Chúng tôi lang thang 2 ngày với khoảng 33km từ rừng già Lâm Đồng xuống Ninh Thuận để ngắm cỏ trổ bông. Theo dọc con suối lớn ở Khánh Hòa để ra một cung đường trekking đẹp, mới, có thể thay thế cung trekking Tà Năng – Phan Dũng nổi tiếng lâu nay.
- Du lịch giữa mùa dịch: Nhớ trekking chinh phục Tà Năng – Phan Dũng
- Du lịch giữa mùa dịch: Trải nghiệm trekking núi lửa Chư Bluk
- Chuyện nghề du lịch: Những lưu ý khi chọn ba lô để trekking
Đồi cỏ Phước Bình thuộc Vườn quốc gia Phước Bình nằm ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang khoảng 70km, tiếp giáp với Vườn quốc gia Bi Doup – Núi Bà của Lâm Đồng tạo thành vùng bảo tồn thiên nhiên với sự đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ, vẫn còn số lượng ít cá thể bò tót sống giáp ranh giữa 2 vườn quốc gia. Đây là mảng xanh ít ỏi ở vùng đất “gió như phang, nắng như rang” của Ninh Thuận, giữa mảng xanh là khu đồi cỏ bao la, được bao bọc bởi dãy núi như tường thành của Bi Doup. Từ trên cao nhìn xuống như lạc vào cảnh đẹp ở Châu Âu và nhất ngày cỏ trổ bông trắng đung đưa trong gió.
Hành trình ngắm đồi cỏ trổ bông
Đầu tháng 4, nhóm chúng tôi mang tâm trạng hớn hở chờ khám phá một khu rừng mới. Năm giờ sáng bước chân xuống bến xe liên tỉnh Đà Lạt, thời tiết mát lạnh ùa tới làm ai cũng phải rùng mình, hít một hơi đầy không khí tươi mát trước khi bắt đầu hành trình xuống đến Ninh Thuận.
Trước khi vào Bi Doup, chúng tôi đã liên hệ bên vườn để xin phép và trả phí rừng. Chúng tôi mất gần 4 giờ vượt qua khu rừng nhiệt đới ẩm phía Nam của Hòn Giao tới ngã 3 giáp nhau của 3 tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa và Ninh Thuận.
Băng qua khu rừng già, vượt qua dòng suối đá lạnh rồi như tưởng lạc vào khu rừng hắc ám với đám rêu phủ đầy thân cây xen lẫn màn sương mờ mờ. Tiếp tục 4 giờ thả dốc dài vô tận, cứ xuống hoài.
Chúng tôi tiếp tục đi trên một sống lưng, hai bên là dốc khá đứng, tán cây che tầm mắt không biết bên dưới có gì. Đôi lúc, đi trên vách đá dựng đứng, chúng tôi phải bám từng gốc cây để đi. Rồi những dốc đất trơn trượt chỉ cần sẩy chân có thể lăn vài vòng.
Cuối ngày đã tìm được ánh sáng cuối đường chân trời, thoát khỏi khu rừng già để nhìn thấy mảng xanh chấm ít màu trắng. Đồi cỏ nhấp nhô được bao bọc bởi những ngọn núi cao như muốn che giấu sợ con người phá đi sự yên tĩnh nơi này.
Những bông cỏ tranh như con phượng hoàng, sau đống tro tàn sống dậy để tiếp tục trổ bông hoa trắng. Từ tháng 12 đến tháng 2 là lúc cỏ úa vàng; tháng 3, 4 chỉ còn màu cháy đen rồi chuyển sang đốm xanh mọc lên giữa đám tro tàn khi tháng 5 về, vui mừng trổ bông. Từ tháng 6 đến tháng 12, một màu xanh mướt trải dài các ngọn đồi.
Một đêm với bữa cơm đạm bạc không hiểu sao vẫn ngon. Sau một đêm sương mù những tia nắng ấm gõ cửa lều, nhìn ra ngoài những bông cỏ trắng đang múa đón chào ngày mới. Đứng trên ngọn đồi cầm một ly cà phê nóng, để hồn bay theo bản giao hưởng của rừng núi, ngắm bức tranh nhiều màu sắc của tự nhiên từ đen, xanh, vàng, nâu, trắng hòa quyện trước mắt.
Ngày thứ hai, chúng tôi như đang chìm vào một biển cỏ đủ màu sắc, lá xanh chìa ra bắt tay cả đoàn. Bông trắng như đang nhảy múa và lá vàng rũ xuống chào đón. Nhưng hãy cẩn thận trước vẻ đẹp của nó, chiếc lá mỏng và bén như dao lam, chỉ xước qua cũng đủ làm bạn ứa máu.
Đi hoài mà chưa ra khỏi được “biển” cỏ đủ để thấy nó rộng thế nào. Cuối cùng tới trưa gặp được sông Khế, bắt đầu cảm nhận cái nắng nóng của Ninh Thuận. Nhảy xuống dòng suối nhỏ mát lạnh, xua tan đi cái nóng để tiếp tục hành trình.
Đi hoài đôi chân cũng mệt nhoài, tia nắng cuối cùng khuất sau dãy núi của Bi Doup thì cả đoàn cũng đã tới thôn Tà Giang. Kết thúc một hành trình đáng nhớ.
Cách di chuyển
Điểm bắt đầu trekking nằm ở đèo Khánh Lê nên có 2 phương án:
- Đi xe khách lên Đà Lạt hoặc ra Nha Trang.
- Bắt taxi hoặc xe du lịch tới điểm bắt đầu trekking. Điểm trekking này cách Đà Lạt 60km và Nha Trang 89km.
Kế hoạch chuyến đi
Chuyến đi kéo dài 2 ngày 3 đêm.
– Đêm đầu, bắt xe khách từ bến xe Miền Đông đi Đà Lạt.
– Ngày 1:
+ 5:00 tới bến xe, xe du lịch chờ sẵn đưa vào thành phố ăn sáng, thưởng thức cà phê hay sữa đậu nành.
+ 6:00 bắt đầu di chuyển 60km mất 1,5 giờ, dọc đường ghé mua thức ăn, nước uống cho hành trình 3 ngày.
+ 8:00 tới đường vào rừng thuộc Vườn quốc gia Bi Doup.
+ 11:00 tới gần ngã ba của 3 tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa và Ninh Thuận, ăn trưa và nghỉ ngơi.
+ 17:00 tới điểm cắm trại ngắm nhìn toàn bộ đồng cỏ.
– Ngày 2:
+ 6:00 thức dậy, tận hưởng không khí mát lạnh từ Bi Doup đổ xuống trước khi nắng chói chang Ninh Thuận tới.
+ 8:00 di chuyển xuống thấp hơn, xuyên qua biển cỏ, dọc dòng sông Khế trong vắt.
+ 17:00 tới thôn Tà Giang, xe du lịch đã hẹn trước chờ.
+ 20:00 có mặt tại Phan Rang ăn uống và nghỉ ngơi.
+ 22:00 xe khách chạy về Sài gòn.
– Ngày 3:
+ 5:00 có mặt tại bến xe Miền Đông, về nhà chuẩn bị tiếp tục công việc.
Thời gian đẹp để đi
Bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 5, cỏ xanh lại và trổ bông, vẫn còn nền cỏ vàng và cháy. Đến tháng 6, 7 màu xanh mướt với vài cơn mưa mát đầu mùa là lúc đẹp để có thể thực hiện chuyến đi.
Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.