Du lịch giữa mùa dịch: Đà Lạt trong tôi có một vị trí không nơi nào thay thế được!

Tình cờ sắp xếp lại đồ đạc, vô tình tôi nhìn thấy chai nước hoa Midori cất ở góc tủ. Nó có mùi hương của rừng, của cỏ cây và thoáng mùi nhựa thông. Điều đó bỗng chốc làm tôi nhớ đến Đà Lạt “nàng thơ” được ấp ủ trong cánh rừng thông da diết. Những dòng tâm sự về nỗi nhớ Đà Lạt được bạn Kiều Ngọc gửi về “Du lịch giữa mùa dịch” do Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức.

 

Tôi thường đi Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) bằng xe máy, vì tôi thích cảm giác trực tiếp hít thở không khí nơi đây. Khi đến nơi, như thói quen, tôi chọn một căn homestay nhỏ ở xa trung tâm để làm điểm dừng chân.

Khung cảnh Đà Lạt làm xao xuyến bao trái tim du khách.

Buổi sáng, Đà Lạt đánh thức tôi bằng tiếng chim hót líu lo. Dậy sớm ở Đà Lạt để thưởng thức một “đặc sản” mang tên “săn mây”. Tôi hay đùa với bạn bè rằng, đây là một đại tiệc bồng bềnh trên cao, chỉ chiêu đãi cho những ai vượt qua cám dỗ của chăn ấm nệm êm. Thường thì tôi săn mây ở Cầu Gỗ nằm trong khu đồi chè Cầu Đất, nơi đây có những cơn gió “vui đùa” với mây trắng buổi sớm, ta được ngay một khoảnh khắc thiên nhiên tuyệt mỹ thu vào trong tầm mắt.

Những buổi chiều, tôi hay lang thang trong rừng thông, nghe tiếng thông đùa giỡn với gió như đang kể chuyện tình. Sau đó, nhặt những quả thông khô mang về trang trí ở góc bàn làm việc. Mỗi lần cảm thấy nhớ Đà Lạt, tôi lại nhìn vào những trái thông ấy.

Lang thang nghe tiếng thông reo.

Lên Đà Lạt, trong cái se se lạnh, lần nào tôi cũng chọn thưởng thức một ly cà phê ở quán thân quen. Với tôi, cà phê thì chỗ nào cũng có, nhưng nhâm nhi tách cà phê ở vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió này, trong khí trời se lạnh lại mang đến những cảm giác khác lạ.

Hoàng hôn quyến rũ ở Đà Lạt.

Đà Lạt nổi tiếng với nhiều quán cà phê cực chill cho các bạn trẻ check-in. Và nơi đây cũng có cả những góc cà phê yên tĩnh, tồn tại lâu đời, giúp du khách vừa thưởng thức vừa hoài niệm về một Đà Lạt xưa cũ. Quán yêu thích của tôi là cà phê Tùng, nằm trong khu Hòa Bình, đến đây tôi sẽ được nghe những giai điệu nhạc Pháp du dương, khiến mọi muộn phiền như tạm gác lại sau lưng.

Cũng có nhiều công trình mọc lên ở thành phố này, nhiều người bạn nói với tôi rằng, Đà Lạt giờ không còn là “thành phố buồn” như cách người ta hay gọi trước kia. Nhưng, đối với tôi, dù có bao nhiêu lần lui tới chăng nữa, thành phố này luôn mang lại cảm giác an yên, tự tại và Đà Lạt trong tôi có một vị trí mà không nơi nào thay thế được!

Kiều Ngọc


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.
5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn