Du lịch giữa mùa dịch: Đừng vội ở Hà Nội

Trở lại sau gần 4 năm, Hà Nội chào đón tôi bằng sức sống căng tràn mãnh liệt của khí trời vào tiết lập xuân. Trái tim của Tổ quốc vẫn thân thương như ngày nào, luôn tấp nập, đông vui nhưng vẫn giữ được nét cổ kính mặc cho bao thăng trầm của thời gian.

Theo dòng chảy thời gian, từ bao đời nay, Hà Nội luôn được biết đến là mảnh đất của một vùng văn hóa rất đặc biệt. Chính vì vậy, Hà Nội đã để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng sâu sắc qua những lần ghé thăm. Lần trở lại này, tôi thả hồn mình nơi Hồ Gươm để cảm nhận sự bình yên giữa thành phố ồn ào và náo nhiệt.

Tháp Rùa toát lên vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc giữa Hồ Gươm.

Tôi đến Quảng trường Ba Đình, nhớ tới sự kiện Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nghẹn ngào thấm thía sáu chữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Khi viếng Lăng Bác, tôi lặng người đi khi nhìn thấy vị Cha già của dân tộc đang say giấc. Tôi vào tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ngắm Khuê Văn Các – địa danh được in trên tờ tiền Việt Nam mệnh giá 100.000 đồng, đại diện cho tinh thần hiếu học trường tồn của dân tộc…

Cầu Long Biên – trang sử bằng thép của dân tộc.

Còn rất nhiều địa danh tuyệt vời khác ở Hà Nội mà bạn nên đến, bởi vì đằng sau mỗi địa danh đó đều là một câu chuyện, nhắc nhớ chúng ta về những trang sử hào hùng đã qua.

Thăm thú Hà Nội, tôi thích dạo quanh đường phố Thủ đô, rong ruổi khắp 36 phố phường, ngắm nhìn cuộc sống phồn hoa nơi đô thị hiện đại nhưng vẫn giữ được nét bình dị và thân thương. Bạn rất dễ bắt gặp mùi nước phở thơm lừng vào buổi sớm tại một quán nhỏ bên đường, hình ảnh người phụ nữ với gánh hàng rong tất bật mưu sinh, tiếng chổi tre xao xác vang lên ở một ngõ nhỏ nào đó, tiếng đánh cờ của những cụ ông hay đơn giản chỉ là cuộc “chém gió” bên cốc trà chanh, trà đá vỉa hè của cô cậu thanh niên trẻ. Đó là những hình ảnh, âm thanh và mùi vị rất quen thuộc, rất Hà Nội.

Dạo khắp 36 phố phường.

Lang thang qua khu phố cổ, sau khi lướt ngang phố đường tàu, nhìn ngắm tuyến đường sắt độc đáo “xình xịch” giữa những khu nhà cổ kính trong lòng thủ đô. Tôi đã ghé vào Giảng, một quán cà phê hơn 74 năm tuổi mang đậm hương vị Hà Nội của một thời bao cấp. Tôi gọi một tách cà phê trứng rồi nhâm nhi thưởng thức, đắm mình trong vị béo ngậy của lòng đỏ trứng quyện lẫn với chất cà phê đậm đà quyến rũ. Mặc cho không gian ồn ào xung quanh, tôi vẫn cảm thấy thư thả đến lạ kỳ.

Một góc phố đường tàu.

Nhắc đến Hà Nội, người ta sẽ nghĩ ngay đến những nét đẹp cổ kính, trầm mặc của mảnh đất Thăng Long xưa cũ. Khác với nhịp sống tất bật, vội vã của Sài Gòn. Từ cảnh vật đến con người Hà Nội vẫn cứ yên bình, chậm rãi, mặc cho sự đổi thay của cuộc sống, tạo nên cái hồn rất riêng của Hà Nội.

Thưởng thức món café trứng nổi danh.

Nếu có cơ hội, bạn hãy đến Hà Nội và chậm rãi trải nghiệm những nét văn hóa, để hiểu vì sao tôi yêu nơi này đến thế, để cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của mảnh đất nghìn năm văn hiến mà tôi đã gửi gắm rất nhiều những tâm tình.

Đừng vội ở Hà Nội!

Nga Võ

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn