Đó là ước muốn của các đơn vị, doanh nghiệp thành viên của Sáng kiến Điểm đến an toàn, hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Tất cả đều mong rằng, năm 2022, ngành du lịch Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc bởi những chính sách thiết thực để khôi phục thị trường.
- Điểm đến an toàn: Khách từ TPHCM đến Đà Nẵng không cần cách ly
- Những ngôi chùa linh thiêng và cổ hàng trăm năm tuổi ở khu phố người Hoa
Một năm 2021 đi qua, ngành kinh tế Việt Nam, trong đó có du lịch đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp mong muốn năm 2022, tình hình kinh tế sẽ có bước chuyển mình, hoạt động du lịch sẽ có nhiều bước khởi sắc hơn so với năm 2021.
Tòa soạn Sài Gòn Tiếp Thị đã ghi nhận những ước mong của các doanh nghiệp, là thành viên của chương trình Sáng kiến Điểm đến an toàn, về hoạt động du lịch trong năm 2022.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel:
Mở cửa phải đồng bộ
Việc mở lại du lịch, giao thông phải đồng bộ với mở cả hệ thống dịch vụ phục vụ. Bản chất ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nói một cách khác là kinh tế thượng tầng, nó phục vụ trực tiếp nhu cầu của con người. Vì thế, chỉ cần một dịch vụ hạ tầng ngưng cung ứng ở phía dưới thì du lịch sẽ bị gãy, đổ ngay lập tức. Chẳng hạn chúng ta nói đi Phú Quốc, đã mở hàng không và cho đi lại nhưng hệ thống dịch vụ hạ tầng của Phú Quốc không mở thì khách đến đó không biết làm gì ngoài việc ngồi trong khách sạn.
Ông Nguyễn Ngọc Hoài Nguyên, Tổng giám đốc BenThanh Tourist:
Kỳ vọng năm 2022 du lịch sẽ “tan băng”
Gần như tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch hiện nay đều có một kỳ vọng chung vào sự phục hồi của ngành du lịch trong năm mới 2022. Đặc biệt, với quyết định nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế vào đầu năm mới, cùng với việc vắc-xin ngừa Covid-19 ngày càng được tăng độ phủ trên toàn thế giới, nhiều quốc gia đã nới lỏng chính sách du lịch, hy vọng thị trường du lịch inbound, outbound sẽ sớm được tan băng.
Công ty hướng mục tiêu đến thị trường xa như Nam Mỹ, Châu Phi và các tour charter du lịch Nhật Bản, Hàn Quốc. Chúng tôi tin rằng hậu Covid-19 sẽ là giai đoạn bùng nổ khuyến mãi do nhiều quốc gia thực hiện chính sách kích cầu du lịch thu hút du khách và BenThanh Tourist sẽ nắm bắt xu thế này giúp du khách được tận hưởng những kỳ nghỉ ấn tượng với giá tốt nhất, cũng như tạo thêm nền tảng vững chắc để doanh nghiệp đột phá, phát triển thành công.
Ông Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc hãng hàng không du lịch Vietravel Airlines:
Sống chung với đại dịch là điều tất yếu
Giai đoạn 2022 – 2023 được đánh giá là năm bản lề cho quá trình phục hồi của toàn ngành dịch vụ du lịch và vận tải hàng không sau gần 2 năm chống chọi và tập thích nghi với đại dịch Covid-19.
Tôi đánh giá từ năm 2022, tâm lý người dân Việt Nam sẽ tích cực hơn và bức tranh vĩ mô cũng sẽ sáng sủa hơn 2 năm vừa qua sau rất nhiều bài học và kinh nghiệm tích lũy. Vì thế, việc sống chung với covid-19 sẽ là điều tự nhiên, tất yếu.
Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Outbox Consulting
Việt Nam cần một chính sách nhất quán để đón khách
Năm 2022 vẫn sẽ là một năm nhiều thách thức với du lịch Việt Nam. Thị trường khách quốc tế trên thế giới bước đầu có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn cần thời gian và khó có tăng trưởng cao như trước đây mà sẽ phải đợi đến giai đoạn các năm tới bởi tình hình dịch vẫn còn phức tạp.
Bên cạnh đó, thị trường du lịch quốc tế của Việt Nam vẫn sẽ phụ thuộc rất lớn vào chính sách và độ cởi mở của Chính phủ và các cơ quan ban ngành. Du lịch Việt Nam sẽ cần một chính sách thống nhất hơn và một kế hoạch rõ ràng hơn nếu muốn bắt kịp các quốc gia khác trong việc phục hồi thị trường quốc tế trong năm 2022.
Do đó, năm 2022 vẫn sẽ là một năm mà ngành du lịch Việt Nam trông cậy tiếp tục vào thị trường nội địa để có thể duy trì và tăng trưởng. Tuy thị trường nội địa được đánh giá là một trong những thị trường có mức độ sẵn sàng cao nhưng thực tế diễn biến thị trường trong giai đoạn 2020-2021 cho thấy việc đáp ứng các yêu cầu của thị trường nội địa đòi hỏi một sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các cơ quan ban ngành và doanh nghiệp từ các quy định về di chuyển đến vấn đề về sản phẩm dịch vụ.
Xu hướng du lịch của du khách sẽ vẫn duy trì ở các sản phẩm, lựa chọn mang tính riêng tư, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng ngắn ngày, thiên về thiên nhiên với các nhóm nhỏ gia đình, bạn bè.
Bên cạnh đó, với sự phục hồi của kinh tế, giao thương thương mại, năm 2022 cũng sẽ là thời điểm mà ngành du lịch có thể cân nhắc tới đối tượng khách du lịch công vụ kết hợp giải trí với các sản phẩm du lịch MICE, sự kiện thể thao…
Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Les Rives
Kỳ vọng sẽ đón khách quốc tế vào quí 3-2022
Với những chính sách của Chính phủ về mở lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ và việc chấp nhận “hộ chiếu vắc-xin” giữa Việt Nam và các quốc gia, cơ hội khách quốc tế quay trở lại Việt Nam trong quí 3-2022 sẽ khởi sắc khi Chính phủ có những giải pháp phục hồi du lịch cụ thể trong quí 1-2022.
Các loại hình du lịch được dự đoán trong năm 2022 vẫn là những chuyến bay riêng lẻ của khách theo đoàn, khách du lịch kết hợp hội họp (MICE) và khách du lịch tàu biển.
Nói riêng về du lịch đường sông tại TPHCM, việc tàu buýt trên sông với giá vé rẻ sẽ đưa du khách đi từ quận 1 sang quận Thủ Đức bước đầu giúp người dân địa phương có sự trải nghiệm hơn về một thành phố hoa lệ với con sông Sài Gòn chạy ngang qua trung tâm thành phố nối liền các quận.
Việc phòng tránh dịch bệnh hiện tại sẽ có tác động trực tiếp hướng khách hàng đến với những loại hình du lịch trải nghiệm dạng gia đình hoặc những nhóm nhỏ với ưu tiên an toàn đặt lên hàng đầu, tour đi về trong ngày thì tôi cho rằng đây cũng là một lợi thế đối với các nhà kinh doanh du lịch đường sông.
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, ông chủ của Luxury Travel Co., Ltd
Nghỉ dưỡng biển trên du thuyền sẽ lên ngôi trong năm 2022
Du lịch giờ đây tất cả là điểm đến, trải nghiệm và ký ức. Nhiều xu thế mới như du lịch một mình, du lịch kết hợp làm việc, du lịch tại chỗ, du lịch nông nghiệp nông thôn, trở về với thiên nhiên, du lịch thể thao, mạo hiểm và chăm sóc sức khỏe toàn diện. Con người sẽ thích du lịch phong cách xanh hơn, thân khỏe và lành tinh thần.
Do Covid, nhiều người Việt Nam đã trải nghiệm du thuyền và yêu thích ngay loại hình nghỉ dưỡng này vốn trước kia chỉ dành cho Tây. Nhiều tháng hè 2020 và 2021 các du thuyền đều vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Lan Hạ, Nha Trang, và Phú Quốc đều không còn cabin để bán mặc dù trong điều kiện kinh doanh có dịch. Du thuyền tiếp tục là lựa chọn yêu thích của nhiều người trong năm 2022.
Du thuyền ở Hạ Long.Loại hình du lịch nghỉ dưỡng này ít phải di chuyển. Du khách không phải yêu cầu hành lý, thời gian xếp hàng chờ đợi và những phiền toái chung. Du thuyền trên biển làm cho chuyến đi đơn giản và là một trải nghiệm thú vị. Du thuyền di chuyển khi khách khám phá, đỗ chỗ yên tĩnh và đẹp cho bạn nghỉ ngơi thư giãn và tham gia các hoạt động trên du thuyền và trên đảo, trên mặt nước và dưới nước.
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương
Mong sớm có thuốc đặc trị Covid
Hy vọng năm 2022 các nhà khoa học nghiên cứu và bào chế thành công thuốc đặc trị Covid với các chủng như Delta, Omicron… và khống chế các biến chủng khác để cuộc sống trở lại bình thường. Khi đó, doanh nghiệp du lịch phục hồi, người lao động du lịch quay lại công ty làm việc, tạo lại đà tăng trưởng du lịch, góp phần phát triển kinh tế, du lịch.
Ông Lê Hòa Hiệp, Giám đốc Công ty du lịch Hi Travel
Cần thống nhất quy trình đón và phục vụ khách du lịch
Hiện nay, việc di chuyển đến các tỉnh, thành đã không còn gắt gao như trước nhưng để hoạt động du lịch thì vẫn còn nhiều rào cản đối với du khách bởi những quy định không đồng bộ giữa các địa phương.
Để khách đi du lịch “dễ thở” và doanh nghiệp lữ hành có thể triển khai được tour, tôi mong rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch sẽ sớm có kiến nghị lên Chính phủ, xây dựng bộ hướng dẫn chi tiết dành cho khách du lịch của các địa phương trên cả nước. Ở đây, cơ quan ban ngành sẽ có một hướng dẫn chung, quy định hết các điều kiện đi du lịch, đón và phục vụ du khách.
Chuyên gia du lịch Phan Yến Ly:
Doanh nghiệp hoạt động phải có vốn
Sau 2 năm đợi chờ mòn mỏi, ngành du lịch gần như kiệt quệ. Rất nhiều hội thảo, hội nghị đuợc tổ chức và nhiều giải pháp ra đời nhưng chưa thể phục hồi.
Ngành du lịch bây giờ cần nhất là nguồn vốn để duy trì doanh nghiệp, các gói trợ giá để kích cầu, tổ chức các lớp học để củng cố nguồn nhân lực…
Về sản phẩm, do thói quen, hành vi của du khách đã thay đổi nên mỗi doanh nghiệp du lịch cần xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp. Các sản phẩm du lịch đổi mới sáng tạo có ứng dụng công nghệ, tour ngắn ngày và hướng tới sức khỏe cũng cần được quan tâm, đầu tư để phát triển.
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Nam
Bỏ cách ly với khách quốc tế
Trong bối cảnh như hiện nay, ngành du lịch mong muốn Chính phủ phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết đối với khách quốc tế vào Việt Nam. Trong đó nên bỏ quy định cách ly với khách quốc tế nếu khách test âm tính với Covid.
Hiện nay, chúng ta thực hiện cách ly với khách quốc tế khiến nhiều doanh nghiệp du lịch khó có thể triển khai tour dù thực tế khách quốc tế có nhu cầu đến Việt Nam nhiều nhưng bị rào cản bởi quy định này nên chưa thể khôi phục lại du lịch quốc tế đón khách inbound.
Nguyễn Nam ghi