Khi hoạt động du lịch phải tạm dừng do tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19, nhiều ông chủ doanh nghiệp du lịch đã tìm thêm hướng đi mới để duy trì cuộc sống và giữ ngọn lửa đam mê với nghề.
- Sáng kiến Điểm đến an toàn phát động chương trình “Du lịch giữa mùa dịch”
- Du lịch giữa mùa dịch: Nỗi niềm với đường thốt nốt ở An Giang
- Du lịch giữa mùa dịch: Hướng dẫn viên “giữ lửa” đam mê du lịch qua việc dạy học
Đi làm thầy giáo
Gần hai năm nay, dịch Covid-19 khiến hoạt động du lịch bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp lữ hành chuyên đón khách quốc tế vào Việt Nam (inbound) gần như đóng cửa, ngủ đông. Số ít doanh nghiệp hoạt động theo cách mở rộng sang thị trường nội địa để duy trì đội ngũ nhân sự, chờ ngày du lịch hồi phục.
Tuy nhiên, qua 4 lần tái bùng phát dịch Covid-19 trong nước, các đơn vị lữ hành, vốn đã khó lại càng thêm khó. Để duy trì cuộc sống mỗi ngày, nhiều ông chủ doanh nghiệp trong ngành du lịch đã phải tìm đủ mọi cách để xoay xở mưu sinh.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc công ty du lịch Images Travel, đơn vị chuyên đón khách inbound thị trường châu Âu, chia sẻ đã phải đi dạy suốt quảng thời gian qua. “Hồi chưa dịch chỉ dạy một môn. Từ dịch tới giờ thì cống hiến nhiều hơn”, ông Toản nói.
Ông Toản tham gia các hoạt động đứng lớp và cả tổ chức đào tạo truyền nghề cho sinh viên khoa Du lịch của trường như Đại học Văn Lang và Đại học Sư phạm TPHCM.
Đặc biệt, vào tối thứ Năm hàng tuần, từ ngày 8-7-2021, ông nhận được lời đề nghị từ Đại học Pháp ngữ, làm diễn giả cho chuỗi hội thảo trực tuyến với chủ đề: “Thị trường du lịch tiếng Pháp: Thấu hiểu để thành công” mà trường Đại học Văn Lang phối hợp với tổ chức Đại học Pháp ngữ thực hiện. Đây là chuỗi hội thảo trực tuyến về truyền nghề du lịch cho sinh viên học tiếng Pháp toàn quốc.
Cũng như ông Toản, ông Lê Hòa Hiệp, Giám đốc Công ty Du lịch Hi Travel, cũng chọn cách đứng lớp để chia sẻ với sinh viên các trường Đại học những kiến thức thực tế về công việc của một hướng dẫn viên hay cách quản trị lữ hành…
Ông Hiệp cho biết, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam (tháng 2-2020), ông tận dụng khoảng thời gian trống để đi dạy. Đây cũng là cách để ông duy trì ngọn lửa đam mê nghề, đồng thời truyền lửa cho thế hệ trẻ yêu du lịch.
Mở thêm ngành mới
Đặc biệt, trải qua bốn đợt dịch Covid-19 bùng phát trong nước, ông Hiệp nhân ra rằng, để duy trì và tồn tại, cần phải thay đổi tư duy kinh doanh. “Dịch Covid-19 khiến chúng ta nhận ra rằng, không thể tập trung vào một lĩnh vực, thị trường hay ngành nghề duy nhất”, ông Hiệp nói.
Tháng 5-2021, ông quyết định mở thêm mặt hàng nội thất cao cấp mang thương hiệu Nhật Bản với tên gọi Hi Furniture nhằm mở rộng hệ sinh thái của doanh nghiệp và tạo thêm việc làm cho nhân viên.
Ông khẳng định, việc mở thêm sản phẩm mới cũng gặp khá nhiều khó khăn vì trái chuyên môn nên cần nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu mặt hàng. Thậm chí phải “học” cách tư vấn để làm thay đổi nhu cầu và tư duy của khách hàng.
Tuy nhiên, “những người làm trong lĩnh vực dịch vụ, phục vụ như chúng tôi phải học cách tiếp nhận và thay đổi tư duy để có thể tồn tại và vẫn theo được công việc đam mê”, ông Hiệp nói.
“Không ai có thể khẳng định được tương lai cũng như những biến cố có thể xảy ra do tác động bên ngoài. Việc mở rộng hệ sinh thái của doanh nghiệp là điều tất yếu để biến từ thế bị động thành chủ động”, ông Hiệp nói thêm.
Ông Đạt cho biết, du lịch khó khăn. Các đợt dịch Covid-19 nối tiếp nhau khiến cứu cánh cuối cùng là thị trường du lịch nội địa cũng không thể là chỗ dựa cho hàng ngàn công ty du lịch.
Với sự biến đổi không ngừng của các chủng Covid-19 và các đợt dịch sau lại càng diễn biến phức tạp hơn, ảnh hưởng rộng và lâu hơn. “Trước khi có vắc-xin tiêm phòng cho 70% dân số Việt Nam thì trạng thái bình thường mới là rất bấp bênh”, ông Đạt nói.
Chính vì vậy, ngoài việc vẫn làm du lịch và sản xuất bia thủ công, cách đây vài tháng, ông mở rộng đầu tư, tham gia cùng với anh Nguyễn Đình Nam sản xuất sản phẩm mặt nạ phòng chống Covid-19 và các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp mang thương hiệu Vihelm.
Theo ông Đạt, đây là sản phẩm được sáng chế và sản xuất tại Việt Nam bởi nhóm sáng chế do anh Nguyễn Đình Nam, nguyên Viện trưởng Viện Camera thông minh của Tập đoàn Vingroup, đứng đầu.
“Sản phẩm Vihelm đã được cấp đăng ký bảo hộ sáng chế và được cấp những chứng nhận khắt khe nhất của Bộ Y tế Việt Nam và Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA)”, ông Đạt khẳng định.
Ông Đạt cho biết thêm, sản phẩm này cũng đang được xuất khẩu sang Mỹ, Ấn Độ… đã được các y bác sỹ ở tuyến đầu chống dịch, doanh nghiệp và người tiêu dùng ở những quốc gia này sử dụng.
Được biết, hiện nay Vihelm đang triển khai chương trình tặng mặt nạ phòng chống Covid-19 cho các y bác sỹ và chiến sỹ trong tuyến đầu chống dịch tại Việt Nam. Để nhận quà tài trợ, các y bác sỹ và chiến sỹ tuyến đầu chống dịch có thể đăng ký theo link: https://vihelm.com/dang-ky-nhan-mu-vihelm.
Nguyễn Nam