Du lịch giữa mùa dịch: Bình yên nơi phố cổ Hội An

Phố cổ Hội An là một thành phố du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam, là “một thực thể sống” với hai mặt giá trị đã tồn tại suốt hàng thập kỷ qua.

Một góc phố cổ Hội An.

Một bên là những giá trị văn hóa đang được kiến tạo, bổ sung mà tôi gọi đó là “bề nổi”, những giá trị đó luôn được thay đổi, biến tấu lại nhằm đáp ứng và phù hợp với nhu cầu, với khiếu thẩm mỹ của du khách. Còn một bên là cuộc sống dân dã, bình dị của người dân phố Hội ngay trong lòng di sản…

“Anh muốn kể những đêm rằm hội phố

Huyền ảo, lung linh muôn ánh đèn lồng

Mạt chược, bài chòi… ta như về xưa cũ

Gió chở trăng ngời một dải hoài thương”

Thật sự trong mắt tôi, Hội An như một cuốn sách của thời gian, mỗi trang sách là một trang sử của nền văn hóa. Tôi đã ví von Hội An như một người phụ nữ đầy ưu sầu, mang nét đẹp truyền thống nhưng đâu đó là chút hoang dại. Bởi Hội An là một phố cổ hầu như đã giữ được gần như nguyên vẹn nét đẹp cổ kính, đượm buồn, xen lẫn chút hoài niệm, vươn vấn.

Dòng sông Hoài hiền hòa.

Góp phần tạo nên nét hoài niệm đó là vẻ đẹp kiến trúc truyền thống, hài hòa của những ngôi nhà, những bức tường vàng phủ đầy rêu xanh, những con đường quanh co uốn lượn, hay những hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, đến các món ăn truyền thống, hay trò chơi dân gian… Nó giống như nét bình dị trong tính cách lẫn tâm hồn nhân hậu, chân chất của người dân phố Hội.

Lần đầu đến với Hội An, tôi như lạc vào xứ sở của những tích truyện xưa cũ. Một nét đẹp hoài cổ như cuốn tôi vào bao câu chuyện huyền bí, cổ xưa. Người ta bảo tôi Hội An náo nhiệt lắm, đông đúc lắm, nhưng tôi lại thấy khác!

Chắc vì một phần tôi thăm Hội An vào cái mùa dịch còn “ồn ào” ở các nước lớn, một phần vì người dân còn quan ngại trong mùa mưa lũ vừa qua, nên Hội An lúc này còn yên bình lắm.

Nét bình dị giữa đời thường ở phố cổ Hội An.

Len lỏi trong những con hẻm đầy ắp ánh đèn, bất chợt tôi cảm được chút không gian tĩnh lặng, yên bình của một khu phố trầm mặc. Quanh phố là bóng dáng của những cô, những bác với gánh cao lầu, Đậu Hủ nóng, bánh bèo, sữa nóng,… rồi đâu đó là tiếng nhạc du dương của các quán cà phê quanh phố nhỏ, rồi lại hình bóng của đèn lồng, hoa đăng, thuyền ghe đầy màu sắc.

À, mà còn phải kể đến tiếng cười đùa, tiếng trầm tư kể chuyện đời của mấy bác bán hàng, rồi tiếng Bài Chòi reo vang cả một góc nhỏ, hay tiếng nô đùa của các bạn trẻ lần đầu đến phố cổ như tôi… Ôi sao thích thật, nghĩ thôi mà nhớ Hội An vô cùng.

Nếu đêm Hội An là vẻ đẹp tĩnh lặng u buồn, thì ngày Hội An là nét đẹp giản đơn, mộc mạc. Vì muốn ngắm nhìn nét đẹp ấy, mà tôi đã dậy thật sớm, đã nhanh hết mức có thể để được đón bình minh trên những mái ngói phủ đầy rêu phong.

Những tia nắng len lỏi qua tầng mây, soi sáng cả một vùng trời đầy lãng mạn. Khi ấy, tôi thấy thành phố thật xinh đẹp, thời gian như ngừng trôi, không gian như đúc lại.

Hội An mà tôi ca ngợi như “cô gái” với nét đẹp u buồn chỉ sống về đêm, lại hóa ra là “nàng thơ” đầy mỹ miều và thơ mộng vào sáng sớm.

Thấp thoáng trên đường, tôi nhận ra có vài người cũng như tôi, họ đang tận hưởng bầu không khí trong lành và mát mẻ trên những ban công, sân thượng. Còn ngoài sông, lác đác hình ảnh các cô, các chú đang gánh hàng mưu sinh với những gánh to đầy áp khói, tôi đoán chắc là cao lầu bởi đây là đặc sản nổi tiếng cả vùng kia mà.

Chùa Cầu luôn là điểm đến hút khách du lịch.

Đôi lúc tôi cảm nhận dường như dòng chảy hối hả của thời gian như chẳng thể vùi lấp đi cái không khí cổ xưa của vài trăm năm về trước. Ở Hội An, người dân đa phần sống chậm, từ tốn.

Và sự dung dị của phố cổ khiến người ta phải say đắm, yêu thương, có khi đi quên cả lối về. Thế nên, chẳng ít người mới một lần đến đã “phải lòng” hay “trót yêu” cái sự hoài cổ này.

Đối với một số người hay cả tôi, Hội An là tuổi trẻ, là thành phố bước ra từ miền cổ tích. Khi thanh xuân còn tràn đầy, Hội An như chốn vui để bao người hào hứng khám phá, đi chùa Cầu, dạo Hội Quán, ăn cao lầu, uống nước mót, hay tề tựu ngồi thuyền thả hoa đăng, vui cười trong hàng quán.

Mặc khác khi tuổi già, Hội An giản đơn là những bộ bàn ghế, những bậc thềm để người người lặng lẽ ngồi nhâm nhi cà phê, chơi vài ván cờ, hay tìm người tâm sự. Từ lứa đôi đến những kẻ độc hành, ai cũng có thể đến nơi này. Và dù bạn là ai, sống nơi nào, Hội An sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn.

Lê Thanh Lượng


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.
5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn