Chat với doanh nhân du lịch: Tạo sinh khí cho du lịch phát triển

Phân du khách theo từng thị trường để từ đó xây dựng những sản phẩm phù hợp và đa dạng hóa, đầu tư sâu vùng nguyên liệu, phát triển du lịch dựa trên nền tảng nương tựa vào nông nghiệp hữu cơ… đang là cách mà ngành du lịch Quảng Nam triển khai để tạo ra sinh khí cho người làm du lịch cầm cự được và sau dịch Covid-19.
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (bên phải) và ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương trong chương trình Chat với doanh nhân du lịch do Sài Gòn Tiếp Thị và chương trình Sáng kiến Điểm đến an toàn thực hiện.

Trong chương trình Chat với doanh nhân du lịch diễn ra hôm 14-7 vừa qua bằng hình thức livestream qua Zoom trên fanpage Sài Gòn Tiếp Thị, cả hai chuyên gia du lịch Quảng Nam là ông Phan Xuân Thanh và ông Nguyễn Sơn Thủy, đều khẳng định địa phương này đang áp dụng du lịch sinh thái, tạo kinh tế tuần hoàn dựa vào cộng đồng đang là phương thức tạo sinh khí để du lịch phát triển.

Xây dựng sản phẩm phù hợp

Theo chia sẻ của ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, quan điểm của Hiệp hội này là phân ra những dòng khách khác nhau để từ đó xây dựng những sản phẩm phù hợp với từng thị trường.

Nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn ở Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam cũng tung ra các chương trình khuyến mãi. Ảnh: danangthankyou.com

“Trong ngành du lịch ảm đạm thế này thì ngành du lịch Quảng Nam 90% doanh nghiệp phải đóng cửa nhưng một số khách sạn, nhà hàng vẫn hoạt động được, vẫn cầm cự được vẫn tốt”, ông Thanh nói.

Quảng Nam đa dạng hóa về các sản phẩm bằng cách đầu tư sâu về vùng nguyên liệu phục vụ ngành du lịch dựa trên nền tảng nương tựa vào nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tự nhiên…

“Tất nhiên, doanh thu không cao nhưng sẽ tạo ra sinh khí cho người làm trong lĩnh vực du lịch có thể cầm cự được”, ông Thanh nói thêm.

Những nông trại đó sẽ thành tài nguyên du lịch, có thể kết hợp dịch vụ để tạo ra sản phẩm như một ngày làm nông dân, cố gắng đưa sản phẩm từ nông nghiệp đến bàn ăn một cách nhanh nhất.

Ông Thanh cũng cho biết, một số doanh nghiệp đã bắt đầu đầu tư vào gỗ tái chế tạo ra sản phẩm mỹ thuật để cung cấp cho ngành du lịch. Trước mắt cung cấp cho người địa phương và du khách quanh vùng. Sau dịch sẽ thành tài nguyên lớn, biến thành sản phẩm mới hướng đến ngành du lịch đi vào chiều sâu.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương (Indochina Unique Tourist), cũng thừa nhận doanh nghiệp ông cũng tìm cách để xoay sở trong đại dịch covid-19.

Trong ảnh là đầu bếp Tài Lê. Những câu chuyện truyền thông xứ Quảng sẽ được nhân viên kể cho du khách nghe tại khu phức hợp Hoiana, tỉnh Quảng Nam.

“Trong khi tìm kiếm cơ hội kinh doanh, tôi cũng tìm nhiều phương án chuyển đổi như làm hệ thống sinh thái, tìm kiếm các trang trại nông nghiệp trên miền núi phía Tây Quảng Nam để mở rộng mô hình hữu cơ về du lịch sinh thái… Thậm chí cũng suy nghĩ nhiều về chuyển đổi số”, ông Thủy nói, mọi thứ vẫn đang là ý tưởng.

Các chuyên gia du lịch Quảng Nam cũng cho biết, theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tam thời đóng cửa, Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động.

Hướng đến du lịch xanh, bền vững

Theo ông Thanh, du lịch cũng là cách để đi học một điều gì đó. Thậm chí, đi du lịch cũng góp phần bảo vệ điểm đến. “Nhờ mùa Covid này đã cho thấy du lịch có nhiều thay đổi hơn. Du khách thấy đến địa phương cũng góp sức với người dân làm điều gì đó có ý nghĩa cho địa phương đó”, ông Thanh nói.

homestay
Quảng Nam có nhiều lợi thế để làm du lịch farmstay từ đồng bằng đến miền núi và vùng biển. Ảnh: Nhân tâm

Định hướng du lịch Quảng Nam trong thời gian tới cũng thống nhất theo hướng doanh nghiệp làm du lịch xanh theo hướng bền vững; kinh tế tuần hoàn là xu hướng để đẩy nhanh giá trị du lịch bền vững tốt hơn.

“Tất cả nguồn tài nguyên xung quanh chúng ta cần tái tạo lại, đặc biệt tài nguyên rác thải. Hiện nay khi hiệp hội phát động phong trào này, nhiều doanh nghiệp ủng hộ và họ hướng đến phân loại rác thật kỹ và hướng đến tuần hoàn rác thải trước mắt trong khách sạn, nhà hàng”, ông Thanh nói thêm.

Cũng theo ông Thanh, một số doanh nghiệp tại Quảng Nam đã triển khai sản phẩm theo hướng mô hình tuần hoàn rác thải nhưng do Covid-19 và lượng khách hàng dẫn đến lượng rác không nhiều để thực thi.

Mô hình du lịch dựa vào cộng đồng của nhà hàng The Field tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nhân Tâm

Bên cạnh đó, du lịch Quảng Nam còn có điểm nhấn chính là hệ thống di sản và nhiều làng nghề truyền thống để phát triển du lịch bền vững.

“Văn hóa và lối sống của làng nghề cực kỳ quan trọng. Khi con người có lối sống tốt sẽ tạo ra giá trị tốt và sản phẩm sẽ tốt hơn”, ông Thanh nói.

Tại Quảng Nam, Hiệp hội Du lịch tỉnh này đang cố gắng biến làng nghề thành tài nguyên du lịch bằng cách kết hợp với một số vườn rau để tạo ra sản phẩm trải nghiệm cho khách.

“Nếu chúng ta áp dụng bảo tồn lối sống làng nghề tốt. Bên cạnh đó đưa những giá trị đương đại hơn thì làng nghề có xu hướng phát triển tốt và sẽ đem đến những sản phẩm du lịch tốt cho ngành du lịch Việt Nam”, ông Thanh khẳng định.

Vì thế, các chuyên gia cho rằng, khi làm làng nghề, cần tạo ra không gian văn hóa làng, giữ lại lối sống làng là quan trọng nhất nếu không sẽ rất đơn điệu.

Các chuyên gia cũng nhận định, khách đến tham quan cả không gian văn hóa làng nghề với xu hướng du lịch vừa nông thôn vừa nông nghiệp đang tăng lên.

Nguyễn Nam lược ghi


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn