Với tình hình diễn biến dịch bệnh như hiện nay, phải qua năm 2022, khách quốc tế mới có thể vào Việt Nam. Trước mắt, Việt Nam cần tạo hệ miễn dịch trong cộng đồng, thực hiện hộ chiếu vắc-xin với khách du lịch nội địa để từ đó có thêm kinh nghiệm, sẵn sàng đón khách quốc tế.
- Doanh nghiệp khởi nghiệp tìm giải pháp để tồn tại và phát triển
- Chat với doanh nhân du lịch số 5: “Đứng tim” mỗi khi dịch bùng phát
- Chat với doanh nhân du lịch số 4: Thay đổi để giữ thương hiệu
Trong chương trình Chat với doanh nhân du lịch do Kinh tế Sài Gòn phối hợp với Sài Gòn Tiếp Thị thực hiện, ông Nguyễn Phi Hồng Nguyên, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Việt Promotion, thành viên Sáng kiến Điểm đến an toàn chia sẻ, trước đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam được xem là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, khi dịch xuất hiện đã kéo theo hàng loạt sự sụp đổ. Bao nhiêu kế hoạch, dự định của các doanh nghiệp trong việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đều phải gác lại.
Theo ông Nguyên, để khôi phục lại thị trường du lịch như giai đoạn trước dịch, phải cần rất nhiều thời gian. Với tình hình diễn biến dịch bệnh như hiện nay, có thể sẽ phải sang năm 2022, khách quốc tế mới vào Việt Nam.
“Để khách quốc tế trở lại như thời điểm năm 2019, Việt Nam cần phải làm nhiều điều trong đó có cả việc đẩy mạnh quảng bá truyền thông”, ông Nguyên nói thêm. Trước mắt, cần thử nghiệm hộ chiếu vắc-xin dành cho thị trường khách du lịch nội địa. Khi cộng đồng đã được miễn dịch, sự an tâm của người dân và du khách cũng tăng lên.
Ngoài ra, việc áp dụng hộ chiếu vắc-xin trong nước trước khi áp dụng với thị trường khách quốc tế còn là “thước đo”, sự thử nghiệm về quy trình “tắt – mở” nếu dịch bệnh tiếp tục tái bùng phát.
Theo đó, cần xây dựng lộ trình rõ ràng, các biện pháp đón khách phải cụ thể. Thậm chí, cần xây dựng cả kịch bản giả định nếu có nhóm khách bị nhiễm Covid-19, dù trước đó đã đủ điều kiện để nhập cảnh vào Việt Nam.
Hiện nay, để góp phần ổn định kinh tế, trong đó có duy trì trở lại hoạt động du lịch, ông Nguyên cho rằng, sớm hoàn thành mục tiêu tiêu chủng vắc-xin ngừa Covid-19 trong cộng đồng.
“Phương án tối ưu nhất hiện nay có thể nghĩ đến chính là tạo miễn dịch cộng đồng. Chỉ khi cộng đồng dân cư, người phục vụ và du khách đều đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19; điểm đến đáp ứng phun khử khuẩn theo quy định và người tham gia du lịch (bao gồm cả du khách và người phục vụ) tuân thủ quy định 5K mới tạo hành lang an toàn, an tâm cho du lịch”, ông Nguyên nói.
Trước khi nghĩ tới chuyện phục hồi du lịch nội địa, xa hơn là đón khách quốc tế, ông Nguyên cho rằng doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ để khôi phục hoạt động.
“Cần có chính sách hỗ trợ về tài chính để doanh nghiệp đủ lực ‘nuôi’ nhân sự trong giai đoạn đầu phục hồi du lịch. Sau đó, đưa ra những gói kích cầu kèm chính sách bảo hiểm, tạo điều kiện an toàn cho du khách; xây dựng kế hoạch truyền thông đề cao yếu tố an toàn”, ông Nguyên nói thêm.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch, điều cốt lõi nhất vẫn là tạo hành lang miễn dịch cộng đồng. “Chỉ cần người dân ở điểm du lịch đã được tiêm vắc-xin cũng đã góp 50% sự yên tâm cho khách du lịch”, ông Nguyên khẳng định.
Nguyễn Nam
Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” và “Chat với doanh nhân du lịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.