Du lịch giữa mùa dịch: Về Sóc Trăng khám phá vẻ đẹp nên thơ của biển Hồ Bể

Sóc Trăng không chỉ nổi tiếng với những ngôi chùa đầy uy nghiêm, lộng lẫy mà còn được biết đến với nhiều loại hình du lịch, điểm tham quan, vui chơi rất thu hút và hấp dẫn. Khi nói đến điểm đến du lịch, các tín đồ mê du lịch sẽ không thể bỏ qua biển Hồ Bể – một địa danh hoang sơ với vẻ đẹp hoài niệm, vừa được khai phá tại tỉnh Sóc Trăng.

 

Hồ Bể ẩn chứa khoảng trời an yên, đưa du khách về những phút giây bình lặng trong tâm tưởng.

Sóc Trăng là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi đây không chỉ mang trong mình nét duyên dáng, âm thầm của vùng sông nước miệt vườn Nam bộ mà khiến người ta phải ngất ngây với những tín ngưỡng văn hóa độc đáo, được kết tinh từ nhiều thập kỷ, tạo nên một màu sắc hài hòa giữa các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer và Chăm trên mảnh đất linh thiêng này.

Đến Sóc Trăng, không ai nghĩ rằng nơi đây lại có một bãi biển Hồ Bể mang vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng với lớp cát mịn màng đến vậy, bởi trải dài hàng trăm cây số bờ biển trong khu vực là những bãi bùn, cát đen hoặc màu bùn phù sa.

“Hồ Bể mênh mông sóng xô bờ
Vĩnh Châu cảnh đẹp quá nên thơ
Say đắm hồn ai khi lạc bước
Tình người, tình biển lắm mộng mơ”.

Đây là những vần thơ dung dị mà tôi được người dân ven biển đọc lại khi ghé thăm vùng biển này. Hồ Bể dưới góc nhìn của một tín đồ mê xê dịch như tôi là một bãi biển hoang sơ, bình dị, êm đềm và đầy quyến rũ.

Hồ Bể là một bãi biển nằm ở cuối sông Hậu, tọa lạc tại xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Người dân nơi đây xem bãi biển này như chốn thư giãn, nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần hay các dịp nghỉ lễ. Đặc biệt, đây là bãi biển vừa được khai phá giữa vùng trồng rừng phòng hộ ven biển nên còn rất hoang sơ và sạch đẹp.

Khi đến đây du lịch, chắc chắn nhiều người sẽ say đắm những cánh rừng xanh mát, những tán cây rợp bóng cả lối đi. Dạo bước trong bầu không khí trong lành, du khách như được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên.

Không những vậy, du khách còn được tự tay bắt những loài hải sản như cua, cá, nghêu, sò huyết… đang nằm ẩn mình dưới lớp bùn, khiến bất cứ ai đến Hồ Bể đều thích thú.

 

Du khách trong vai người dân làng chài miệt mài cào nghêu.

Theo lời kể của người dân địa phương, địa danh Hổ Bể được hình thành từ quá trình xâm thực của biển. Sự xói lở, bồi tụ đã tạo nên một vùng đất lõm trông như một hồ nước rộng lớn. Khi thủy triều lên, nước biển ăn sâu vào đất liền. Khi thủy triều xuống, biển hào phóng để lại cho Hồ Bể một bãi cát trắng mịn màng, kéo dài hàng cây số.

Khi du lịch tại vùng biển này, du khách còn được nghe lại những câu chuyện huyền bí như giai thoại về nàng công chúa Mỹ Thanh – con gái vua Gia Long đã từng đến đây để ẩn náu hay chuyện về Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng 10 người tù Côn Đảo vượt ngục về tại bãi biển Hồ Bể để lãnh đạo cuộc nổi dậy Cách Mạng Tháng Tám năm 1945…

Hoàng hôn trên biển Hồ Bể như bức tranh non nước, khắc họa hình ảnh người dân làng chài miệt mài đan lưới, cào nghêu. Hình ảnh mặt nước êm đềm, có lúc lại đua nhau gợn sóng hay những gam màu chiều tàn gợi lên cuộc sống thôn quê bình dị.

Khoảnh khắc chiều tàn trên Hồ Bể như nói lên hình ảnh cần cù, chân chất và lam lũ của người dân Sóc Trăng. Tuy nhiên, ẩn đằng sau nỗi vất vả hằng ngày là tiếng cười, câu chào hỏi hay đôi lời mời gọi du khách phương xa đầy hào sảng và trân quý.

Nếu ví von hoàng hôn trên Hồ Bể là bức họa với gam màu trầm thì bình minh lại là khúc hát đầy sống động. Le lói qua tầng mây, những tia nắng đầu tiên của ngày rọi xuống mặt biển khiến cả mặt nước lấp lánh như được dát vàng lấp lánh.

 

Vùng biển êm đềm, có lúc đua nhau gợn sóng hòa chung những gam màu chiều tàn gợi lên cuộc sống thôn quê bình dị.

Nơi đây có nguồn thủy hải sản phong phú với cua, còng biển, cá, nghêu, sò huyết …

Khi dạo bước trên biển vào buổi sớm bình minh, du khách như được hòa mình vào bầu không gian, được thêu dệt bởi một sắc xanh man mát. Đó là màu xanh lam của trời, xanh ngọc của nước, xanh mơn mởn của những hàng cây đã xua đi bao mệt mỏi, muộn phiền trong cõi lòng.

Hồ Bể ẩn chứa khoảng trời an yên, đưa ta về những phút giây bình lặng trong tâm tưởng. Miên man dạo bước qua từng khu rừng phòng hộ hay cười đùa cắm trại ven biển Hồ Bể là cách những du khách như tôi lựa chọn để buông bỏ muộn phiền của chốn phố thị.

Sóc Trăng dung dị, nên thơ khiến người ta phải lạc quên lối về. Bên cạnh hòa mình vào biển hồ, du khách còn có thể du ngoạn trên những cánh đồng xanh, thẳng cánh cò bay, cùng như lạc bước vào những vườn cây xum xuê trái ngọt, tiếp tục trải lòng nơi chốn linh thiêng của chùa chiền. Về Sóc Trăng với bao điều cuốn hút và mới lạ. Đây là điểm đến không nên bỏ qua đối với bất ai khi đến với vùng đất Chín Rồng đầy trù phú này.

Lê Thanh Lượng


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.
5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn