Không huyên náo như tại trung tâm TPHCM, về huyện Nhà Bè ban đêm rất êm ắng, thanh bình, tưởng chẳng có gì đặc biệt để hấp dẫn du khách đến chơi, ấy vậy mà bây giờ người dân cũng đã bắt tay làm du lịch. Họ mời khách về đây để lắng nghe tiếng côn trùng râm ran, ngửi mùi rơm rạ, cỏ cây và thưởng thức những món ăn bản địa mà dường như nhiều người dân chánh gốc Sài Gòn chưa từng nếm thử.
- TPHCM: Cầu Phước Long nối Nhà Bè với quận 7 sẽ hoàn thành cuối năm 2024
- Du lịch TPHCM đón hơn 30 triệu lượt khách
Từ không đồng tình đến hiến đất làm du lịch
Nhà Bè là huyện ngoại thành của TPHCM, cách trung tâm TP về phía Nam khoảng 10 km. Với điều kiện đặc thù khi có hệ thống sông, kênh rạch đa dạng, người dân nơi đây sinh sống chủ yếu bằng công việc làm nông, đánh bắt thủy sản… Tuy không phải là một điểm đến hiện đại nhưng với những tài nguyên sẵn có cùng với con người đôn hậu, những điều này lại giúp Nhà Bè có điều kiện để phát triển du lịch.
“Hồi trước chưa biết làm du lịch là gì, mình suốt ngày lao động chân tay, toàn lo chuyện ruộng vườn, ăn nói cũng chẳng rành, với ở đây cũng chả có cảnh đẹp gì, ai mà chịu về đây tham quan”, bà Trần Thị Kim Lan, một trong những hộ dân tại xã Hiệp Phước đã tham gia làm du lịch chia sẻ.
Nhưng sau khoảng thời gian được hướng dẫn, giờ khi thấy có du khách ghé, bà rất hào hứng và đón tiếp rất nhiệt tình, “trước ở đây khoảng 7, 8 giờ tối là đi ngủ, giờ có khách tới chơi thì thức khuya hơn, thấy vui hơn”, bà nói.
Là một huyện thuộc TPHCM nhưng Nhà Bè lại mang những nét đặc trưng của miền sông nước miền Tây. Khi người dân và du khách đã quá quen thuộc với nhịp sống thị thành thì những khoảng lặng ở nơi bình yên thôn dã có thể sẽ là một lựa chọn.
Theo tour “Nhà Bè – ngàn lẻ một đêm”, sản phẩm du lịch mới do UBND huyện và Công ty Thuyền Nhiêu Lộc, thành viên Sáng kiến Điểm đến An toàn cho ra mắt hồi tháng 12 năm ngoái. Tour bắt đầu từ 17 giờ hàng ngày, du khách sẽ ngồi xe từ bến nội đô Nhiêu Lộc, quận 1 đi Hiệp Phước, Nhà Bè. Khi đến xã Hiệp Phước, du khách sẽ sử dụng xe đạp điện đi vào ấp Rạch Trăng 16. Thời gian trải nghiệm tour này khoảng 4 giờ đồng hồ.
Bà Nguyễn Thu Thủy, một hộ dân khách tại xã Hiệp Phước, Nhà Bè cho hay: “Hôm nào nghe có đoàn khách ghé, tôi phải thức dậy từ 4, 5 giờ sáng đi chợ mua thịt tươi về để tối đó làm món mì trường dạ cho du khách ăn. Hồi đầu cũng sợ người ta không biết ăn mấy món thôn quê, nên mình cũng ngại làm, dần dần mấy cô chú ghé nhà tôi ăn rồi khen ngon, mình cũng mừng”.
Sau khi ghé nhà dân thưởng thức những món ăn đặc sản như cháo cối, mì trường dạ, du khách sẽ tiếp tục chạy xe điện quanh làng, đi qua những cây cầu bắt ngang những con sông, rạch nhỏ, thưởng thức màn đêm và gió trời vùng quê.
