Cuối tuần, chinh phục đỉnh núi “đệ nhị thiên sơn” khu vực Nam bộ

Núi Chứa Chan (Gia Lào) được mệnh danh là “đệ nhị thiên sơn” khu vực Nam bộ, có độ cao 837m, chỉ xếp sau núi Bà Đen ở Tây Ninh. Ngọn núi thuộc huyện Xuân Lộc, Đồng Nai, cách TPHCM khoảng 70km, thích hợp cho những bạn muốn khám phá và cắm trại vào cuối tuần.

Check-in đỉnh núi Chứa Chan ở độ cao 837m.

Núi Chứa Chan không quá xa Sài Gòn, cung đường chinh phục không quá dài, đường đi tương đối dễ, lại sở hữu hệ thực vật phong phú, đa dạng cùng view (không gian) nhìn tuyệt vời từ trên cao nên đây là một địa điểm được nhiều người lựa chọn để khám phá, trải nghiệm trong dịp cuối tuần.

Để leo núi này có 2 đường chính là đường chùa và đường cột điện. Sở dĩ gọi là đường cột điện vì những cây cột điện là “kim chỉ nam” cho cung đường này. Từ quán gửi xe dưới chân núi, đi lên một đoạn ngắn nữa bạn sẽ gặp được cột điện đầu tiên nhưng được đánh số là cột 20. Từ đây bạn chỉ cần mò mẫm, vượt qua 125 cây cột điện nữa là có thể lên được tới đỉnh núi.

Chuẩn bị lên đường chinh phục cung đường cột điện núi Chứa Chan.

Tuy nhiên, cần lưu ý khi đến cột điện được đánh dấu số 98 thì thay vì rẽ phải theo lối đường mòn, bạn hãy rẽ trái để di chuyển qua cột điện số 99 và tiếp tục leo nhé.

Trên đường đi bạn sẽ được rảo bước qua những vườn điều mát mẻ, vượt qua những mỏm đá to nhỏ xếp chồng lên nhau, vài ba con dốc đá trơn trượt, xuyên qua những con đường rợp bóng tre xanh hay len lỏi qua đồng cỏ lau mọc quá đầu trong đoạn đường gần tới đỉnh.

Phút nghỉ ngơi.

Nhìn chung cung đường này khá dễ, đoạn đường ngắn và không quá dốc nên người mới làm quen với bộ môn leo núi cũng dễ dàng chinh phục được. Trung bình mất khoảng 3-4 tiếng đồng hồ để lên tới đỉnh.

Còn cung đường chùa có thể chia thành 2 chặng để chinh phục, chặng đường đầu là đoạn đường từ cổng khu du lịch đi lên ngôi chùa Bửu Quang và chặng thứ 2 là từ ngôi chùa này lên đỉnh.

Con dốc đá trơn trượt.

Chặng đường đầu của cung đường này khá nhẹ nhàng và dễ đi khi chỉ cần đi theo đường mòn trong khu du lịch, vượt qua những bậc thang để lên tới ngôi chùa cao nhất.

Trên đường đi bạn có thể ghé thăm Linh Sơn Cổ Tự và cây đa ba gốc một ngọn linh thiêng. Trên chặng đường này, có khá nhiều quầy bán nước, đồ lưu niệm, đồ ăn đặc sản địa phương, nổi bật là món bánh xèo rau rừng hay các loại mứt chuối nếu muốn bạn có thể ghé qua ăn thử hoặc mua về làm quà.

Nếu không đủ sức để leo theo đường bộ bạn có thể di chuyển bằng cáp treo để lên thăm thú chùa.

Trải nghiệm cảm giác ngồi “siêu xe” di chuyển từ bên chùa về lại chỗ gửi xe đường cột.

Khi đến Linh Sơn Cổ Tự nếu muốn lên khám phá đỉnh núi, bạn phải di chuyển qua khu cáp treo men theo lối mòn từ từ lên đỉnh núi. Đoạn đường này tuy có lối mòn nhưng không nhộn nhịp, tấp nập như khu vực dưới chùa, lại có nhiều ngã rẽ, có những đoạn phải đi qua khu rừng rậm rạp nên tốt nhất bạn nên đi theo nhóm hoặc có người có kinh nghiệm cùng đi để tránh đi lạc.

View bãi nhảy dù lượn bên cung đường chùa.

Trong hành trình leo núi Chứa Chan sẽ đem đến cho bạn rất nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là những giây phút đổ mồ hôi để vượt qua những sườn dốc trơn trượt khó nhằn với suy nghĩ tại sao mình lại ở đây hành xác bản thân như vậy để làm gì? Hay những giây phút thảnh thơi ngồi nghỉ ngơi dưới gốc cây, ngắm nhìn thiên nhiên tuyệt đẹp từ trên cao, nghe tiếng gió lùa qua kẽ lá, tiếng chim hót líu lo…

Ngắm toàn cảnh từ trên cao.

Và cuối cùng là giây phút vỡ òa sung sướng khi đặt chân lên được đến đỉnh núi, phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn cảnh núi non hùng vĩ hay quang cảnh làng mạc ở phía xa. Cảnh sắc đó cho ta một cảm giác thật bình yên, xua tan hết mọi mệt mỏi của hành trình khó nhọc vừa qua và đến đây thì câu hỏi tại sao mình lại ở đây hành xác bản thân như vậy cũng đã có câu trả lời thỏa đáng.

Ngắm hoàng hôn trên đỉnh núi.

Núi Chứa Chan tương đối thấp và dễ leo nên bạn có thể leo trong ngày hoặc qua đêm trên đỉnh núi. Nếu có thời gian, bạn nên cắm trại một đêm trên đỉnh núi để tận hưởng không khí mát lành giữa thiên nhiên, làm một tiệc BBQ nhẹ nhàng bên bếp lửa ấm áp cùng bạn bè hàn huyên, trò chuyện. Sáng sớm có thể dậy sớm đón bình minh, săn mây.

Một đêm chill trên đỉnh núi.

Khi ngắm nhìn khung cảnh mây vờn quanh núi với những tia nắng len lỏi qua những tán cây trong không khí trong lành của sáng mai sẽ giúp bạn có những giây phút thư giãn tuyệt vời, tạm quên đi những mệt mỏi, áp lực của cuộc sống xô bồ.

Sáng sớm nếu may mắn có thể săn được mây.

Bùi Hương

Ảnh: Minh Tâm, Đức Anh


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn