Lịch sử dân tộc Việt Nam đã ghi dấu nhiều chiến công vĩ đại trong quá trình dựng nước và giữ nước. Suốt chặng đường lịch sử ấy, đã bao lần ông cha ta đấu tranh ngoan cường, kiêu hãnh xưng danh làm nên bao lần oanh liệt, ghi danh muôn đời.
- Du lịch giữa mùa dịch: Check-in cầu Mống cổ xưa nhất Sài Gòn
- Du lịch giữa mùa dịch: Nhớ Sapa mùa lúa chín
- Du lịch giữa mùa dịch: Cảm giác một lần bay lượn và ngắm nhìn mọi thứ như những chú chim
Và trong muôn vàn chiến công lẫy lừng ấy phải kể đến chiến thắng giặc Minh của nghĩa quân Lê Lợi gắn với căn cứ khởi nghĩa ở vùng Thọ Xuân – Thanh Hóa nay đã trở thành một di tích lịch sử cấp quốc gia với niên hiệu là Lam Kinh.
“Lam Kinh đã vào ngày lễ hội
Khách tứ phương phấn khởi đi về
Kinh đô xưa thời Hậu Lê
Bình Ngô đại cáo, Hội thề Lũng Nhai…”
Lam Kinh với diện tích rộng 200 héc ta, nằm trên đất huyện Thọ Xuân – Thanh Hóa, vùng đất đã sinh cho dân tộc Việt Nam hai đời họ Lê đó là Tiền Lê và Hậu Lê.
Chưa kể nơi đây còn được ví như vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Chính mảnh đất này đã sinh ra bao người con ưu tú của dân tộc như: Bà Triệu, Lê Lợi, Lê Thánh Tông… những vị tướng tài đã một lòng vì nước, vì dân nguyện sinh tử cùng đồng bào dân tộc.
“Ai lên Biện Thượng, Lam Sơn
Nhớ Lê Thái Tổ chặn đường quân Minh”.
Nói đến Lam Sơn phải nhắc ngay đến Lam Kinh, quê hương đất tổ nhà Lê – nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy tụ họp những anh hùng hào kiệt khắp bốn phương, chung sức chung lòng đứng lên đánh giặc cứu nước.
Lam Sơn được coi là “kinh đô thứ hai” của nước Đại Việt sau Thăng Long Đông Đô – Hà Nội. Đây là khu di tích mang nhiều ý nghĩa giá trị văn hóa thiêng liêng không chỉ của nhân dân Thanh Hóa mà của cả dân tộc Việt Nam.
Đến với Lam Kinh, chắc không riêng gì tôi mà nhiều du khách sẽ ngỡ như lạc vào khu rừng nguyên sinh mà ẩn bên trong là vẻ đẹp, không gian yên tĩnh của thiên nhiên, của thành điện cổ kính.
Nếu bạn để ý sẽ thấy, Thành điện Lam Kinh được xây dựng theo thế “tọa sơn hướng thủy”, một tiêu chuẩn vàng trong phong thủy của người Á Đông. Phía Bắc của kinh thành tựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, có núi Chúa làm bình phong, phía Đông là rừng Phú Lâm, còn phía Tây được bảo vệ bởi núi Hương và núi Hàm Rồng.
Trong thành điện Lam Kinh có nhiều lăng tẩm, đền miếu… tiêu biểu nhất phải kể đến Vĩnh Lăng, đây là lăng của vua Lê Thái Tổ, được xây dựng tại vị trí có thế “hổ phục, rồng chầu” rất uy nghiêm và trang trọng.
Và đã đến Lam Kinh mà không một lần thăm Vĩnh Lăng thì xem như bạn chưa thật sự đến vùng đất địa linh này.
Nhà bia Vĩnh Lăng được trang trí rất tinh xảo, phù hợp với các nội dung về công lao, sự nghiệp của nhà vua được ghi trên văn bia. Ngoài Vĩnh Lăng, còn có thể kế đến các lăng mộ độc đáo khác như Chiêu Lăng, Kính Lăng, Hựu Lăng… tất cả đều có mặt tại khu di tích này.
Chưa kể, ngoài việc thưởng lãm cảnh đẹp và khám phá các giá trị văn hóa, kiến trúc, lịch sử của Lam Kinh, hàng năm vào ngày 22-8 âm lịch, tức nhằm ngày giỗ vua Lê Thái Tổ, chúng ta sẽ có cơ hội tham dự lễ hội Lam Kinh để được hòa mình vào không khí nao nức của người dân vùng sơn cước xứ Thanh với nhiều trò vui dân gian truyền thống và đầy náo nhiệt.
Đồng thời đây cũng là dịp để tưởng nhớ lại công lao hiển hách của một vị vua nổi tiếng trong lịch sử phong kiến Việt Nam – người anh hùng Lê Lợi gắn với truyền thuyết hồ Gươm và rùa vàng nhận gươm báu.
Đến Lam Kinh, tôi chắc chắn rằng bạn sẽ bị cuốn hút vào những truyền thuyết mang đầy màu sắc huyền bí của một triều đại phong kiến mà ở đó là những bài ca về sự hưng thịnh của một vương triều mà người dân luôn no ấm.
Dầu thời gian có bào mòn đi chăng nữa, Lam Kinh sẽ còn mãi trong lịch sử dân tộc như một niềm tự hào về quá khứ vẻ vang, về cội nguồn xa xưa của những người con đất Việt.
Lê Thanh Lượng