Cứ vào tháng 4 đến tháng 11 hằng năm, những “mẹ rùa” từ biển cả lại tìm về bãi biển ở Vườn Quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu (thành viên chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn) để làm tổ. Tận mắt chứng kiến những rùa mẹ đào tổ, đẻ trứng và ngắm nhìn đàn rùa con về với đại dương là những trải nghiệm thú vị và hiếm có ở đây.
- Khám phá các vườn quốc gia thuộc mạng lưới Sáng kiến Điểm đến An toàn
- Ngắm Côn Đảo đẹp yên bình mùa biển lặng
Để được xem rùa đẻ trứng, du khách phải đến Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo mua vé và đi ca nô ra bãi biển. Thông thường, Vườn Quốc gia Côn Đảo sẽ đưa du khách đến hòn Bảy Cạnh để xem rùa đẻ trứng, đây là điểm có lượng rùa đẻ trứng nhiều nhất. Du khách chỉ có thể ở 4 – 6 giờ hoặc tối đa chỉ được ở lại một đêm để đảm bảo sinh thái tự nhiên, ban ngày tối đa 48 khách, ban đêm tối đa 24 khách cho mỗi lần tham quan.
Khi đêm xuống
Khi màn đêm buông xuống, con nước lên cao, cũng là lúc những mẹ rùa bắt đầu bơi vào bờ. Rùa mẹ sẽ chọn khu vực có cát mịn gần các lùm cây, rồi dùng hai chân sau đào tổ, tổ này thường sâu khoảng 70 cm. Vào mùa đẻ trứng, bình quân mỗi đêm có khoảng 8 – 12 lượt rùa mẹ lên làm tổ.
Sau khoảng 3 giờ đồng hồ, mỗi tổ có khoảng 90 trứng, một rùa mẹ vào mùa sinh sản bình quân đẻ từ 3 – 5 tổ, thời gian cách nhau khoảng 11 – 13 ngày. Tại Côn Đảo từng ghi nhận một cá thể rùa mẹ đẻ 10 tổ trong một năm với tổng số trứng kỷ lục là 993 trứng.
Sau khi đẻ trứng, rùa mẹ sẽ lấp tổ trứng, xoá dấu vết để bảo vệ tổ trứng của mình rồi trở về biển. Đợi đến khi rùa mẹ rời đi, kiểm lâm và tình nguyện viên sẽ lấy trứng rùa đem về tổ ấp trong khu bảo tồn rùa.
Quá trình xem rùa mẹ đẻ trứng, du khách cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên kiểm lâm, đảm bảo khi xem phải giữ im lặng và không chiếu đèn vào phía mắt rùa, vì loài rùa rất nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng. Trong lúc lên bãi, nếu bị động, rùa đang đẻ sẽ ngừng và bò về biển, có thể rùa sẽ không quay lại.
Do đặc tính, loài rùa thường lên bờ theo thủy triều nên hầu như muốn xem rùa đẻ, du khách phải thức trắng đêm, chính những điều đó giúp du khách hiểu được phần nào nỗi vất vả, cực nhọc của lực lượng chức năng tại đây trong công tác cứu hộ, bảo tồn rùa biển.
Tại vùng biển Côn Đảo có 5 loài rùa sinh sống nhưng chỉ có 2 loài rùa thường lên bãi làm tổ, đẻ trứng là rùa xanh (vích) và đồi mồi. Hiện nay, tất cả các loài rùa biển đều đang trên bờ tuyệt chủng và đều có tên trong sách đỏ của Việt Nam và của thế giới.
Hành trình về với biển xanh
Khoảng 55 ngày sau khi được đẻ, trứng ở các tổ sẽ nở thành rùa con. Du khách sẽ được đến thăm hồ ấp trứng tại khu bảo tồn, ngắm nhìn hình ảnh đầu tiên của những chú rùa con nở ra từ trứng. Sau khi rùa nở ra khoảng từ 2 – 3 ngày rùa con sẽ tự ngoi lên khỏi mặt tổ và chen chúc nhau để tìm về biển.
Khi con nước lên cao, mặt trời chưa gay gắt, sẽ là lúc này nhân viên kiểm lâm đưa rùa xuống bãi cát. Đây cũng là thời điểm du khách cảm nhận được sự diệu kỳ của thiên nhiên, hàng trăm chú rùa con “chập chững” tự bò về biển.
Chúng phải tập đương đầu với những con sóng lớn, từ đây một cuộc đấu tranh sinh tồn bắt đầu, trong số 1000 con rùa thả về biển đó chỉ 1 trong số đó là có thể sống sót đến tuổi trường thành và khoảng 30 năm sau những chú rùa biển sẽ quay lại chính nơi chào đời để đẻ trứng, tiếp tục vòng tuần hoàn của tự nhiên.
Côn Đảo có diện tích gần 14.000 ha vùng nước, là nơi bảo tồn một lượng lớn các cá thể rùa biển. Trung bình mỗi năm khoảng 500 rùa mẹ lên đẻ trứng và số lượng trứng nở là 150.000 rùa con. Năm 2009, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận Vườn Quốc gia Côn Đảo là nơi nuôi, ấp và thả về thiên nhiên nhiều rùa biển nhất Việt Nam.