Chuyện nghề du lịch: Nhớ những cơn mưa rừng

Một ngày cảm thấy cái lưng không còn thuộc về bản thân nữa, những cơn ê ẩm cứ kéo dài và càng dai dẳng hơn, tôi nằm ườn trên ghế đá mát lạnh nhìn lên tán cây xanh trên nền trời xám xịt tự nhiên nhớ về những ngày mưa rừng.

Nhớ những cơn gió mang hơi ẩm mát lạnh tới khu rừng ở Phước Bình, đám mây xám xịt che đi những tia nắng chói chang, rồi những hạt mưa dần nặng hạt. Con đường khô cứng khô khóc dần dần mềm nhũn và nhầy nhụa, bước chân lẹp bẹp. Lá cây đầy bụi được gội rửa đi lớp bụi để khu rừng tươi mát.

Nhớ những con mưa rừng khi đi trekking. Ảnh: Phùng Thanh HUy

Đứng trên những đỉnh đồi trống, thấy hơi nước đang bốc lên và tụ thành đám mây la đà trên những tán cây. Nó cứ lững lờ trôi nhẹ nhàng rồi biến mất, rồi đám mây khác thay thế. Những lúc như vậy chỉ thèm xếp cái ghế ra, bung cái bàn ra và làm một ly trà ấm để ngắm khung cảnh thiên nhiên tuyệt diệu này.

Đó chỉ là những cơn mưa ngang qua hoặc cơn mưa dầm, giúp rửa trôi mọi sự mệt mỏi của khu rừng để nó bừng tỉnh lại. Sợ nhất những cơn mưa lớn dai dẳng từ những trận áp thấp hay bão đem tới. Con đường mòn không còn là đường, nó biến thành suối. Những con suối chảy êm dịu trở thành những con sông nâu đen hung hãn.

Có lần ở Bù Gia Mập, trận mưa kéo dài chưa đầy 1 tiếng ở nơi chúng tôi đang cắm trại bên suối. Đang ngồi rửa chén thấy nước suối càng ngày siết hơn, dâng cao dần, tôi cảm thấy bất an lo thu dọn đồ lên bãi sớm. Ban đầu nước chỉ chảy chỉ chiếm 1/2 suối, bãi đá cuội rộng mênh mông, những tảng đá lớn nhô cao 0,5m khỏi mặt nước bây giờ không còn nhìn thấy, chỉ thấy những cuộn bọt trắng xóa ở đó.

Con suối trong với những bọt nước trắng xóa dần chuyển sang xám, màu của đất thịt rồi chuyển màu cam đặc trưng của đất đỏ. Nhìn con suối biến thành dòng sông hung tợn, cả đám chắc nghĩ “ngày mai mới vượt được suối”.

Nhưng may mắn trận mưa chỉ kéo dài 1 tiếng, chứ không mưa dầm nên sau đó khoảng 2 giờ thì dòng sông đã êm dịu trở lại không còn hung dữ. Nước êm hơn, không còn cao nữa nhưng vẫn chưa thấy những tảng đá lớn giữa dòng.

May mắn có anh kiểm lâm ở đây quá quen với con suối này dẫn mọi người đi dọc suối vài trăm mét tới đoạn êm dịu, mực nước không cao. Anh kiểm lâm đi đầu, bước đi vững chãi trên khi dòng nước nâu cam đó cứ xô đẩy chúng tôi. Vài thanh niên cao to lực lưỡng cầm thanh tre dài làm tay vịnh cho mọi người qua. May mắn mọi người ra khỏi rừng khoảng 5- 6 giờ chiều kịp thời gian chúng tôi chạy 200km về Sài Gòn để thứ Hai quay lại cuộc sống.

Hoặc những cơn mưa lạnh ở Tà Năng, khi đó mưa không lớn chỉ dầm dề nguyên ngày. Chúng tôi ai cũng ướt sũng, cơ thể mệt mỏi và thân nhiệt xuống nhẹ. Lúc đó vật dụng đi rừng đơn giản chỉ có cái lều, tấm cách nhiệt và áo khoác mỏng. Không hề có túi ngủ, tôi quên đem theo áo khoác dày vì chưa từng gặp mưa rừng hay ngủ ở nơi nhiệt độ xuống dưới 15 độ.

Sau khi lùa nhanh hộp cơm nguội và ít đồ ăn nấu sẵn đem theo cơ thể đã mệt mỏi chuẩn bị ngủ. Nhìn lại tấm cách nhiệt đủ để lưng cho 2 người, nhìn nền lều lõm bõm nước, áo khoác và quần đều ướt. Sau khi lắp đầy dạ dày, dù không thể nuốt nổi đồ ăn nguội nhưng phải cố, cơn mệt mỏi kéo đến nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.

Sau đó khoảng 1 tiếng, cơn gió lớn kéo tới thổi phập phồng cái lều. Không túi ngủ, tấm cách nhiệt đủ để lót lưng và không mặc món đồ khô nào trên người, nhanh chóng cái lạnh ngấm vào da thịt. Tìm đủ tư thế để né vũng nước trong lều, cố gắng co người trên tấm cách nhiệt nhỏ nhưng làm sao ngủ được với cái lạnh 15 độ nhưng cảm giác như 10-12 độ này. Khi quá mệt mỏi với sau nhiều lần thiếp đi rồi lại tỉnh cuối cùng chỉ ngủ được gần 2 tiếng, sau khi quá mệt mỏi và gió ngừng thổi. Từ đó về sau tôi có kinh nghiệm thêm, tìm hiểu kỹ và trang bị đầy đủ đồ.

Hay tròn 1 năm trước vượt qua con suối hung hãn ở Tà Giang. Cả tuần trước khi đi thời tiết khá đẹp, khi vừa bắt đầu bước vào bìa rừng cập nhật thời tiết thấy áp thấp vừa hình thành, cảm giác hoang mang tý. Nhưng vẫn thầm “mới áp thấp không sao đâu, cũng còn vài đường né suối mà”.

Trận áp thấp ập tới nhanh hơn dự tính nhưng may mắn những cơn mưa dầm nhẹ không phải những trận mưa xối xả, mà nhiêu đó đủ để các con suối êm đềm thơ mộng trở thành 1 con quái vật có thể nuốt chửng mọi thứ dọc đường.

Nước vẫn trong và giữ màu xanh ngọc bích nhưng thêm tí bọt trắng trên bề mặt. Những đoạn suối cao mới 1/2 ống khuyển nay đã trên đầu gối, nước không ngừng đẩy chúng tôi đi. Nếu ai không vững chân, bước nhầm lên tảng đá trơn hoặc hoảng hồn không đứng vững thì chúng tôi nói vui “xuống cuối dòng hốt về”.

Đoạn vượt suối cuối, với chàng trai cao 1,72mnhư tôi nó ngập ngang ngực rồi thì những cô gái 1,5m thì không biết ra sao. May mắn nhắm đi vào những ngày đó, những cơn mưa sẽ đến bất chợt nên đã chuẩn bị đủ dây băng suối và nhờ thêm vài anh thổ địa hỗ trợ, cả đám về tới địa điểm cuối đúng thời gian. Có người vui mừng đã khỏi rừng, có người vẫn còn sợ hãi, có người phấn khởi do được trải qua một cảm giác nằm giữa lằn ranh sống chết chỉ cần một cái sẩy tay hoăc sẩy chân.

Nhưng đối với tôi đây không phải những trải nghiệm đáng sợ mà nó là sự phấn khích khi chuyến đi được tăng độ khó lên. Những trải nghiệm này với những người dù chưa hay đã có kinh nghiệm sẽ giúp bản thân tích trữ thêm nhiều kiến thức thực tế hơn.

Phùng Quang Huy


Chương trình “Chuyện nghề du dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của các chuyên gia xây dựng tour hay đội ngũ hướng dẫn viên trên hành trình dẫn tour; những chia sẻ về kinh nghiệm đi du lịch trong nước, quốc tế, kinh nghiệm trekking, camping, du lịch mạo hiểm… của các chuyên gia – blogger du lịch.
5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn