Du lịch giữa mùa dịch: Hoài niệm lần trải nghiệm đầu tiên leo núi

Một cái núi nhỏ nhỏ nhô lên giữa vùng đất khô cằn ở vùng đất biên giới nhưng lại có sức hút kỳ lạ với chúng tôi, những người đam mê leo núi. Núi Bà Đen cũng là nơi lần đầu cho tôi trải nghiệm leo núi đi rừng và thắp lên sở thích leo núi trong tôi.

Khung cảnh nhìn từ trên cao của núi Bà Đen

Ai ở Tây Ninh cũng ít nhất một lần từng lên núi Bà Đen, thậm chí nhiều khách thập phương từ xa xôi cũng tìm đến đây để cầu xin sự bình an. Từ nhỏ, tôi đã được nghe các anh chị nói “Lên đỉnh núi có trạm ăng-ten đẹp lắm”. Mà lúc ấy, tôi chưa từng thử leo lên đó nên chỉ đứng nhìn núi từ xa.

Mãi tới tận năm 23 tuổi, tôi mới đặt chân lên đỉnh núi và lần đó tôi vẫn nhớ mãi, vì tôi được ngắm toàn cảnh Tây Ninh từ trên cao, cảm nhận cơn gió mát và không khí trong lành, đặc biệt là cảm giác thích thú vì bản thân đã vượt qua những khó khăn khi leo.

Lần thứ 2 đến núi Bà Đen, tôi và những người bạn đã quyết định chinh phục núi trong một ngày. Định là vậy, nhưng khi thấy có khá nhiều nhóm chọn cắm trại qua đêm lại ở đỉnh núi, tôi nhanh chóng hòa nhập cùng mọi người, thuê lều và qua đêm ở đó để đón bình minh thơ mộng trên núi.

Mọi người cùng nhau dựng lều trại trên đỉnh núi

Dần dần, tôi bị “nghiện” cái cảm giác gặp gỡ những người bạn mới trên đỉnh núi chỉ đơn giản vì tôi được ngồi nghe những câu chuyện thú vị về núi, về rừng. Tôi nhớ nhất câu nói của những người bạn từ Hà Nội vào khi được rủ leo Bà Đen: “Mình leo Fansipan rồi nên cao 986m thì nhầm nhò gì”. Nhưng khi leo mới biết thật sự núi Bà Đen không dễ leo.

Rồi tự lúc nào không biết, sự tò mò của tôi lớn dần hơn và tôi bắt đầu kiếm tìm những cung đường khác ngoài cung đường quen thuộc của núi Bà Đen. Nhìn núi Bà nhỏ vậy thôi nhưng rất nhiều cung đường để lên đỉnh: đường cột, đường chùa, đường Ma Thiên Lãnh, đường núi Heo, đường núi Phụng, đường ống nước, đường colombo,..

Mỗi cung đường có độ khó riêng để thử sức, để tăng độ khó khi lên đỉnh và mỗi đường có niềm vui và cảnh đẹp riêng. Đôi lúc chỉ có những tảng đá bự và gốc cây cằn cỏi. Có khi lại là rừng dây chằng chịt phải len lỏi qua hay một tảng đá dài và dốc.

Những ngày cuối tuần, chúng tôi lê la chinh phục đỉnh núi Bà. Dù phải cắm trại trên một địa hình không mấy bằng phẳng, nằm cứ bị những tảng đá nhỏ chọt vào lưng, thế mà đôi lúc 500 người tập trung trên đó. Chúng tôi chen nhau nằm, có khi nằm cả ra đường mòn, khiến người đi phải luồn vào cỏ cây để đi.

Nhiều bạn chỉ cần cuối tuần rảnh là tranh thủ leo núi Bà, đôi khi làm việc xong, họ mới từ Sài Gòn chạy lên, tới chân núi đã 1:00–2:00 sáng, những họ vẫn quyết định leo, đến khi tới đỉnh đã là 4:00–5:00 giờ sáng.

Lúc đó chỉ cần pha một tách cà phê cùng với một ly mì gói, hít cái không khí lành lạnh, sương ùa qua người và ngồi ngắm nhìn mặt trời từ từ nhô lên, sau đó là tận hưởng những tia nắng ấm, chỉ cần như vậy đã làm hài lòng những người leo núi.

Bình minh trên đỉnh núi Bà Đen là khoảnh khắc mà bất cứ người leo núi nào cũng muốn được tận mắt chứng kiến.

Có nhiều anh chị em cũng như mình lần đầu leo núi Bà đã thấy sự yêu thích và đam mê, đi càng nhiều thấy càng yêu rừng núi. Cuối cùng, họ đã bắt đầu làm tourguide tự do, rồi gặp nhau mở công ty chuyên về du lịch mạo hiểm như Tổ Ong trip, Now trip, Min tour, Vietdynamic…

Có lẽ với sự phát triển hiện tại, mọi người chỉ mất 5-7 phút ngồi cáp treo để lên tới đỉnh núi, nhưng tôi vẫn thích vượt qua giới hạn sức khỏe của bản thân, yêu cái cảm giác nằm trên đá vẫn ngủ ngon, mặc cho mưa hay sương trên núi vẫn ấm do có những người bạn bên cạnh.

Phùng Quang Huy


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.
5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn