Là một bộ phận quan trọng của quần thể di tích Cố đô Huế, lăng tẩm của các Vua triều Nguyễn được công nhận là một trong những thành tựu rực rỡ nhất của nền kiến trúc cổ Việt Nam. Mỗi ngôi lăng mộ của các vua nhà Nguyễn đều thể hiện khá rõ tính cách, cuộc đời và cả thời đại của người được an táng trong lăng.
- Du lịch giữa mùa dịch: Vẻ đẹp hồ Hoàn Kiếm về đêm
- Du lịch giữa mùa dịch: Chèo thuyền thăm đồi chè Thanh Chương ở miền Tây xứ Nghệ
- Du lịch giữa mùa dịch: Thăm chùa Linh Ứng, chốn tĩnh tâm giữa thiên nhiên kỳ vĩ
Đối với tôi, lần đầu đặt chân đến Huế, tôi khá choáng ngợp với bầu không gian tĩnh lặng. Con người triều mến, nhẹ nhàng, hòa lẫn vào đó là chút chân chất, thật thà của vùng đất Cố đô làm tôi xao xuyến không ngừng. Và càng bất ngờ hơn khi lần đầu tiên tôi được viếng lăng của một trong những vị vua lừng danh trong lịch sử dân tộc – lăng Khải Định.
Theo tôi được biết, lăng Khải Định còn có tên gọi khác là Ứng Lăng, là một trong những lăng tẩm đẹp, độc đáo nhất trong hệ thống các lăng tẩm ở Huế, đồng thời cũng là công trình kiến trúc cuối cùng của triều Nguyễn, gây ấn tượng với nhiều trường phái kiến trúc ngoại quốc đan xen nhau.
Chưa kể, theo những lời chia sẻ từ chị hướng dẫn đầy tận tình, tôi được biết lăng Khải Định được xây dựng trong 11 năm (1920 – 1931), kéo dài hai đời từ đời vua Khải Định đến đời vua Bảo Đại. Mặc dù lăng có diện tích nhỏ nhất trong các lăng nhưng đây lại là công trình tốn nhiều công sức và tiền của nhất trong các lăng tẩm triều Nguyễn.
Bên cạnh đó, những câu chuyện về lối sống xa hoa của vua Khải Định luôn là đề tài tò mò cho hậu thế đời sau. Tuy việc xây dựng những công trình hao người tốn của đã khiến cho dân chúng oán trách, xã hội lên án, song xét về mặt lịch sử thì chúng là những công trình có giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.
Khi đặt chân đến Ứng Lăng dường như bản thân tôi đang hòa vào một không gian đầy cổ kính của chế độ phong kiến cũ nhưng lại thấy mình như đang lạc vào một đô thị Châu Âu đầy hiện đại giữa khu lăng mộ trang nghiêm, hoài cổ.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn thắc mắc với 127 bậc thang từ cổng vào, dường như đang buộc những người khách như tôi phải cúi đầu, chậm rãi như đang thể hiện sự quyền thế của một vị vua đương thời hay khác chăng là ẩn dấu một câu chuyện kỳ bí về ngôi lăng đầy quyền uy này.
Nhìn toàn cảnh, tôi như thể thấy lăng Khải Định có một cái gì đó vừa quen, vừa lạ. Quen chắc là vì lăng cũng có các tượng đá với các voi ngựa, các vị quan, các vị lính hầu đứng chầu, cũng có thềm đá bệ rồng, có cổng tam quan, cửa võng… Nhưng lạ là vì có những tòa kiến trúc mang hình dáng như một tòa dinh thự Pháp cùng với những tháp cao vút trông như các đền tháp ở Ấn Độ…
Chưa kể, bước vào cung Thiên Định – nơi chôn cất thi hài của vua Khải Định, tôi ngỡ ngàng với sự trang nghiêm, lộng lẫy, với những kiến trúc đặc sắc, kỳ công và đầy tỉ mỉ, như thể đang nói lên một vị vua với lối sống xa hoa, quyền thế và đầy tham vọng. Có thể nói rằng lăng Khải Định chính là đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh, là một công trình có giá trị cao về nghệ thuật và kiến trúc trong tất cả các lăng tẩm ở Huế.
Nếu như phần ngoại thất được trang trí bằng những hoa văn, họa tiết hình rồng, phượng, chim muông, hoa lá… đắp nổi bằng xi măng trên tông màu trắng là chủ đạo, thì bên trong nội điện lại là một thế giới khác. Ở đó, nghệ thuật khảm sành sứ và hội họa được phô diễn đạt đến trình độ điêu luyện, tuyệt mĩ có một không hai. Qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xứ Huế, những mảnh sành sứ, thủy tinh lấy từ các loại chén, bát, chai lọ… được cắt gọt cẩn thận rồi tỉ mỉ ghép thành những bức tranh, phù điêu, hoa văn đầy tinh tế, cuốn hút.
Bạn biết không, điều thú vị ở đây là tuy được khảm bằng chất liệu cứng là sành sứ và thủy tinh nhưng với sự phối hợp giữa các màu sắc một cách tài tình nên các mảng khối, các bức tranh hay họa tiết trông rất mềm mại, sống động hệt như những bức họa màu được vẽ nên từ bàn tay của dân tộc.
Song, để xây được kim cổ thành “ngôi nhà vĩnh cửu” theo sở thích riêng của vua Khải Định thì những người thợ tài danh từ khắp nơi trên đất nước bằng tài năng, trí tuệ và sự tinh tế đã khéo léo biến ý tưởng có phần điên rồ ấy thành một tuyệt tác nghệ thuật để lại cho muôn đời sau.
Trải qua hàng thế kỷ, lăng Khải Định nay vẫn còn trường tồn với thời gian. Có thể vua Khải Định không được lòng dân về nhiều mặt, nhưng xét về những giá trị mà ông để lại, tôi nghĩ chúng ta nên thán phục sự phá cách của vị vua này. Bởi vào thời đấy, vua Khải Định đã cho xây dựng lăng của mình vượt qua những định kiến, phong tục của các đời vua nhà Nguyễn dựng nên. Và đã có rất nhiều người cho rằng nó quá mới, quá lạ, thậm chí là lạc lõng so với phong cách kiến trúc cung đình Huế vốn luôn coi trọng những nguyên tắc, thể thức, lề lối quy chuẩn bắt buộc của hoàng gia.
“Tứ diện hiến kỳ quan, phong cảnh biệt khai vũ trụ
Ức niên chung vượng khí, giang sơn trường hộ trừ tư”
Với tôi, lịch sử luôn có hai mặt nhưng quan trọng cái để lại là gì! Mặc dù chưa khám phá hết các lăng tẩm khác, nhưng Ứng Lăng đã để lại cho tôi rất nhiều hoài niệm, những bài học đáng giá về người và về đời. Ngoài ra, tôi được chiêm ngưỡng những công trình đầy tinh tế, tỉ mỉ, quả thật không thể không khen những nghệ nhân đã tạo nên một kiến trúc chứa đựng những giá trị của người dân xứ Huế nói riêng và cả nước nói chung, đó là những giá trị về cội nguồn, về tinh thần dân tộc.
Lê Thanh Lượng