Huế phát triển xe đạp chia sẻ, hướng đến người dân và du khách

Từ nay đến cuối năm 2023, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) sẽ thí điểm triển khai mô hình xe đạp chia sẻ công cộng trong ba giai đoạn với tổng cộng 20 trạm quanh thành phố và 10-20 xe đạp tại mỗi trạm.

Người dân và du khách trải nghiệm dịch vụ xe đạp chia sẻ công cộng tại thành phố Huế. Ảnh: Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cung cấp
Việc quản lý xe đạp và các trạm được thực hiện thông qua ứng dụng có kết nối với Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế để thống nhất đầu mối quản lý, giám sát, nâng cao chất lượng dịch vụ bên cạnh khóa thông minh QR có định vị GPS cho phép đóng/mở xe với QR Code, sử dụng quét bằng điện thoại thông minh.

Đây là nội dung chính trong đề án thí điểm thử nghiệm ứng dụng dịch vụ xe đạp chia sẻ công cộng tại khu vực trung tâm thành thành phố Huế do UBND thành phố Huế phối hợp với Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Công ty cổ phần Vietsoftpro thực hiện, sẽ khai trương vào ngày 29-4.

Ông Trương Đình Hạnh, Phó chủ tịch UBND thành phố Huế, cho biết hệ thống xe đạp chia sẻ công cộng tại Huế ra đời với tiêu chí thân thiện môi trường, thuận lợi cho khách du lịch và người dân, lấy và trả xe ở nhiều điểm khác nhau trong thành phố, phù hợp với những quãng đường di chuyển ngắn.

“Đây sẽ là giải pháp giao thông đô thị mới giúp người dân, du khách chuyển đổi sang phương thức giao thông bền vững hơn”, ông Hạnh cho hay và nói thêm với di sản văn hoá thế giới, cảnh quan thiên nhiên, nhiều di tích lịch sử, chùa, làng nghề, các sản phẩm đặc sản, nhà hàng, phố ẩm thực xen kẻ trong các khu dân cư, nhất là nhà vườn, một nét độc đáo tiêu biểu của thành phố Huế, thì việc sử dụng xe đạp làm phương tiện để đi du lịch trải nghiệm là giải pháp lý tưởng cho du khách khi đến Huế.

Để dự án có thể phát triển bền vững và lan tỏa lâu dài, chính quyền thành phố Huế sẽ triển khai một số hoạt động. Trong đó, Huế sẽ xây dựng kế hoạch khuyến khích người dân sử dụng xe đạp trong trung tâm thành phố trước sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện ô tô và đặc biệt là xe máy nhằm nâng cao nhận thức của người dân không những có lợi cho sức khoẻ con người mà còn thân thiện với môi trường; thể hiện thông điệp đến người dân và du khách giữ gìn vệ sinh chung và từng bước xây dựng thành phố văn minh, an toàn và phát triển bền vững.

Theo lãnh đạo thành phố, Huế cũng sẽ phối hợp với các đơn vị tư vấn để có những nghiên cứu chuyên sâu về xe đạp, về tổ chức vận hành, về mô hình phát triển… để thấy rằng việc sử dụng xe đạp không những mang lại những lợi ích về khai thác du lịch mà còn góp phần hoàn chỉnh giao thông công cộng, tạo sự liên kết chặt chẽ cho hệ thống giao thông vận tải của thành phố.

Với việc phát triển mô hình xe đạp chia sẻ công cộng, Huế đang hướng đến hình thành phương thức giao thông bền vững hơn. Ảnh: Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cung cấp

“Về lâu dài, chính quyền thành phố sẽ dần kiến tạo, hình thành các bộ quy tắc lưu thông xe đạp, thúc đẩy hình thành các tuyến đường hoặc quy ước dành riêng cho giao thông xe đạp trên đường phố để đảm bảo an toàn”, ông Hạnh cho biết.

Ba giai đoạn thí điểm dự án xe đạp chia sẻ công cộng tại Huế:

  • Giai đoạn 1 (2-2022 – 12-2022): Thực hiện thí điểm tuyến xe đạp chia sẻ công cộng thông minh khu vực phía nam thành phố (hai bên bờ sông Hương và liên kết với các bến xe, bến thuyền) và trong khu vực Đại Nội.
  • Giai đoạn 2: Đánh giá kết quả giai đoạn 1 và tiến hành thí điểm hệ thống xe đạp trên diện rộng. Tháng 6-2022-12-2022: Đánh giá, hiệu chỉnh hệ thống để chuẩn bị các bước cho việc thực hiện giai đoạn 2. Tháng 12-2022 – 6-2023: Tiến hành thí điểm hệ thống xe đạp trên diện rộng (19-20 trạm).
  • Giai đoạn 3 (6-2023 – 12-2023): Thí điểm vận hành hệ thống tổng thể, tích hợp các tính năng của ứng dụng và quản lý, vận hành bảo trì hệ thống chạy ổn định.

Nhân Tâm

Theo KTSG Online

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn