Du lịch giữa mùa dịch: Trekking mũi Đôi, điểm cực đông Tổ quốc

Nhắc đến Khánh Hòa người ta thường nghĩ ngay đến Nha Trang, mà ít ai biết rằng cũng có một nơi biển xanh, cát trắng, nắng vàng với phong cảnh đa dạng, Mũi Đôi – điểm Cực Đông trên đất liền của dải đất hình chữ S.

Mũi Đôi – cực đông ở đâu?

Đến hiện tại, vẫn còn nhiều tranh cãi về điểm cực đông trên đất liền của Tổ quốc là ở mũi Điện – Phú Yên hay mũi Đôi – Khánh Hòa. Mặc dù ở mũi Điện có một cột mốc lớn đề chữ “Nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam”, nơi ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng từ năm 1890 và là một trong số 45 ngọn hải đăng cấp quốc gia hiện nay. Tuy nhiên, khi mũi Đôi được phát hiện, Cục Di sản văn hóa – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi nhận mũi Đôi đón ánh bình minh sớm hơn ở mũi Điện 4 giây, trở thành điểm cực đông của Tổ quốc.

Check-in mũi Đôi

Mũi Đôi thuộc làng chài Đầm Môn, nằm trên bán đảo Hòn Gốm của vịnh Vân Phong, thuộc địa phận xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà, cách thành phố Nha Trang khoảng 80km về hướng Bắc. Mũi Đôi còn có tên khác là mũi Bà Dầu. Gọi là Mũi Đôi, vì tại một vị trí có hai doi đá cùng nhô ra biển Đông.

Chinh phục điểm cực đông Tổ quốc

Hành trình chinh phục cực đông trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ những tia nắng sớm đầu tiên của ngày mới, cái nóng oi bức giữa trưa của miền Trung cho đến những con đường rợp mát xen kẽ dưới những tán cây rừng và kết thúc bằng hình ảnh đàn hải âu bay lượn phía chân trời nơi đại dương xanh bao la. Một hành trình vô cùng thú vị và đáng trải nghiệm.

Cực đông có 2 mùa chính làm mùa mưa và mùa khô, tuy nhiên lý tưởng nhất để chinh phục cực đông là vào tháng 1 đến tháng 5. Lúc này nhiệt độ không quá nóng và khắc nghiệt như từ tháng 6 đến tháng 8. Giai đoạn mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12, tập trung chủ yếu là tháng 10 và 11.

Trong 4 đỉnh cực của Việt Nam thì cực tây là khó chinh phục nhất, cực đông được xếp ở vị trí thứ hai bởi nếu muốn chinh phục điểm này, bạn phải trekking băng qua nhiều dạng địa hình: sa mạc, đồi cỏ thấp, ghềnh đá và leo chóp cực đông.

Nhóm chúng tôi xuất phát từ con đường Sơn Đừng huyền thoại, đây là con đường “cao tốc” rộng thênh thang, hai bên là không gian gian ngút tầm mắt phủ đầy cát, nhấp nhô núi đồi, khiến ta liên tưởng như đang ở Texas của Mỹ vậy.

Đường vào Sơn Đừng

Bắt đầu chinh phục cực đông gian nan là quãng đường cát phủ dày như sa mạc cộng với cái nóng của vùng biển. Cả nhóm như muốn từ bỏ từ những giây phút đầu tiên. Khắc nghiệt là thế, nhưng không ai than vãn câu nào, chỉ tươi cười nhìn nhau cùng những cái vỗ vai nhẹ mang ý nghĩa cố lên. Tầm 8:30, chúng tôi được tiếp sức bằng những ly đá chanh mát lạnh, nghỉ ngơi nhẹ và tiếp tục hành trình qua khoảng 3km địa hình bán hoang mạc và 4km rừng cây bụi tương đối mát mẻ.

Vượt qua sa mạc cát

Chúng tôi dùng bữa trưa tại bãi Rạng và nghỉ ngơi tầm 30 phút trước khi bắt đầu hành trình chinh phục điểm cực đông của Tổ quốc.

Check-in mũi Đôi

Thử thách cuối cùng trước khi chạm tay vào chóp cực đông là chúng tôi phải vượt lên được tảng đá cao sừng sững trước mặt, tầm 7 mét. Trong lúc phân vân, tôi lại nhận được sự động viên từ các bạn của mình: Cố lên nào!

Cố gắng vượt qua

Sau những nỗ lực của một ngày “chưa bao giờ dài đến thế”, phần thưởng của tôi chính là cảm giác vô cùng phấn khích khi chạm vào cột mốc cực đông của Tổ quốc – nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của Việt Nam, nơi mà bất cứ ai cũng mong muốn chinh phục.

Khoảng thời gian kết nối

Kết thúc hành trình của ngày 1, đoàn chúng tôi hạ trại ở bãi Rạng, nơi đón ánh bình minh trên đất liền sớm nhất Việt Nam.

Sau khi dựng lều, trang trí trại và chuẩn bị xong buổi BBQ, chúng tôi nổi lửa và quây quần bên nhau, nghe sóng vỗ rì rào, tiếng đàn guitar mộc hòa cùng giọng hát của cả đoàn. Thật sự là một trải nghiệm đáng khó quên của tuổi trẻ.

Điều đặc biệt của đêm đó là một bầu trời đầy sao của vịnh Vân Phong, dày đặc và sáng lấp lánh, phủ kín màn đêm đen của biển khơi. Đó là lần đầu tiên tôi được thấy nhiều sao như vậy, chẳng phải nơi đâu xa xôi mà ngay ở cực đông của Tổ quốc, nơi không có khói bụi và sự “chen lấn” của ánh sáng.

Ngày mới trên bãi biển

Ngày thứ hai, mặt trời bắt đầu lấp ló xuất hiện, cảm giác ngồi chờ bình minh, ăn bát nui nấu sườn cùng rau củ bên bờ biển, uống chút cà phê sữa đúng là rất tuyệt. Quá đủ năng lượng cho một ngày mới.

Khoảng 7:30, chúng tôi bắt đầu xuất phát quay lại con đường Sơn Đừng, nghỉ ngơi ăn trưa tại nhà người địa phương và xuất phát về lại Sài Gòn.

Chặng đường chinh phục cực đông với cái nắng, cái gió sẽ không ít khó khăn và mệt nhọc nhưng rồi nó làm tôi mạnh mẽ hơn, vững bước hơn và đem lại niềm tự hào cùng tình yêu Tổ quốc to lớn. Bên cạnh đó, tôi nhận ra rằng trên đời này vốn dĩ chẳng tồn tại chuyện không biết làm. Khi bạn mất đi chỗ dựa, tự khắc sẽ biết làm thôi. Cực đông, nơi tôi khám phá giới hạn của bản thân và vượt lên chính mình.

Nắng Chang Chang

Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.
5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn