Hồ Thủy Tiên ma mị, hoang sơ giữ xứ Huế mộng mơ

Giữa những điều nhẹ nhàng, trữ tình nên thơ của xứ Huế mộng mơ, hồ Thủy Tiên như một “nét chấm phá”, bởi chính sự ma mị, nét hoang sơ đã tạo nên nỗi “ám ảnh” trong tiềm thức của du khách.

Cách đây vài năm, một lần xem trên Tiktok thấy hồ Thủy Tiên tôi cực kỳ ấn tượng với công trình bỏ hoang này, thêm vào đó là tính cách thích mạo hiểm, muốn khám phá những điều bí ẩn, nên tôi đã quyết định phải “xách ba lô lên và đi” đến xứ Huế mộng mơ để ghé thăm hồ Thủy Tiên đầy ma mị này.

Hồ toạ lạc trên ngọn đồi Thiên An, thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, cách thành phố Huế 10km về hướng Tây Nam. Đây là một công viên nước bỏ hoang được xây dựng từ năm 2004. Năm 2016, hồ Thủy Tiên đã được tờ Huffington Post của Mỹ đăng bài viết với tựa đề “Công viên nước bỏ hoang không dành cho những trái tim nhút nhát”, bài báo nhanh chóng thu hút các “tín đồ du lịch” trong và ngoài nước đến tham quan.

Ảnh: Minh Sương

Khi đặt chân đến đó tôi ngỡ ngàng trước hình ảnh công trình nghệ thuật thuật ẩn mình trong lớp cây xanh, nhưng vẫn toát lên sự hoang sơ, ma mị đến rùng mình. Tôi hoàn toàn không nghĩ đây là đã từng là một công viên nước được nhiều người đến tham quan trong quá khứ.

Những tác phẩm nghệ thuật khá là ấn tượng và khó hiểu, nào là khuôn mặt kỳ lạ, rồi cây trái tim tình yêu phía trên luôn phát ra âm thanh leng keng, rồi hàng ghế xem đài phun nước phủ đầy rong rêu, cầu trượt ở khu vực trò chơi và đặc biệt là công trình con rồng khổng lồ xuất hiện giữa mặt hồ trong vắt. Tất cả đã dừng hoạt động từ rất lâu rồi nhưng lại làm tôi vô cùng thích thú bởi sự hùng vĩ của nghệ thuật và thiên nhiên.

Ảnh: Minh Sương

Hồ Thủy Tiên yên bình, thanh tịnh, chỉ có tiếng chim hót, tiếng gió thổi, có cả những con thú hoang dã chạy khắp nơi, khiến tôi có suy nghĩ, thì ra cũng có vẻ đẹp được tạo nên bởi chính sự hoang tàn đổ nát và sự lãng quên.

Bên trong công trình giữa mặt hồ là một bậc thang uốn lượn dẫn lên cao. Đi hết bậc thang lên đến miệng rồng, tôi có thể ngắm nhìn tất cả khung cảnh ở đây. Ngay lập tức, tôi bị ấn tượng với nghệ thuật graffiti của người sáng tạo nào đó, biến công trình kinh dị này trở nên đầy màu sắc và cuốn hút hơn.

Phóng tầm mắt ra xa hơn nữa, tôi phát hiện, thì ra thiên nhiên cực kỳ ưu ái cho nơi hoang vu này, với sự yên ả của mặt hồ trong veo lượn sóng theo cơn gió, xung quanh là cây cối và nhiều con vật bé nhỏ, phía trên là bầu trời xanh có đàn chim bay lượn, tất cả tạo nên một khung cảnh thiên nhiên vô cùng thanh bình.

Mặc cho sự hoang tàn đổ nát, kệ cả những kiến trúc nhuốm màu thời gian và nhiều bí ẩn man rợ bị đồn đoán, hồ Thủy Tiên vẫn đẹp và hùng vỹ theo cách riêng, thu hút nhiều “kẻ lữ hành mạo hiểm” như tôi.

Dưới đây là một số hình ảnh mà tôi đã chụp khi ghé thăm công viên nước đặc biệt này.

Minh Sương


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn