Du lịch giữa mùa dịch: Về thăm đất Tây Đô

Về quê cũng đã lâu từ ngày dịch bệnh quay lại, giờ ngồi ở nhà mà nhớ lại khoảng thời gian trước đây được đi muôn nơi thật vui biết bao. Chỉ mong cho dịch bệnh mau qua đi để chúng ta có thể đi đến những nơi mình muốn đến và trải nghiệm vẻ đẹp của du lịch Việt Nam.

May mắn được đến với Cần Thơ vào một ngày đầu tháng 10 năm ngoái, khi chúng tôi đặt chân đến thì trời cũng đã sập tối nên chúng tôi đã dùng bữa tối, sau đó di chuyển ra Bến Ninh Kiều – một địa điểm mà bạn không thể bỏ qua khi đến với Cần Thơ, ở đây bạn có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp của vùng đất Tây Đô khi màn đêm buôn xuống chính vì thế mà nơi đây đã có câu thơ:

Cần Thơ có bến Ninh Kiều
Cò dòng sông đẹp, có nhiều giai nhân

Đứng từ Bến Ninh Kiều, bạn có thể nhìn thấy cầu Cần Thơ – cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á đang lấp lánh ánh đèn. Chúng tôi đã đi dạo từ đầu công viên đến cầu Tình Yêu, cầu được thắp sáng lung linh với muôn màu ánh đèn, khiến cho Cần Thơ trở nên rực rỡ hơn trong mắt du khách và là một địa điểm check-in không thể thiếu nếu bạn đã đến với Cần Thơ.

Trên sông còn có nhưng chiếc du thuyền được xem là nhà hàng nổi tại Cần Thơ đang đưa du khách thưởng ngoạn trên sông và xem những tiếc mục văn nghệ cải lương hay đờn ca tài tử và còn có những món ăn đặc sản đậm chất Nam Bộ. Nhưng tiếc thay là lần này chúng tôi đã không lên du thuyền, hy vọng lần sau đến đây sẽ được trải nghiệm du thuyền giữa trời đất bao la, sông nước hữu tình của vùng đất Tây Đô này.

Sau đó chúng tôi đến chợ đêm thưởng thức một vài món ăn vặt tại đây và quay về khách sạn nghỉ ngơi, chuẩn bị cho chuyến tham quan vào sáng hôm sau.

Hôm sau chúng tôi đã dậy sớm để tham quan trải nghiệm một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi đến Cần Thơ vào buổi sáng sớm, nói đến đây chắc hẳn các bạn đã biết đã biết đấy là đâu rồi đúng không! Đó là Chợ nổi Cái Răng – một trong những nét đặc trưng lâu đời của miền Tây Nam Bộ.

Chúng tôi di chuyển đến bến tàu và lên tàu, bắt đầu chuyến tham quan. Ngồi trên tàu vừa cảm nhận cái bồng bềnh của sông nước mênh mông vừa được nhìn ngắm bình minh đỏ rực, cảm giác mà không từ ngữ nào có thể diễn tả được. Bên cạnh đó còn có những chiếc ghe, xuồng đang buôn bán tấp nập trên sông với đủ loại hàng hóa, từ trái cây đến các món ăn sáng, và độc đáo nhất là hình ảnh những “cây bẹo” được treo trên ghe của các thương nhân – đây là một nét văn hóa giao thương độc đáo mà chỉ ở chợ nổi mới có đó nha.

Điểm tiếp theo mà chúng tôi ghé thăm đó chính là Bè Cá Bảy Bon, nhưng khi chúng tôi đến đây thì trời mưa khá to, nhưng điều đó không hề gây trở ngại cho tôi và những người bạn của mình mà nó còn giúp cho chúng tôi có thêm những kỷ niệm đáng nhớ về chuyến đi này. Trên bè có hàng trăm loài cá khác nhau, có rất nhiều loài cá mà lần đầu tôi được nhìn thấy trông vô cùng độc đáo và hấp dẫn. Tại đây thì tôi đã nghe chú Bảy chia sẻ về các loài cá trên bè của chú và thưởng thức món chả cá thác lác rất ngon.

Điểm cuối cùng trong chuyến hành trình của chúng tôi đó chính là Nhà Cổ Bình Thủy – đây là ngôi nhà cổ được xem là cổ nhất xứ Tây Đô. Ngôi nhà đã có trên 100 năm tuổi và đã được dùng làm bối cảnh của nhiều bộ phim nổi tiếng như phim “Người tình”, “Người đẹp Tây Đô”,… vang bóng một thời. Khi đến đây tôi thật sự choáng ngợp với hình ảnh vừa mang nét cổ kính lại vừa mang nét sống động và tươi mới của ngôi nhà.

Ngôi nhà cho thấy rõ sự giao thoa văn hóa Đông – Tây một cách hài hòa, tiếp thu cái mới nhưng vẫn giữ cốt cách dân tộc, làm cho nên văn hóa của vùng đất Tây Đô nói riêng và Việt Nam nói chúng càng phong phú và đa dạng. Nếu có dịp đến với Cần Thơ thì bạn đừng nên bỏ lỡ Nhà Cổ Bình Thủy này nhé!

Kết thúc chuyến đi tuy không dài cũng không ngắn cùng với những người bạn, những hình ảnh động lại trong tôi là một vùng đất Tây Đô luôn mang trong mình những dấu ấn riêng mà bất kể ai khi đến đây cũng đều muốn quay lại một lần nữa, một Cần Thơ luôn đổi mới từng ngày nhưng vẫn giữ được cho mình những nét đặc sắc vừa trầm lắng dịu êm, vừa ồn ào, sống động lại rực rỡ ánh đèn. Và không quên cảm ơn những người bạn đã đồng hành cùng tôi trong chuyến đi này, hy vọng Việt Nam mau khỏe lại để chúng ta có thể cùng nhau đặt chân đến những vùng đất mới và ghi thêm cho mình thật nhiều kỉ niệm sau mỗi chuyến đi.

Nguyễn Trần Ngọc Mai


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn