Du lịch giữa mùa dịch: Trải nghiệm hương vị độc đáo muối cỏ

Hạt muối xưa kia với người Tây Nguyên quan trọng lắm. Tôi đã từng được nghe nhiều già làng trên miền cao kể về những con đường “đủ bàn chân đi” cắt ngang những cánh rừng, để người miền Thượng gùi sản vật xuống miền biển đổi và “cõng” về những hạt muối trong sự chờ đợi của cả buôn làng…

Các nguyên liệu tạo nên muối cỏ.

Có lẽ vì những hạt muối quí giá ấy là của hiếm được cõng về, trước là dâng Giàng, sau mới được dùng nên họ mới pha chế ra nhiều chất chấm tinh tuý có vị mặn: muối kiến vàng, muối lá é, muối sao chua … và độc đáo bậc nhất là muối cỏ.

Muối cỏ cũng gắn liền với ký ức con đường và bước chân nhưng không phải là bước chân tạo con đường mòn đi cõng muối mà là bước chân cô sơn nữ ra đồng khi sương sớm chưa tan dưới chân núi lửa Chư A Thai của Gia Lai…

Chẳng phải gót sen đài các của các cô khuê nữ chốn kinh kỳ được ngâm hương hoa trong chậu vàng, chậu bạc mà lạ thay sau mỗi bước chân của cô sơn nữ, đồng cỏ lại tỏa hương…

Thì ra các cô gái vùng cao đã dẫm lên cỏ thơm, loại cỏ nhỏ như cây kim mọc tự nhiên ở ven các con suối, mương, bờ ruộng và chúng tỏa hương. Mà ngộ nữa nè, giữa bạt ngàn cỏ dại, loài cỏ mỏng manh vừa bị giẫm đạp lại ngóc đầu lên tỏa hương và vươn cao, vượt mặt mấy loài cỏ khác.

Cây cỏ thơm khi còn tươi. Để làm muối cỏ, cỏ sẽ được phơi khô, xắt nhuyễn và giã cùng muối.

Và cũng chính bởi sự kiêu hãnh không biết giấu mình đó, người Gia Lai mới biết mà ngắt nó, mang về phơi khô, xắt nhuyễn, trộn với muối thành một thứ nước chấm tuyệt vời, có thể chấm với thịt luộc, thịt nướng hay trái cây đều được.

Mà lạ thiệt, muối vừa thơm, mặn thanh mà lại ngọt hậu… nhấm nháp chút đỉnh nghe thấm như thấm cả hương vị núi rừng! Thì ra muối của cha Lạc Long Quân hoà quyện với cỏ cây hoa lá của mẹ Âu Cơ mặn mà và ngọt ngào như mối tình của họ.

 

Cận cảnh cỏ thơm, nguyên liệu chủ yếu để làm nên muối cỏ.

Và người có công đi đếm từng bước chân cô sơn nữ, ngắt về từng cọng cỏ thơm là một người không cần nổi tiếng mà lại cứ nổi tiếng của phố núi…

Muốn nếm thử muối cỏ thơm và biết người đó là ai thì đi theo tour “Đi tìm hương vị núi rừng” của tôi về thăm quê cô gái Pleiku có đôi mắt biển hồ đầy nha!

Các bạn có thể giao lưu với người có công đưa muối cỏ thành đặc sản Gia Lai vào lúc 14:30 thứ Năm, ngày 5-8 trên fanpage Sài Gòn Tiếp Thị nha!

Phan Yến Ly


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn