Du lịch giữa mùa dịch: Về Bắc Giang chớ quên thăm làng nghề mây tre đan Tăng Tiến

Trải qua hơn 300 năm, mặc cho bao biến cố thăng trầm, dù không gian lẫn thời gian có thay đổi nhưng niềm đam mê và tình yêu với nghề truyền thống của làng mây tre đan Tăng Tiến vẫn không hề đổi thay.

Làng nghề mây tre đan Tăng Tiến ở xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, gần bên quốc lộ 1A, cách thành phố Bắc Giang 7km về hướng Tây, tiếp giáp với tỉnh Bắc Ninh.

Tương truyền rằng làng nghề này đã có từ thời nhà Hậu Lê, qua bao lần gột rửa cùng thách thức của thời gian, hơn 300 năm nay, người dân nơi đây vẫn một lòng gắn bó, chung thủy với nghề đan tre này.

Vốn là một xã thuần nông, trước đây, người dân Tăng Tiến chủ yếu gắn bó với đồng ruộng. Khi đó, nghề mây tre đan vẫn chỉ là một nghề phụ để người dân tranh thủ làm lúc nông nhàn.

Về lâu dài, từ cái nghề “làm chơi cho vui, kiếm đồng ra đồng vào”, nghề mây tre đan đã ăn sâu vào tâm thức của người dân nơi đây và trở thành nghề truyền thống của xã Tăng Tiến.

Những vật dụng trong nhà đều được làm từ tre, mây đan. Vì vậy mây và tre không chỉ là nguyên liệu để sản xuất mà chúng còn trở nên gần gũi với cuộc sống sinh hoạt gia của mỗi gia đình ở xã Tăng Tiến. Ảnh: Nguyễn Thanh Lượng

Nếu có cơ hội đặt chân đến đây, du khách sẽ bắt gặp khung cảnh trên khắp các nẻo đường, nhà nào cũng có rổ, giỏ, mành… treo phía trước. Từ trẻ con đến người lớn tuổi trong nhà, đôi bàn tay ai nấy đều thoăn thoắt, khéo léo, nắn nót từng chiếc giỏ đầy tinh tế và nghệ thuật.

Những sản phẩm từ mây, tre xuất hiện ở mọi nơi trong nhà của người dân xã Tăng Tiến. Ảnh: Lê Thanh Lượng.

Nếu ta ví von người nghệ sĩ chơi piano như đang múa những ngón tay trên phím đàn, thì người dân xã Tăng Tiến dường như cũng đang biểu diễn sự linh hoạt của đôi bàn tay trên những sản phẩm đan từ mây và tre. Và dù cho đây là nghề truyền thống gắn bó lâu đời với làng, nhưng trong đôi mắt của người dân Tăng Tiến vẫn ánh lên tình yêu với từng chiếc rổ, chiếc giỏ… mà họ làm ra.

Từ người già đến trẻ nhỏ trong xã Tăng Tiến đều đan mây tre, đó không chỉ là niềm vui mà còn là tình yêu đối với nghề truyền thống của làng. Ảnh: Lê Thanh Lượng

Đã từ lâu làng nghề làm mây tre đan Tăng Tiến đã trở thành điểm đến của nhiều thương lái và du khách thập phương. Với tình yêu nghề, sự am hiểu về các loại tre, mây, những người nghệ nhân nơi đây đã lan tỏa tình yêu thiên nhiên, yêu cây cỏ, góp phần đưa tre làng, hình ảnh biểu trưng của con người Việt Nam đến với du khách tham quan trong và ngoài nước.

Cũng nhờ vậy mà sản phẩm mây tre Tăng Tiến đã không ngừng vươn mình đến khắp nơi trên thế giới. Không chỉ nổi danh với các sản phẩm truyền thống lâu năm, làng nghề dung dị này còn bắt kịp với xu thế của thời đại, luôn tân trang, thích nghi với những yêu cầu của xã hội. Không riêng gì chất lượng, mà mẫu mã, kiểu dáng, tính thẩm mỹ của sản phẩm ngày càng được chú trọng, đòi hỏi những nghệ nhân phải tỉ mỉ, kỳ công và kiên nhẫn.

Từ những bụi tre nứa tự nhiên, ngày xưa dùng để làm vũ khí đẩy lùi ngoại xâm như ngài Thánh Gióng hoặc làm bẫy chông như ông cha ta, hay trồng để rợp mát cho nẻo đường làng, hay hơn nữa chỉ để dùng làm vật liệu cho những ngôi nhà giản dị… Thì nay người nghệ nhân Tăng Tiến đã tận dụng những sản vật dân dã này để đan dệt cho mình những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc, hữu ích.

Đan mây tre đã trở thành nét văn hóa đẹp của người dân xã Tăng Tiến. Ảnh: Lê Thanh Lượng

Lê Thanh Lượng


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.
5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn