Du lịch giữa mùa dịch: Vũng Tàu, điểm đến ưa thích của những chuyến ngắn ngày

Vũng Tàu luôn là điểm đến “không bao giờ cũ” bởi không chỉ cảnh sắc hiền hòa bình dị mà còn có rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng để tham quan, đặc biệt phù hợp cho những chuyến đi trong ngày hoặc qua đêm.
Một góc biển Vũng Tàu nhìn từ bãi tắm Thùy Vân. Ảnh: Nguyễn Nam

Tôi và nhóm bạn là những người rất thích đi du lịch tự túc và có tình yêu to lớn với biển. Chúng tôi đang sinh sống, học tập và làm việc tại TPHCM, do có ít thời gian nghỉ phép vì tính chất công việc hoặc học tập nên Vũng Tàu là điểm đến “không bao giờ cũ”.

Có lẽ khi nhắc đến Vũng Tàu, những người có đam mê du lịch đã không còn quá xa lạ. Cách TPHCM khoảng tầm 120km, du khách chỉ mất khoảng từ 2 – 3 giờ đồng hồ là tới được Vũng Tàu.

Nằm khá gần TPHCM nên Vũng Tàu là điểm đến được nhiều bạn trẻ lựa chọn cho hành trình ngắn ngày.

Vũng Tàu luôn là điểm không chỉ cảnh sắc hiền hòa bình dị mà còn có rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng để tham quan như tượng chúa Kito, ngọn hải đăng Vũng Tàu, Thích ca Phật Đài, Bạch Dinh… Quan trọng hơn, Vũng Tàu là thành phố biển gần Sài Gòn nhất.

Trước khi lên kế hoạch cho chuyến đi, chúng tôi thường nghiên cứu lộ trình đường đi khá cẩn thận. Có 2 lộ trình đường đi chính để đến Vũng Tàu theo hướng khởi hành từ TPHCM. Cung đường thứ nhất, đi theo quốc lộ 1, rẽ phải theo quốc lộ 51 và đi tiếp khoảng 100km là đến Vũng Tàu. Cung đường thứ hai sẽ gần hơn khoảng 20km, đi từ phà Cát Lái, quận 2, sang Nhơn Trạch, Đồng Nai, đoạn đường này dẫn ra quốc lộ 51 đoạn cổng vào Khu công nghiệp Nhơn Trạch.

Tôi và nhóm bạn thường chọn Vũng Tàu là điểm du lịch để đi khi được nghỉ hè hoặc bất cứ khi nào chúng tôi có thời gian rãnh rỗi khoảng từ 1-2 ngày trong tuần.

Chúng tôi sẽ lập tức xách ba lô lên và đi đến Vũng Tàu để tận hưởng những cơn gió biển mát lành và thư giãn sau những ngày học tập căng thẳng. Nhóm chúng tôi thường lựa chọn hình thức du lịch ngắn ngày hoặc sáng đi chiều về. Để đảm bảo được thời gian tham quan, chúng tôi thường xuất phát từ tờ mờ sáng khoảng 3:00 và kết thúc chuyến đi vào khoảng 17:00 cùng ngày.

Vừa có thể hít thở không khí trong lành và nghe tiếng sóng biển vỗ rì rào.

Chúng tôi thường chọn nhà nghỉ làm nơi để dừng chân sau hành trình dài thay vì lựa chọn các khách sạn sang trọng hoặc resort cao cấp. Sau khi cất hành lý xong xuôi, chúng tôi ngay lập tức tham quan Vũng Tàu bằng xe máy.

Ngồi trên xe, dạo một vòng trên những cung đường rộng thênh thang nằm cạnh những bãi biển sóng sánh ánh nước, dưới ánh nắng vàng lung linh và những làn gió có chút vị mặn của biển khơi, chúng tôi lại càng thêm hào hứng và phấn khởi.

Đã đến với Vũng Tàu thì hòa mình vào làn nước biển xanh mát là điều chắc chắn bạn và tôi sẽ không thể nào bỏ lỡ. Nhưng điều chúng tôi cực kỳ thích ở đây chính là thành phố này luôn không ngừng thay đổi và phát triển để có thêm những địa điểm thú vị và đặc biệt dành cho du khách, nhất giới trẻ trải nghiệm và khám phá như nhà úp ngược, bảo tàng vũ khí cổ Robert Taylor, bến thuyền Marina…
Vui đùa với cát biển.

Ngoài những địa điểm để tham quan, ẩm thực cũng là một trong những yếu tố tạo nên sức hút của thành phố biển Vũng Tàu. Những món ăn mà các bạn phải một lần dùng thử khi ghé thăm Vũng Tàu là bánh khọt, lẩu cá đuối, bánh bông lan, bánh mì chảo xíu mại, bánh tiêu đậu xanh và hải sản…

Nếu bạn chỉ vừa mới biết Vũng Tàu và có ít thời gian để đi xa, hãy thử một lần đặt chân đến thành phố biển xinh đẹp này để cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng nơi đây.

Lê Minh Chánh Tài


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.
5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn