Du lịch giữa mùa dịch: Thăm làng dệt của người Cơ Tu, Quảng Nam

Núi cao tiếp núi, làng Công Dồn của người Cơ Tu xã Zuôih, huyện Nam Giang, Quảng Nam nằm ở một thung lũng hẹp nơi vùng biên Việt – Lào là làng dệt thổ cẩm cổ xưa còn lại của các dân tộc ở Trường Sơn – Tây Nguyên.

Chị Alăng Nga, 25 tuổi (trái) và chị Aviết Lép, 33 tuổi, biết tập tò dệt từ lúc 10 tuổi, đã qua tay nhiều chiếc khung dệt.

Thổ cẩm của họ được dệt nên bằng chính chiếc khung do họ tự tạo. Nguồn sợi dệt cũng từ cây bông bản địa lưu giống từ ngàn xưa, còn thuốc nhuộm cũng được họ chế biến từ cây rừng, vôi núi tại chỗ…

Công Dồn là ngôi làng vùng cao đẹp nhờ khu đất dựng nhà của cư dân khá rộng.   Những ngôi nhà sàn có mái hình trái xoan, nóc mái cao, chân mái thấp, xen kẽ là những ngôi nhà tôn được làm nhờ nguồn hỗ trợ từ Chương trình 135 của Nhà nước.

Nghề truyền đời

“Người Công Dồn mình mà không dệt được tấm thổ cẩm để dùng thì không phải là người Công Dồn. Từ xa xưa ông bà mình đã nói như thế”, ông Aviết Crai nói khi đang ngồi bên khung dệt.

Ông Bling Hạnh và anh ruột, ông Bling Hon trong bộ trang phục bằng vỏ cây tađuch do họ tự làm. (ảnh chụp lại).

Nghề dệt thổ cẩm được người Công Dồn giữ liền mạch từ cha ông đến nay không biết đã bao đời. “Dân mình không sợ đứt nghề. Đứa bé gái chừng 8-9 tuổi đã biết dệt. Còn đứa con trai cũng chừng ấy tuổi thì biết theo cha lên rẫy trồng cây bông, lấy cây thuốc nhuộm rồi…”, ông Crai, nói thêm.

Lớp cha ông của cư dân nơi ngôi làng biên ải này còn biết chế tác vỏ cây để làm trang phục. Theo già làng Bling Hạnh, cây bông vải mà cư dân làng Công Dồn của ông đang trồng chính là giống cây bông bản địa lâu đời của người Lào ở lân cận. Từ xa xưa, người Công Dồn đã biết trồng bông, kéo sợi, nhuộm màu rồi dệt nên những tấm thổ cẩm trên những khung dệt do chính người làng làm nên.

Thổ cẩm của Công Dồn có nhiều loại khổ (kích cở) rộng/hẹp/ngắn/dài phù hợp để làm nên những chiếc khố, chiếc váy, tấm quàng, tấm đắp (chăn). Nghề truyền đời, bao thế hệ người Công Dồn vẫn giữ cho nghề dệt thổ cẩm của mình không bị gián đoạn. “Thời chiến tranh dân làng mình vẫn trồng bông dệt vải để có cái dùng. Cái hạt bông từ thời ông cha mình để lại cứ nối giống miết đến chừ đó”, già làng Hạnh nói.

Việc tạo màu (nhuộm) cho sợi dệt là cả một sáng kiến độc đáo của người dân nơi đây. “Muốn nhuộm màu đen thì lấy lá cây tà-râm, màu vàng thì lấy cái thân dây mà-rơơt, màu đỏ thì dùng lá cây bhăl hay lá cây dhơvân đem ngâm ủ rồi lọc lấy. Còn riêng cái màu xanh thì dùng phẩm nhuộm màu đen nhưng chỉ nhúng sợi qua một lần là được”, ông Aviết Crai giải thích.

Cây tà-râm, một trong những loại cây cho màu nhuộm sợi được người Công Dồn trồng ở vườn nhà.

Để khỏi nhọc sức vào rừng tìm kiếm nguồn nguyên liệu làm thuốc nhuộm,  mươi lăm năm nay người Công Dồn đã lấy những giống cây này về trồng ở vườn nhà hay ở rẫy.

Thợ dệt Công Dồn cũng có những bí quyết giữ màu bền lâu cho tấm vải dệt. Với màu đen, họ dùng bột của hạt bắp rang cháy pha vào nước nấu từ củ nâu để ngâm sợi. Còn với các loại màu khác, họ đem tấm vải ngâm trong nước vôi (vôi được làm từ vỏ ốc nung hay đá nung).

Giữ mãi nghề

Người Công Dồn coi việc dệt vải cần cho cuộc sống của mình cũng như việc làm ruộng làm rẫy. Giữa Trường Sơn biên ải, ngoài việc lo trồng tỉa để có cái ăn, họ luôn chăm chỉ để làm ra tấm vải mặc.

“Vải mình làm ra nó dày, chắc, lại mềm. Mặc ấm cái da mùa mưa, mát cái da mùa nắng. Phụ nữ mặc cái váy, đàn ông mặc cái khố, quấn tấm a-duôn, tấm tuốt bằng vải của mình mới đẹp”, bà Bling Pá, 75 tuổi, nói.

Làm cho ra một tấm thổ cẩm tốn rất nhiều công sức, trong đó việc làm công phu nhất là khâu kéo bông thành sợi. Phải chịu khó, phải bền lòng tập tành lâu ngày mới có thể biến bông thành sợi, đây là phần việc dành cho những phụ nữ lớn tuổi.

Tờngol Mel kiểm tra hạt bông giống cho vụ trồng sắp đến.

Làng Công Dồn nay đã có đường ô tô nối với bên ngoài, vải vóc công nghiệp bày bán ở các thị tứ, thị trấn trong vùng không thiếu. Nhưng vì yêu chuộng nghề truyền thống, yêu chuộng tấm vải là sản phẩm tiêu biểu của cha ông nên những thanh thiếu nữ Công Dồn nay vẫn chăm chỉ ngồi dệt, các bé gái chừng dăm bảy tuổi đã tập ngồi khung dệt.

“Các bạn trẻ ở xã Zuôih mình cứ trông đến dịp lễ hội để mặc những bộ thổ cẩm mới. Bởi rứa nên các bạn siêng làm lắm, nhiều bạn gái mới 18 tuổi đã kéo sợi giỏi rồi”, chị Jơrâm Bằng, trưởng phụ nữ làng Công Dồn, nói.

Những tấm thổ cẩm bền chắc, tươi đẹp ở đây còn chứa đựng cả tâm tình sẻ chia cực nhọc của nam giới với người phụ nữ trong công việc. Họ lo làm khung dệt, cần bật bông, khung kéo sợi, tìm cây lá làm thuốc nhuộm sợi –vải, tìm đá, ốc làm vôi để giữ màu vải.

“Mình phải chung tay vô làm để có tấm aduôn quấn trong lúc lễ hội, có tấm tuốt đắp cho ấm trong mùa lạnh. Làm ra tấm vải cực lắm, để một mình phụ nữ làm sao được”, ông Aviết Crai bày tỏ.

Theo ông Trần Tấn Vịnh, tiến sĩ dân tộc học, nguyên giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Nam, làng Công Dồn là nơi duy nhất ở Trường Sơn – Tây Nguyên còn bảo lưu được nghề dệt cổ truyền, khép kín từ việc trồng bông, kéo sợi, nhuộm màu và dệt thành vải từ vật liệu tại chỗ để sử dụng.

“Nếu được đầu tư xây dựng, đây có thể là một địa chỉ, một tour du lịch Trường Sơn hấp dẫn, sản phẩm dệt ở đây sẽ là sản phẩm du lịch”, ông Vinh nói.

Huỳnh Văn Mỹ


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn