Cùng doanh nghiệp lữ hành định hình ‘du lịch có trách nhiệm’

“Được cho là ‘ngành công nghiệp không khói’ nhưng du lịch vẫn có thể xấu đến môi trường tự nhiên. Rác thải, tiếng ồn, tác động xấu văn hóa địa phương… là những tác nhân trực tiếp có thể dẫn đến hủy hoại môi trường, xáo trộn đời sống cộng đồng địa phương”, chia sẻ của Thạc sĩ Dương Ngọc Thắng, Giảng viên Khoa Du lịch, Đại học Kinh tế TPHCM khi nhắc đến những tiêu cực của du lịch, tại tọa đàm ‘Đi tìm diện mạo du lịch có trách nhiệm trong doanh nghiệp lữ hành’ .

Nhìn thấy những tác động tiêu cực từ ngành du lịch có thể gây ra, việc hành động để giảm thiểu những điều này là cần thiết. Tại tọa đàm “Đi tìm diện mạo du lịch có trách nhiệm trong doanh nghiệp lữ hành” diễn ra tại Đại học Kinh tế TPHCM vào ngày 9-3, các khách mời đã có buổi thảo luận, chia sẻ góc nhìn trong việc thực hiện trách nhiệm đối với du lịch hiện nay.

Tọa đàm “Đi tìm diện mạo du lịch có trách nhiệm trong doanh nghiệp lữ hành” được tổ chức tại Đại học Kinh tế TPHCM vào sáng ngày 9-3. Ảnh: Gia Nghi

Một số ý kiến cho biết, thực hiện du lịch có trách nhiệm không chỉ đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và văn hóa con người, mà còn là một yếu tố quan trọng trong việc định hình và nâng cao uy tín của các doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức xung quanh việc thực hiện du lịch có trách nhiệm, khiến cho nhiều doanh nghiệp đang do dự.

Điều này cũng dễ dàng hiểu được, theo ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Image Travel & Events, thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn: “Sự hiểu không đúng về du lịch có trách nhiệm, cũng như sự đẩy trách nhiệm về phía nhà nước là vấn đề chính khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành còn e ngại. Hiểu thiếu nên không làm vì nghĩ không liên quan. Hoặc cho rằng đó là việc mà nhà nước phải làm rồi doanh nghiệp mới làm theo và kết quả là không ai làm”.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Image Travel & Events, trình bày tham luận tại tọa đàm ngày 9-3.

Ông Toản cũng nói thêm, nhận thức về  du lịch có trách nhiệm của du khách trong nước chưa cao nên sức ép không đáng kể. Một vài hoạt động từ thiện vốn không đại diện cho du lịch có trách nhiệm cũng đủ hài lòng những du khách.

Một bạn trẻ giao lưu, chia sẻ tọa đàm. Ảnh: Gia Nghi

Tại sự kiện, các khách mời và diễn giả đã cùng nhau đánh giá và định hình về “du lịch có trách nhiệm” trên thế giới và tại Việt Nam. Theo Tiến sĩ Đoàn Đức Minh, Phó khoa Du lịch, Đại học Kinh tế TPHCM: “Du lịch bền vững không chỉ khai thác môi trường, văn hóa bản địa mà còn đề cao việc tái tạo. Những việc như nhặt rác, trồng cây chỉ là những hành động nhỏ trong chuỗi hoạt động du lịch bền vững gồm việc xây, dùng rồi tái tạo lại, việc thực hiện du lịch có trách nhiệm phải là vừa xây, vừa dùng và tái tạo”.

Và việc tham gia hành động thể hiện trách nhiệm đối với du lịch không chỉ là những người làm du lịch mà còn là người dân du khách cùng thực hiện, ông Minh nói thêm.

Tiến sĩ Đoàn Đức Minh, Phó khoa Du lịch, Đại học Kinh tế TPHCM, chia sẻ trong tọa đàm. Ảnh: Gia Nghi

Đại diện Cộng đồng du lịch có trách nhiệm WAFORT – đơn vị tổ chức buổi tọa đàm, ông Hoàng Trọng Quyền cho hay: “Các chiến lược toàn diện để hướng tới mục tiêu bền vững dựa trên chính sách, chiến lược, chiến thuật quản lý và cả tiềm lực về tài chính để có thể thực hiện du lịch bền vững… Du lịch có trách nhiệm là người làm du lịch có trách nhiệm, điểm đến có trách nhiệm và du khách cũng phải có trách nhiệm”.

Du khách sẽ được đạp xe đạp đi tham quan làng cũng như những di tích lịch sử – văn hóa nổi tiếng tại địa phương. Ảnh: TTXTDL tỉnh Quảng Ninh

Xoay quanh câu chuyện thực hiện du lịch có trách nhiệm, các nhà tổ chức và chuyên gia du lịch cũng đề cập đến vấn đề truyền thông lan tỏa. “Nhiều người cho rằng nhặt rác không phải là nhiệm vụ của mình, công việc đó đã có các đội vệ sinh môi trường thực hiện nên mình không có trách nhiệm làm việc đó. Và nếu có nhặt rác cũng chẳng được bao nhiêu vả lại tốn thời gian. Tuy nhiên, tuy lượng rác được thu gom không nhiều nhưng hành động này lại có sức truyền thông làm thay đổi nhận thức, khiến những người nhìn thấy có ý thực hơn. Ít nhất là không xả rác”, một khách mời tham dự chia sẻ ý kiến tại tọa đàm.

Cũng nói về điều này, ông Võ Hồng Văn, Ủy viên Ban biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn cũng có những trao đổi về vai của truyền thông đối với du lịch có trách nhiệm. Theo ông, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa các thông điệp, giá trị mà du lịch có trách mang tới cho không chỉ du khách, công ty lữ hành mà còn các điểm đến, cộng đồng địa phương.

Ông Võ Hồng Văn, Ủy viên Ban biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn cũng có những trao đổi về vai của truyền thông đối với du lịch có trách nhiệm tại sự kiện.

“Nếu những hành động xanh, hành động có trách nhiệm được truyền thông, kết nối thì sẽ lan tỏa đến cộng đồng nhiều hơn. Làm việc này không chỉ nâng cao uy tín cho đơn vị tổ chức, đồng thời định hình trong tâm trí người đọc, biết đến và hiểu rõ đơn vị nhiều hơn”, ông Văn cho biết.

Tọa đàm không chỉ có sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu du lịch mà còn thu hút nhiều bạn trẻ, sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố. Ảnh: Gia Nghi

Từ góc nhìn của một doanh nghiệp lữ hành, ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Image Travel & Events cũng cho biết doanh nghiệp cần thực hiện các yêu cầu của “du lịch có trách nhiệm” trên cả ba mặt tác động bền vững, gồm kinh tế, môi trường và xã hội.

Ngoài chia sẻ và thảo luận, buổi tọa đàm còn tổ chức các hoạt động trao đổi bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là “forum theatre” (kịch diễn đàn). Đây là một buổi diễn đưa ra các các tình đề cập các vấn đề liên quan đến du lịch có trách nhiệm thông qua các tình huống bất ngờ. Các diễn viên đã dẫn dắt, điều phối các tình huống, khán giả được phép tham gia, đóng góp vào vở diễn, đưa ra những biện pháp cho từng tình huống.

Kịch diễn đàn tại tọa đàm: “Đi tìm diện mạo du lịch có trách nhiệm trong doanh nghiệp lữ hành”. Ảnh: Gia Nghi

Tọa đàm “Đi tìm diện mạo du lịch có trách nhiệm trong doanh nghiệp lữ hành” được tổ chức tại Đại học Kinh tế TPHCM vào ngày 9-3, do Cộng đồng du lịch có trách nhiệm WAFORT phối hợp với Khoa Du lịch thuộc Đại học Kinh tế TPHCM và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn thực hiện. Tọa đàm không chỉ có sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu du lịch mà còn thu hút nhiều bạn trẻ, sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố. 

Ngọc Khuyến – Gia Nghi
5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn