Du lịch giữa mùa dịch: Sắc màu Dào San, Tây Bắc

Nằm gối đầu trên những dãy núi quanh năm lộng gió, tít tắp trên độ cao 1.900m của đỉnh Chùng Sủa Dằng, Dào San như một bức tranh khổng lồ nhưng tinh tế đến từng chi tiết bởi cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa vùng cao.

Từ thành phố Lai Châu, chừng 60km về phía bắc, Dào San là trung tâm của tám xã vùng biên huyện Phong Thổ. Vẻ đẹp của nơi đây chính là sự nguyên sơ, giản dị. Từng ruộng lúa, từng nếp nhà, mỗi ánh mắt, nụ cười tuy mộc mạc nhưng đều trở thành một màu sắc tô điểm cho bức tranh Tây Bắc đầy mê hoặc.

Một góc trời Dào San, Lai Châu.

Đến Dào San vào mùa Xuân, lúc cỏ cây hoa lá căng tràn nhựa sống, Dào San được bao trùm một màu xanh non tơ, mơn mởn, trong sáng. Lại được điểm trang bởi sắc hồng phấn hay đo đỏ của những cánh đào, cánh ban đang cố khoe mình.

Người người gặp nhau như vui hơn, thân thiết hơn. Người Dao, người Mông, người Hà Nhì… không hẹn mà gặp nhau nơi phiên chợ đầu năm, khi hội Gầu Tào đang tưng bừng, nhộn nhịp. Họ mang trên mình nhưng bộ cánh đẹp nhất, mới nhất chỉ để đi chợ và đi chơi. Hỏi han, chúc tụng, những lời lẽ tốt đẹp nhất dành cho nhau cứ lan tỏa mãi, râm ran cả núi rừng khiến cho Dào San trở lên một vườn hoa sặc sỡ sắc màu, vạn vật được ban phát một sức sống mới.

Khi những cơn mưa đầu Hạ bắt đầu rơi xuống là thời điểm bắt tay cho công việc nương rẫy của một năm. Những ruộng lúa, những đám nương bên bờ suối, tít trên cao đang nhanh chóng được làm cỏ, cày xới. Nước về ruộng, khắp Dào San như một tấm gương khổng lồ, loang loáng, lấp lánh phản chiếu ánh mặt trời.

Đâu đó, khói bếp nổi lên trăng trắng, ngà ngà để chuẩn bị cho bữa cơm trưa vội vã, để đám mạ non lên nhanh hơn, để đồng ruộng lại rộn ràng tiếng cười nói đón chào mùa thóc mới. Chả mấy chốc, lúa vào thì con gái, những đám ruộng bậc thang vô tận, xanh rì như dải lụa lên đến tận trời, lại được quấn quanh bởi dòng suối hiền hòa, trong vắt.

Cảnh mua bán ở chợ phiên.

Đến chợ Dào San khi ấy, đâu đâu cũng thấy, nào đào, nào mận, quả Sơn tra nhưng nhiều nhất là Măng rừng. Ai xuống chợ cũng mang theo món gì đó và mua về chút gì của mẹ rừng Tây Bắc.

Mùa Thu – mùa vàng, một màu vàng mang đến niềm vui và hy vọng. Đám trẻ con sắp đến trường cho một năm học mới, dường như chúng tranh thủ để vui chơi cho thỏa thích. Dòng suối gần nhà lúc này vẫn trong vắt, đã ít nước hơn để lộ những viên sỏi cuội vàng đục đôi khi lẫn với đứa trẻ trần truồng bơi lội ngay bên cạnh.

Lúa đã ngả vàng, bóng người thăm ruộng đã nhiều hơn để đợi ngày thu hoạch. Lúa chín, một màu vàng óng ả, đẹp lạ kỳ. Từng bông lúa nặng chĩu khiến nụ cười thêm rạng rỡ. Dào San vào vụ gặt, lại cười nói, lại nhộn nhịp. Lũ ngựa bận bịu hơn, con đường tấp nập hơn.

Hẳn ai đã một lần đến sẽ không thể quên được cái lạnh của mùa Đông nơi đây. Sương giăng khắp chốn, càng lên cao càng lạnh. Đôi khi bắt gặp vũng nước nhỏ bên đường bị đóng băng, trong suốt.

Một gian hàng bày bán nông sản ở chợ phiên.

Trên đỉnh núi, lất phất vài bông tuyết trắng. Cây cối bị phủ một màu trắng của sương và tuyết lẫn với màu xanh đã nhạt, màu vàng đã ố của thời gian. Dào San vẫn đẹp, cái đẹp có phần lạ lẫm, cái đẹp khiến ai đó ngỡ mình đang đứng ở trời Tây. Lũ trẻ không còn ra ngoài chạy nhảy nhiều nữa, chúng ngồi co ro, luẩn quẩn bên bếp lửa đỏ, le lói khiến cho trời mùa đông như ấm áp hơn.

Dào San vẫn thế, dù thời gian có qua, dù cuộc sống có thay đổi. Dào San vẫn nguyên sơ và giản dị như con người Dào San hồn nhiên, chất phác luôn được che chở bởi bàn tay của mẹ tự nhiên.

Trang Hậu

Ảnh: Xuân Lộc


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn