Cuối tuần đi đâu: Trải nghiệm cắm trại, đạp xe và chèo sup tại hồ Kala

Cách TPHCM khoảng 250km, hồ Kala (tỉnh Lâm Đồng) là địa điểm thích hợp để du khách cắm trại, đạp xe khám phá vòng quanh hoặc trải nghiệm chèo sup vào dịp cuối tuần.

Hồ Kala nằm ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, cách TPHCM khoảng 250km. Hồ là nơi tuyệt vời để du khách kết hợp đạp xe khám phá thiên nhiên và tìm hiểu về văn hóa của hơn 25.000 người dân tộc K’Ho đang sinh sống tại đây.

Tại đây, du khách sẽ có dịp trải nghiệm chèo sup (ván chèo) trên hồ. Thời điểm lý tưởng là sau 8:00 sáng hoặc hoàng hôn. Dịch vụ chèo thuyền trên hồ Kala được đưa vào khai thác từ tháng 4-2021, mức phí 300.000 đồng/ngày.

Hai ngày cuối tuần là thời điểm thích hợp để du khách đến đây cắm trại. Bạn có thể lên đường vào thứ 7 và dỡ trại vào chiều Chủ nhật. Các vật dụng mang theo gồm thuốc chống muỗi, đồ ấm, vớ dài, vật dụng cá nhân…ngoại trừ lều, gối, nệm hơi do khu vực cắm trại cung cấp. Sáng sớm, du khách thức dậy có thể sưởi ấm bằng một tách cà phê nóng, ngồi ngắm bình minh trước khi bắt đầu chinh phục ván chèo.

Mặt hồ rộng 300ha lúc nào cũng xanh biếc. Xung quanh một màu xanh của rừng thông, bầu trời sẽ thôi thúc bạn đạp một vòng quanh bờ hồ ngay lập tức. Ảnh: Cào Cào Adventures

Vị trí cắm trại cách hồ khoảng 50m, phía sau là đồi núi. Sau khi nhận lều ngày thứ nhất, du khách có thể đạp khám phá xung quanh tầm 20km. Cảnh vật đồng quê như núi đồi, đồng lúa như một bức tranh thu vào tầm mắt. Cung đường đạp sẽ gây thương nhớ cho du khách hơn từ tháng 3 đến tháng 6 vì đấy là mùa lúa từ lúc còn xanh đồng cho đến lúc chín vàng. Thỉnh thoảng du khách có thể dừng lại chụp ảnh hoặc giao lưu với người địa phương. Ngày thứ hai, du khách có thể đạp một vòng quanh hồ vòng qua khu vực cắm trại, cung đường này tầm 25km.

Cách điểm cắm trại ở hồ Kala tầm 2km là một con suối cạn mát mẻ rợp bóng râm, rất lý tưởng để dừng chân nghỉ ngơi.

Chị Hoài Trâm, 41 tuổi, kế toán của một công ty tại TPHCM chia sẻ, được đạp xe ngắm cảnh mặt hồ phẳng lặng trong xanh là một cách để giải toả áp lực từ những con số. Mặc dù là phụ nữ, chị vẫn kiên trì chinh phục địa hình đồi dốc đất đá trơn trượt đặc trưng của cao nguyên.

Đường đạp quanh hồ không hề dễ dàng, có nhiều dốc cao lên xuống trập trùng, đôi khi bóp thắng hết cỡ mà xe vẫn cứ trượt về phía trước. Du khách phải có kỹ thuật điều khiển xe đạp thật tốt nếu không sẽ rất dễ ngã. Những con dốc cao luôn là thách thức, đôi lúc bạn phải dắt bộ lên dốc thay vì đạp. Thời điểm này, trời nóng như “lò lửa”, cứ mong mãi nhưng chưa có cơn mưa nào đến, các thành viên trong đoàn phải vất vả vật lộn với địa hình và bụi đường đất đỏ, chị còn nhớ.

Có những đoạn đường rất gian nan, chị phải dắt bộ hoặc nhờ thành viên khác trong đoàn giúp nâng xe đạp lên để sang bờ bên kia của một chiếc cầu gỗ. Từ lúc ngồi xe cùng các thành viên khác đến đây, chị ấn tượng bởi những đồi cà phê, thửa ruộng có khi đan xen có khi trải dài bất tận một màu xanh mát dịu.

Khi mặt trời còn trên lưng đồi, chị quay về lại bãi cắm trại để chuẩn bị chèo sup lúc hoàng hôn. Tiếng cười đùa rôm rả của mọi người trong đoàn làm cho khung cảnh vùng quê thêm sống động. Người thì chèo sup, người thì đang đắm mình trong làn nước mát của hồ Kala. Xa xa, có vài cô gái trong đoàn không thích tham gia thì lặng lẽ ngồi ngắm hoàng hôn hoặc “sống ảo” với cỏ lau hay hoa dại ven hồ.

Hồ Kala thơ mộng khi chiều buông. Ảnh Cào Cào Adventures

Do lều được dựng trên những thửa ruộng bậc thang vào mùa khô nên đêm xuống chừng 10:00 tối, chị cảm nhận được hơi sương lạnh buốt, tuy ngồi trong lều nhưng vẫn run cầm cập. Những thành viên khác vẫn còn ở bên ngoài lều hàn huyên hoặc hòa vang lời ca trong tiếng đàn ghita.

Ban ngày, du khách đạp len lỏi qua qua những thửa ruộng bậc thang còn thơm mùi lúa non của bản làng K’Ho. Một vài thành viên không quên nói “Niăm Să” (nghĩa là xin chào trong tiếng K’Ho) với người bản địa. Đáp lại là những cái vẫy tay và nụ cười hiền hòa. Dân làng K’Ho đối đãi với khách phương xa như anh em trong nhà bằng bữa thịt nướng cùng rượu cần hoàng tráng.

Tối đến, lửa trại được thắp lên sáng cả 1 vùng hồ, ai nấy hòa vào điệu nhảy nhịp nhàng cùng âm thanh cồng chiêng đặc trưng của đại ngàn. Ảnh: Cào Cào Adventures

Anh Huỳnh Quyết Thắng, người sáng lập câu lạc bộ xe đạp Cào Cào Adventures cũng là hướng dẫn viên cho biết, điều may mắn cho những ai lựa chọn đi du lịch bằng xe đạp chính là được khám phá những ngõ ngách, những nơi chưa bị đô thị hóa và nhận về những giá trị về thiên nhiên, văn hóa và con người một cách chân thật nhất.

Theo anh, cung đường đạp xe cho du khách khoảng 45km trong hai ngày ngày đêm được đánh giá là vừa sức cho những người đam mê xe đạp, có tập luyện đạp off-road (địa hình).

Chuyến đi đến hồ Kala được thực hiện trong tháng 3 năm 2021, các tour xe đạp phải đảm bảo an toàn phòng dịch, gồm kiểm tra nhiệt độ, mang theo dung dịch xịt khử khuẩn và khẩu trang trong suốt hành trình trên xe.

Du khách mất năm tiếng di chuyển bằng xe tour từ TPHCM đến điểm cắm trại, thuộc thị trấn Di Linh từ 6:00 sáng, sau đó rẽ phải chừng 10km để đến hồ Kala. Khi đến nơi, họ được nhận lều chống mưa, nệm hơi đạt chuẩn dành cho hai người nên khá thoải mái.

Thanh Thu

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn