Du lịch giữa mùa dịch: Thanh xuân đọng lại sau mỗi chuyến “rong chơi”

Có bao giờ, bạn cảm thấy lòng mình an yên khi hoài niệm về quá khứ? Với tôi, một cuộc đời nhàm chán, vô vị là khi phí hoài những năm tháng tuổi trẻ. Trong suốt những chuyến đi thanh xuân, tôi luôn tâm niệm rằng “Ta trưởng thành qua những nơi ta đã đi qua, những gì đã đọc và những điều đã được dạy”. Chính vì thế, tuổi đôi mươi cứ rong ruổi, cứ khám phá những vùng đất khi ta còn có thể, khi con tim vẫn còn đong đầy ngọn lửa đam mê.

Ai cũng ôm khát vọng về một “miền đất hứa” của riêng mình. Có người là nơi đô thị với những cao ốc lung linh đèn hoa, ngập tràn những thương hiệu đắt đỏ và vô số cơ hội làm giàu. Nhưng có kẻ chỉ là nơi thiên nhiên hoang sơ, những cánh rừng tĩnh lặng và thanh mát.

Huyện Cái Nước, Cà Mau. Ảnh: Lê Uy

Một góc Cà Mau, tỉnh cực nam tổ quốc. Ảnh: Lê Uy

“Về Cái Nước, Đầm Dơi, nghe ai ru câu ơi hời” là một câu trong nhạc phẩm “Áo mới Cà Mau” của nhạc sĩ Thanh Sơn. Vùng đất Cà Mau vô tình trở thành “miền đất hứa” trong tôi sau một cuộc hành trình cùng những người bạn. Ngồi xe đò hơn 7 tiếng đồng hồ thì cuối cùng nhóm cũng đã đến với thị trấn Cái Nước – một vùng đất trù phú về tiềm năng đất đai và những giá trị cốt lõi tạo nên sự tinh túy của vùng Nam Bộ.

Sông nước Cà Mau. Ảnh: Lê Uy

Huyện Cái Nước nằm ở phía Nam tỉnh Cà Mau, cách trung tâm khoảng 30 km. Cảm nhận lần đầu tiên của tôi khi đặt bước chân đầu tiên xuống vùng đất này chính là cái nắng đặc trưng hòa quyện cùng làn gió mát được mẹ thiên nhiên ban tặng. Chúng tôi đứng trên bờ đợi đò (vỏ lãi) của chú Sáu đến đón về nhà. Bà con di chuyển phần lớn là bằng đò để đi làm, đi chợ và đưa đón trẻ con đi học. Khung cảnh sông nước bình dị đến nỗi trong đầu tôi cứ vương vấn mãi những lời của nhạc sĩ Thanh Sơn gửi gắm: “Cà Mau đường đi không khó, mà chỉ khó có sông vắng đò”.

Cảm giác yên bình làm sao khi một buổi chiều lộng gió, tôi được ngồi trên con đò nhỏ, nghe chú Sáu hàn huyên về nửa đời đưa đò của mình, về những câu chuyện đậm chất Nam Bộ sương gió. Hai bên bờ sông là nhà của bà con sống quanh đây, đơn sơ, giản dị nhưng chứa chan tình cảm của con người miền Tây. Cuộc sống kham khổ là thế nhưng nụ cười, cách nói chuyện dễ thương và hào sảng của người dân đã làm ấm lòng cái tình quê chân chất, mộc mạc. Dưới cái nhìn của một người con xa xứ và sinh sống tại Sài Gòn nhiều năm nay, tôi như trở về miền ký ức tuổi thơ – khoảng thời gian gắn bó với quê nhà thân thương bên mái ấm gia đình.

“Tuổi trẻ này mình cùng nhau
Khoác vai đi từ sáng tới đêm
Hát lên như chưa từng được hát
Vui nay thôi ai biết mai sau nhờ”

Thầm cảm ơn tuổi trẻ của tôi đã có những chuyến phiêu lưu, những ước định rong chơi không đắn đo suy nghĩ. Thầm cảm ơn những người bạn đồng hành cùng chí hướng đã cùng tôi thỏa sức phiêu bạt đây đó. Đến khi nhìn lại, điều hữu hình là những khoảnh khắc vui vẻ được ghi lại, điều vô hình là tình cảm khắng khít bền lâu.

Lê Uy


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn