Tại Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (thành viên chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn), nơi đây đang cứu hộ và nuôi dưỡng hai cá thể rái cá mất bản năng hoang dã. Một con trong số đó được kiểm lâm phát hiện khi đi tuần tra, con còn lại được người dân bàn giao.
- Gần 160 cá thể động vật hoang dã được cứu hộ an toàn
- Sáng kiến Điểm đến An toàn khởi động chương trình ‘Dấu ấn xanh qua từng điểm đến’
Chồn là tên con rái cá được kiểm lâm đem về khi còn đỏ hỏn, chỉ bằng ngón chân cái. Việc chăm sóc một loài động vật chưa mở mắt là cả một quá trình khó khăn, dù vậy nó vẫn được các nhân viên của trung tâm chăm sóc tốt và rất khỏe mạnh, nhưng vì được nuôi dưỡng từ sớm, nên gần như các bản năng hoang dã không được hình thành, Chồn có xu hướng gần người. Còn Cầy là tên con rái cá còn lại được nhận từ người dân, bản năng hoang dã cũng không còn, nó không biết bơi, vốn là tập tính bẩm sinh của rái cá. Chúng không thể trở về tự nhiên, chúng tôi lại phải tính đến phương án nuôi lâu dài để huấn luyện bản năng cho chúng và việc cần làm là xây cho chúng cái chuồng rộng và có đủ công năng. Nhưng khi Covid-19 đi qua thì cái gì cũng khó khăn.
Tình cờ, một người anh mà tôi quen qua mạng xã hội, anh yêu thiên nhiên, gia đình anh thường đến Vườn Quốc gia Bù Gia Mập du lịch, anh biết về chương trình làm tình nguyện cứu hộ động vật hoang dã ở đây. Hè năm nay anh dẫn con trai đến vườn để tham gia hoạt động làm tình nguyện viên cứu hộ động vật.
Một tuần làm tình nguyện viên, hai cha con anh cùng tham gia nhiều trải nghiệm từ vệ sinh chuồng cho động vật, thu hái rau quả, chế biến thức ăn và cho động vật ăn, rồi đến việc cắt cỏ, cuốc đất, trồng cây, bón phân chuồng cho các loài cây là nguồn thực phẩm của động vật nơi đây. Anh và cậu con trai được tìm hiểu về đặc tính các loài động vật trong trung tâm cứu hộ, đi xuyên qua rừng mưa nhiệt đới để soi thú đêm, ngắm cảnh quan thác nước kỳ vĩ…
Hết một tuần trải nghiệm, hai cha con ríu rít chia sẻ những cảm nhận về tình yêu thương động vật và thấy được những khó khăn thực tế nơi đây. Trước lúc rời đi, cậu con trai quyến luyến với hai bạn rái cá như không muốn rời. Cậu xin ba cho tiền để xây nhà cho Chồn và Cầy, ba đồng ý nhưng cũng đồng nghĩa là cậu không được đi nước ngoài du lịch vì số tiền này là phần thưởng cho chuyến du lịch nước ngoài. Cậu chỉ bảo: “Ở đây thích lắm rồi, con không cần đi đâu nữa, giờ về đi học thôi”.
Ngôi nhà mới xây xong, Chồn và Cầy được đưa vào ở, việc hỗ trợ xây dựng chuồng rái cá của hai cha con anh Hồ Minh Quân là một hành động đẹp và trân quý, không chỉ giúp chúng tôi thực hiện tốt công tác cứu hộ động vật rừng, mà còn thể hiện ý thức trách nhiệm của chúng ta đối với việc bảo vệ thiên nhiên, sử dụng – thừa hưởng thiên nhiên một cách thông minh – bền vững.
Hoạt động cứu hộ sinh vật nói riêng, công tác bảo vệ rừng bền vững tại Bù Gia Mập nói chung vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Hiện hoạt động cứu hộ tại đây thường xuyên quá tải trong việc tiếp nhận, nhất là tiếp nhận các loài linh trưởng, trong đó, chủ yếu là các loài khỉ (khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài) liên tục được người dân bàn giao nhưng cơ sở vật chất để nuôi dưỡng và huấn luyện bản năng sinh tồn không thể đáp ứng đủ.
Chính vì vậy, sự động viên từ các cá nhân và tổ chức sẽ là nguồn lực tiếp sức cho những người đang làm việc nơi đây hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống và góp phần chung tay trong công tác cứu hộ bảo tồn động vật hoang dã.
Khương Hữu Thắng
Phó giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật
tham gia chương trình “Dấu ấn xanh qua từng điểm đến”
“Dấu ấn xanh qua từng điểm đến” là chương trình giới thiệu các điểm đến xanh, các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần bảo tồn và gìn giữ văn hóa bản địa, tạo việc làm và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương của các thành viên thuộc mạng lưới Sáng kiến Điểm đến An toàn.