Tiếp đó, du khách sẽ ghé thăm ngôi miếu Ngũ Hành và Thần Nông, thăm xóm Lò Rèn xưa, lắng nghe hướng dẫn viên kể chuyện về dòng sông Soài Rạp, tìm hiểu văn hoá ruộng vườn, sông nước.
Trong tour có điểm check-in rất dân dã, đậm chất thôn quê do chính người dân hiến đất, dành đất và xây dựng phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm. Họ tự trồng hoa, phối cảnh để du khách có những bức hình kỷ niệm khi đến với Hiệp Phước, Nhà Bè.
Tour xanh vùng ngoại ô
Dựa trên nguyên tắc tôn trọng tính vốn có của văn hóa bản địa, không tác động tiêu cực đến môi trường và giữ được sự mộc mạc, yên bình của vùng thôn quê, Công ty Thuyền Nhiêu Lộc và chính quyền địa phương đã thiết kế tour mang hướng “xanh”. Chẳng hạn, để không làm ồn buổi đêm thanh vắng, khi bắt đầu tour, người tham gia sẽ đước hướng dẫn viên cho đeo thiết bị tai nghe. Trong suốt hành trình, hướng dẫn viên sẽ giới thiệu, tường thuật với âm lượng vừa phải đủ để truyền qua tai nghe của du khách. Nếu du khách có thắc mắc hoặc muốn trao đổi điều gì phải đợi khi đến các điểm dừng tiếp theo.
Không chỉ vậy, thông thường tham gia tour này sẽ có khoảng 10-15 người, mỗi người trong đoàn sẽ được giao một chiếc xe điện để tự mình chạy trên đường quê, do đó mà vấn đề ô nhiễm tiếng ồn và khí thải được giảm tối đa.
“Về Nhà Bè đi du lịch, du khách sẽ được đổi gió, hòa mình với thiên nhiên để từ đó hồi phục sức khỏe. Không chỉ vậy, mục đích khi làm tour này, tôi mong muốn bảo tồn văn hoá bản địa và có thể giới thiệu được văn hóa Nhà Bè đến du khách”, ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Thuyền Nhiêu Lộc, thành viên Sáng kiến Điểm đến an toàn, nói.
Vùng đất tưởng chừng không có gì để níu chân du khách nhưng lại rất đủ đầy từ chính cái tự nhiên, nếp sống bình dị của người dân, tất cả tạo thành điểm riêng biệt. Và điều đặc biệt, nhân tố chính của sản phẩm du lịch này chính là bà con, cộng đồng người dân địa phương. Họ là người giới thiệu, quảng bá, khai thác lối sống, những đặc trưng về văn hoá, ẩm thực, tín ngưỡng của cộng đồng mình đến với du khách. Đây chính là là điểm nhấn của tour giữa một đô thị sôi động, náo nhiệt như TPHCM.
Ông Nguyễn Hữu Ân, đại diện Sở Du lịch TPHCM cho biết: “Giữa một đô thị náo nhiệt như TPHCM, chúng ta vẫn có thể lắng đọng. Tour đã khai thác được lối sống, tập quán và những đặc trưng về văn hóa, ẩm thực cũng như tín ngưỡng của người dân tại Nhà Bè. Đây sẽ là sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của huyện Nhà Bè, tour điển hình để sắp tới xây dựng các sản phẩm riêng biệt cho các quận, huyện như Củ Chi, Thủ Đức, Hóc Môn”.
“Với tôi khi du lịch về Nhà Bè là một chuyến trải nghiệm thú vị, khi có thể khám phá văn hóa, ẩm thực bản địa tại huyện Nhà Bè. Tại đây, chúng tôi được một đêm hít thở hương đồng gió nội, một đêm gió mát trăng thanh, ở đây rất thanh bình, lắng nghe được tiếng côn trùng kêu râm ran suốt cuộc hành trình. Lần tới tôi cũng muốn rủ thêm con trai của mình và những người bạn để cùng trải nghiệm cuộc sống thôn quê, mộc mạc này”, chị Nguyễn Thanh Mai, một du khách tham gia tour chia sẻ.