Du lịch giữa mùa dịch: Tuổi 20 tôi đã đặt chân đến Huế

Tiết trời đang vào hạ của những ngày cuối tháng 7 – thời điểm mà chúng ta sẽ ở nhà để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng giữa mùa dịch, tôi lại nhớ đến chuyến tour tham quan miền Trung mà sinh viên du lịch chúng tôi đã tham gia tháng 1 vừa rồi. Và một trong những nơi làm tôi cứ vương vấn và háo hức nhất là thành phố Huế nên thơ, làm người ta mộng mơ quên cả lối về.
Từ Đà Nẵng, chúng tôi di chuyển đến Huế. Một trong những trải nghiệm thú vị trên cung đường này là chúng tôi sẽ vượt đèo Hải Vân – nơi được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, luôn thách thức các bác tài, đòi hỏi sự tập trung cao độ khi đi qua cảnh quan kỳ vĩ nhưng lại vô cùng gai góc này.
Thế nhưng hiện nay, mọi người có thể dễ dàng đi qua nhờ có “cánh cổng thần kỳ” xuyên thời gian giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng – đây là cách nói vui về hầm Hải Vân. Khi qua hầm, không gian trở nên tối đi, chúng tôi cùng nhau hát các bài hát tập thể, cảm giác như không gian kéo mọi người lại gần nhau hơn. Ánh sáng dần dần được mở ra, thu vào tầm mắt là những tuyệt tác của thiên nhiên.
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”
Địa điểm đầu tiên mà chúng tôi ghé đến là chùa Thiên Mụ nằm bên bờ sông Hương hiền hòa. Một biểu tượng gắn với hình ảnh chùa Thiên Mụ chính là tháp Phước Duyên. Tháp cao 21 mét, gồm bảy tầng, được xây dựng ở phía trước chùa. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Từ chùa, bạn có thể thu vào tầm mắt nét duyên dáng của dòng Hương giang.
Check-in bên dòng Hương giang nhẹ nhàng mà dịu êm. Ảnh: Lâm Ngọc Kim Ngân

Đến đây, tôi bất giác nhớ đến tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tôi nhớ cái “phóng khoáng” của một dòng sông ở thượng nguồn nhưng khi đến thành phố lại nhẹ nhàng mà dịu êm đến lạ kỳ, ôm lấy Huế như người tình đã lâu không gặp. Hương giang dành cho Huế tình yêu thủy chung, vấn vương, trầm mặc mà vẫn mãi ở đó không bao giờ rời đi như cái cách mà Huế để lại những xúc cảm trong tiềm thức của du khách khi đặt chân đến đây.

Khi đến Huế, chúng ta không thể nào bỏ lỡ các di tích nằm trong cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới – niềm tự hào của người dân Huế nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Sải bước trong chiếc áo dài đi qua Đại Nội Huế, ngắm nhìn những kiến trúc nguy nga như Ngọ Môn, Tử Cấm Thành… những dấu tích về thời kì phong kiến hưng thịnh của nước nhà, đặc biệt là khi thấy Kỳ đài Huế với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió tôi thấy yêu sao đất nước mình và tự hào khi mình là người Việt Nam.
Sải bước trong chiếc áo dài khoa đi qua Đại Nội Huế. Ảnh: Lâm Ngọc Kim Ngân

Huế về đêm còn có những hoạt động thú vị. Chúng tôi di chuyển đến bến tàu Toà Khâm, lên thuyền nghe ca Huế trên sông Hương, sau đó thả hoa đăng gửi gắm những ước nguyện của mình. Cầu Trường Tiền lung linh huyền ảo in bóng mình xuống dòng sông, những màn đối đáp giao duyên cùng những âm thanh của tiếng gõ phách, đàn tranh, đàn nguyệt… tất cả đan xen như một làn điệu miên man vang vọng chắc chắn sẽ làm người ta muốn đặt chân đến nơi đây một lần nữa.

Lâm Ngọc Kim Ngân

Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn