Du lịch kết hợp thiện nguyện: Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm thú vị

Thật tình cờ khi tôi biết đến câu lạc bộ Nhịp sống trẻ vào năm 2019. Tôi nghĩ đây là cái duyên. Lúc đó tôi đang là cô sinh viên năm 2 với nhiều nhiệt huyết và năng lượng tuổi mới lớn. Nên cứ đi và được đi là tôi thích lắm.

Chuyện nghề du lịch: Nhớ những cơn mưa rừng

Chuyện nghề du lịch: Kinh nghiệm chọn điểm cắm trại khi dã ngoại

Sau 1 đêm trên xe thì mọi người được hít thở không khí trong lành và ngắm mặt trời mọc ở nơi xa. Ảnh: NVCC
Câu lạc bộ Nhịp Sống Trẻ là nơi hội tụ các thành viên đa dạng về nghề nghiệp và độ tuổi. Nhưng là ai, khi vào câu lạc bộ này đều rất năng động và dễ thương. Mỗi năm sẽ có những chương trình thiện nguyện, mang những phần quà nhỏ đến với những hoàn cảnh khó khăn hay các bé đang được nuôi dưỡng tại những trại trẻ mồ côi.
Ngoài ra cũng sẽ có những buổi gặp gỡ nhau vào cuối tuần để mọi người cùng chuyện trò và gắn kết với nhau nhiều hơn nữa. Từ nơi này, tôi có thêm nhiều người bạn và quen biết nhiều anh chị. Họ hoạt động trong nhiều lĩnh vực nên cách họ mang đến câu lạc bộ là những câu chuyện và những giá trị khác nhau. Đáng để học hỏi. Đặc biệt là nguồn năng lượng tích cực.
Mô chương trình thiện nguyện tại Khánh Sơn ,tỉnh Khánh Hòa mà câu lạc bộ đã thực hiện. Ảnh: NVCC
Bạn biết không? Mục đích thực sự của chuyến đi là làm tình nguyện, mang những thứ bản thân có từ vật chất đến tinh thần để trao tặng những mảnh đời còn nhiều cơ cực, đặc biệt là các em nhỏ, học sinh. Còn “du lịch” chỉ là tự xem chuyến đi của mình giống như thế vì cảm thấy thứ mình có được là vừa giúp đỡ người khác, vừa giúp mình có một chuyến đi thật sự thoải mái, đến vùng đất mới với những trải nghiệm mới.
Những chuyến đi của câu lạc bộ thường sẽ khởi hành vào tối thứ 6, khi mọi người đã tạm gác lại công việc và sẽ trở về vào chủ nhật. Mỗi chuyến đi là cơ hội để tôi được trải nghiệm những giá trị đích thực của cuộc sống một cách rõ ràng và chân thực nhất.
Cùng nhau ăn cơm vui vẻ sau những hoạt động thiện nguyện. Ảnh: NVCC
Tôi không ăn nhà hàng hay ở khách sạn như những chuyến du lịch đơn thuần, mà được ăn uống và ngủ lại ở trường học hoặc bất cứ nơi nào thuận tiện cũng như được sự cho phép của địa phương ở đó. Nhưng điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và nhớ mãi là các thành viên xem nhau như người nhà, cùng nhau cố gắng để hoàn thành mục tiêu chương trình đặt ra.
Mỗi người sẽ được phân công một công việc, cùng hỗ trợ lẫn nhau, rồi chuyền tay từng hộp cơm, tối thì thủ thỉ bên tai đến khuya mới ngủ, mền có thể là chiếc áo khoác mang theo hay đơn giản chỉ là tấm bìa carton, đơn sơ nhưng ấm áp vô cùng.
Cùng nhau tô vẽ lại bức tường cũ để chào đón các em nhỏ đến trường. Ảnh: NVCC
Sau mỗi chuyến đi, tôi nhận ra rằng, không chỉ có người được nhận yêu thương cảm thấy hạnh phúc, mà ngay cả chính mình, và anh chị trong câu lạc bộ cũng hạnh phúc theo. Nhìn nụ cười hồn nhiên trên đôi môi bé bỏng của các em bé vùng cao mà tôi thấy ấm áp lắm. Từ đó trân trọng hơn những thứ bản thân đang có.
Nếu đã quá quen thuộc với những chuyến du lịch kiểu truyền thống thông thường, tại sao bạn lại không nghĩ đến việc trải nghiệm một chuyến đi với chi phí thấp, nhiều hoạt động thú vị và ý nghĩa chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng. Hơn nữa, lan tỏa yêu thương từ những điều nhỏ bé luôn là giá trị bền vững cần bảo tồn của cuộc sống.
Chụp ảnh cùng những người bạn mới tại vùng đất mới. Ảnh: NVCC
Kiều Ngọc

Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn