bái, tổ chức vui chơi, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham dự.

Những dịp lễ hội như thế thường kéo dài nhiều ngày và diễn ra suốt đêm với các sinh hoạt sôi động như đá cầu, ném tạ, nhảy lưới, giấu khăn, bịt mắt bắt dê, đánh đáo, kéo co, thả đèn trời…

Trên vách, trần và các cột chùa được trang trí nhiều màu sắc, với những phù điêu, bích họa.

Ngoài nhiệm vụ chính là thực hiện các hoạt động tôn giáo, chùa còn là trung tâm văn hóa giáo dục dành cho người Khmer sống quanh vùng. Trong chùa có trường dạy chữ Khmer, dạy tiếng Việt… là nơi lưu giữ các tập truyện kể dân gian xưa và nay, các vốn văn hóa truyền thống của cư dân bản địa Khmer.

Với những nét văn hóa đặc trưng, có thể nói chùa Monivongsa Bopharam là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của người Khmer ở Cà Mau, ngôi chùa như một nét duyên của thành phố cực Nam luôn chào đón du khách.

Trần Quang Duy, Giám đốc Chim Cánh Cụt Travel

Thành viên Sáng kiến Điểm đến an toàn


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn