Vườn quốc gia Phước Bình – điểm đến mát lành giữa “chảo lửa” Ninh Thuận

Giữa “chảo lửa” Ninh Thuận nắng nóng, nơi có lượng mưa thấp nhất cả nước, là Vườn quốc gia Phước Bình ẩn mình mát mẻ, xanh mướt.
Ảnh: Phùng Quang Huy

Khi những người trẻ không còn mê du lịch truyền thống nữa, muốn tìm đến những nơi mới để khám phá điều chưa biết, thử thách bản thân từ sức khỏe đến tinh thần thì bộ môn trekking đang dần được ưa chuộng.

Trong miền Nam khá nhiều cung đường trekking được biết đến như: Tà Năng – Phan Dũng, chinh phục Cực Đông, thác K50, đỉnh Bidoup – Núi Bà… Tuy nhiên, vườn quốc gia Phước Bình thuộc tỉnh Ninh Thuận vẫn chưa được nhiều du khách biết đến.

Ảnh: Phùng Quang Huy

Nếu nhắc đến Ninh Thuận, mọi người sẽ nhớ đến Vườn quốc gia Núi Chúa, biển xanh hay cái nắng gió ở đây. Ít ai biết Vườn quốc gia Phước Bình nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Ninh Thuận, tiếp giáp tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Lâm Đồng. Nơi đây có những ngọn đồi cỏ xanh mướt trập trùng kéo dài tưởng chừng vô tận, cho con người cảm giác nhỏ bé giữa thiên nhiên khi đứng tại đây.

Ảnh: Phùng Quang Huy

Để khám phá nơi này, chúng tôi phải di chuyển lên Đà Lạt rồi tiếp tục xuống Nam Hòn Giao của Vườn quốc gia Bidoup để bắt đầu hành trình. Sau đó, chúng tôi xuyên ra khu rừng già nguyên sinh, quanh năm sương mù bao phủ tạo độ ẩm cao giúp loài rêu thuận lợi phát triển, chúng bám từ thân cây cổ thụ đến những tản đá dọc suối. Khi bước vào đây, cảm giác thích thú không muốn ra nhưng cả đoàn phải đi tiếp để tìm đến đồi cỏ Phước Bình.

Từ độ cao gần 2000m chúng tôi xuống dốc liên tục nằm ở độ cao 600-1000m, đi trên sống lưng đồi đôi lúc gặp những con dốc lớn, cả nhóm chỉ dám ngồi lết xuống, một bên là vách đá, một bên vực sâu. Đi giữa “sống lưng” mà sương mù bao phủ trên đầu, không biết xung quanh có gì, mọi người cứ đi trong vô định từ khi ra khỏi Vườn quốc gia Bidoup.

Ảnh: Phùng Quang Huy

Mọi người cứ tiến về phía trước, hết con dốc này tới con dốc khác, giờ mới thấy khi đi rừng sức mạnh ý chí cần hơn cả sức khỏe. Đó là vì bạn đang ở nơi rừng già cách vài mét không thấy người, cách chục mét khi “hú” không định hướng người kêu ở đâu và lên trăm mét thì bạn đang chìm trong sự yên tĩnh của rừng núi.

Dần dần sương mù tan đi, phía trước con đường ánh sáng dần mạnh hơn, mọi người bắt đầu mừng rỡ vì biết sắp thoát ra khỏi rừng già và phía trước là đồi cỏ Phước Bình đang chờ đợi. Bước ra khỏi khu rừng đầy ám ảnh kia ai cũng phải choáng ngợp với khung cảnh hùng vĩ. Có lẽ chúng tôi đã từng đi những khu rừng có những đồi cỏ xanh đẹp nhưng không bao giờ thấy nó trải dài và nhấp nhô đến tận chân trời như Phước Bình.

Ảnh: Phùng Quang Huy

Một đêm cắm trại giữa đồi cỏ, tắt hết đèn để trăng soi sáng khu rừng núi già cỗi và đồi cỏ xanh vẫn rực rỡ trong đêm. Ngước nhìn những ngôi sao chậm rãi trôi, cảnh tượng khó nhìn thấy khi ở thành thị đầy ánh đèn.

Tuyệt vời nhất là đón tia nắng bình minh, khi mặt trời dần dần nhô trên đỉnh ngọn núi, làm bừng sáng ngọn cỏ còn phủ lớp sương mờ. Khi vài cơn gió thổi qua, cọng cỏ đung đưa như một làn sóng, cảm giác chúng tôi không phải đi giữa rừng núi mà đang trong một biển cỏ. Ai cũng tranh thủ chụp vài tấm hình rồi ngồi thẫn thờ, đón tia nắng ấm và ngắm nhìn bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp.

Ảnh: Phùng Quang Huy

Kết thúc hành trình, mọi người đều mãn nguyện với chuyến đi. Gặp những người bạn mới, chia sẻ những điều hay và sẽ tiếp tục cùng nhau khám phá vùng đất lạ, để thấy Việt Nam tươi đẹp đến dường nào.

Ảnh: Google Maps.

Phùng Quang Huy

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn