Du lịch giữa mùa dịch: Tản mạn quanh Hồ Gươm và trải nghiệm chuỗi thắng cảnh hữu tình

Ghé thăm Hà Nội vào những buổi chiều tà, tôi thường tản bộ và thả hồn đắm chìm vào vẻ đẹp đầy thi vị của Hồ Gươm- viên ngọc quý nằm giữa lòng Thủ đô.

Hồ gươm có diện tích rộng khoảng 12 héc-ta, là hồ nước ngọt nằm ngay trung tâm quận Hoàn Kiếm, vị trí đắc địa nhất thủ đô. Bên cạnh tên gọi Hồ Gươm, hồ còn nhiều tên gọi khác như Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Lục Thuỷ, Hồ Thủy Quân…

Đến với Hồ Gươm, đầu tiên, du khách sẽ bắt gặp ngay hình ảnh Tháp Rùa – biểu tượng nghìn năm văn hiến của Thủ đô, công trình kiến trúc tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa lịch sử, dấu tích trường tồn với thời gian.

Tháp Rùa toát lên vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc giữa Hồ Gươm. Ảnh: Nga Võ

Nếu nói Hồ Gươm là một lẵng hoa tươi rực rỡ giữa trung tâm Thủ đô thì có thể nói, Tháp Rùa chính là bông hoa nổi bật nhất của lẵng hoa đó. Giữa mặt nước Hồ Gươm êm đềm, quanh năm một màu xanh lục, Tháp Rùa hiện lên như một điểm nhấn đầy linh thiêng.

Thoáng ẩn hiện, lấp ló sau những tán cây ven hồ, nhưng bất kỳ du khách nào khi đến với Hồ Gươm, cũng phải kiếm tìm hình bóng Tháp Rùa. Hơn một nghìn năm trôi qua, Tháp Rùa vẫn đứng đó, những nét cổ kính nhuốm màu thời gian càng làm cho Tháp trở nên hiên ngang, nổi bật trong mắt du khách, đây cũng là niềm tự hào của người dân đất Hà Thành.

Và cũng không biết từ bao giờ Hồ Gươm – Tháp Rùa đã trở thành một.

“Hồ Gươm in bóng Tháp Rùa
Ánh đèn soi tỏ mái chùa Ngọc Sơn”

Tôi vừa ngâm nga hai câu ca dao khuyết danh trong dân gian, vừa dạo bước tiến về phía Đền Ngọc Sơn. Quả thật sẽ là một thiếu sót lớn nếu đến dạo Hồ Gươm mà không ghé thăm Đền.

Nằm trong quần thể di tích Hồ Gươm, Đền Ngọc Sơn cùng với cụm di tích Cầu Thê Húc – Tháp Bút – Đài Nghiên là một chuỗi không gian cổ kính. Nổi bật trên nền trời là ngọn Tháp Bút vời vợi tạo thành một tổng thể kiến trúc Thiên – Nhân hợp nhất, gợi lên dư âm chan hoà giữa con người với thiên nhiên.

Tháp Bút ở Hồ Gươm là một ngọn tháp bằng đá cao năm tầng, được xây dựng năm Tự Đức thứ 18 (1865). Tháp dựng trên ngọn núi do đá xếp, đường kính 12m, cao 4m. Tháp nằm nằm ở phía ngoài lối vào cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn. Ảnh: Nga Võ

Từ xa xa, tôi đã nhìn thấy Cầu Thê Húc. Thê Húc có nghĩa là “đón ánh sáng mặt trời buổi sớm”. Nổi bật giữ khung cảnh mây trời, Cầu Thê Húc đỏ rực nối bờ Hồ Gươm với Đền Ngọc Sơn, tạo nên một bức họa thiên nhiên hữu tình.

Không chỉ ban ngày mà cầu Thê Húc còn kiêu hãnh nổi bật trong màn đêm. Ảnh: Nga Võ

Ghé thăm Đền Ngọc Sơn, tôi thả hồn mình vào không gian tĩnh lặng, bình yên đến lạ kỳ. Đây là điểm đến tâm linh để dâng hương, cầu mong bình an và sức khỏe, là nơi mỗi người được thả lỏng tâm hồn để cảm nhận cuộc sống, để khám phá những nét độc đáo trong văn hóa thủ đô.

Đến với Hồ Gươm, tôi không chỉ có thể đi bộ thăm thú, vãn cảnh mà còn khám phá được nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây.

Sau đó, tôi nhanh chóng bị thu hút bởi sự nhộn nhịp đông đúc của khu phố cổ – nơi không chỉ lưu giữ những nét văn hoá độc đáo của người dân Thủ đô mà còn được mệnh danh là “thiên đường ẩm thực”.

Đây là nơi các tín đồ ăn uống có thể thỏa sức thưởng thức món ngon như: bún chả Hàng Buồm, bún đậu Hàng Khay, bún thang Cầu Gỗ, nộm Hồ Hoàn Kiếm, kem Tràng Tiền, kem Thuỷ Tạ, ốc luộc phố Đinh Liệt, chè bốn mùa Hàng Cân…

Đã là một tín đồ ẩm thực, khi đặt chân đến Thủ đô không thể nào bỏ quan Kem Tràng Tiền. Ảnh: Nga Võ

Những lần đến với thủ đô, Hồ Gươm luôn là nơi để lại cho tôi nhiều cảm xúc lắng đọng và khó quên nhất. Khó quên bởi một cảnh quan hữu ý hữu tình, ẩn chứa sau vẻ đẹp ấy là các giá trị văn hóa – lịch sử gắn liền với sự hình thành mảnh đất Thăng Long – Hà Nội, gắn liền với người dân đất Hà Thành nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung.

Nga Võ


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.
5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn