Du lịch giữa mùa dịch: Những “bức tranh” ruộng bậc thang của người Xơ Đăng

Vùng cư dân Xơ Đăng (còn gọi là Sedang) có ruộng bậc thang sống ở các đai núi cao của dãy Ngọc Linh được coi là “nóc nhà” của Trường Sơn – Tây Nguyên (có đỉnh cao 2.598 mét), phần đông tập trung ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) và vùng cực cao của huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Làng nóc của cư dân ở đây thường nằm ở những sườn núi có độ cao từ 1.000 mét trở lên.
Một lũng ruộng nấc thang được xem là khá rộng ở vùng Nam Ngọc Linh. Để phòng hộ, che chắn cho lũng ruộng, cư dân đã quyết không phá những vùng rừng kề bên làm rẫy.

 

Biến lưng đồi hẹp, dốc dựng thành ruộng nước cư dân đã có được hạt thóc ăn bền vững.

Với địa hình toàn núi cao, rừng rậm, lũng hẹp, dốc dựng, để có được hạt thóc ăn thêm vào với việc làm lúa rẫy, từ lâu người Xơ Đăng ở đây đã biết khai vỡ những khu đất  có thể đưa dẫn nguồn nước từ các khe hói ở gần bên vào để biến thành ruộng lúa nước.

Chăm lúa. Ruộng xa làng, cư dân phải làm trại (nhà duôn) ngay bên ruộng để tiện ở lại chăm lúa, có khi ở qua đêm.

Người Xơ Đăng từ xa xưa đã coi rừng là huyết mạch cuộc sống của mình. Với hạt thóc ăn vững bền có được từ cây lúa nước họ lại càng giữ rừng hơn để có nguồn nước cho ruộng lúa. Có được cuộc sống định canh định cư ổn cố thay vì phải thường dời làng khi đất rẫy bạc màu như thời trước, họ đã không để phí một rẻo đất nhỏ nếu có thể đưa nước vào nuôi cây lúa. Những khu đất nhỏ nhoi nằm bên triền núi cheo leo được biến thành ruộng với màu xanh mượt của lúa tơ hay vàng óng của lúa chín nhìn từ xa như một bức tranh treo giữa non ngàn, thật ấn tượng!

Họ cũng đã bền lòng cùng nhau tạo nên những ‘cánh đồng’ bậc thang tăm tắp, liên lĩ trải ra đến thỏa tầm nhìn ở một vùng cao khu khuất từ những vùng rừng nghèo hay cỏ tranh dưới chân núi. Có chỗ cho cây lúa nước, họ dành phần đất rấy bên sườn núi để trồng bắp, sắn, trồng cây dược liệu (sâm dây, sâm đương quy). Ruộng bậc thang đã giúp người Xơ Đăng giữ được rừng xanh!

Bữa cơm tối sau một ngày làm mùa ở nhà một chủ hộ. Người Xơ Đăng luôn đổi công nhau để vở ruộng, làm mùa.

Đáng nói là người Xơ Đăng đã biết được nghề rèn từ hơn nửa thế kỷ nay. Nhờ biết rèn, họ đã không khó nhọc trong việc tìm mua (hay đổi chác) những công cụ sản xuất như cuốc, rựa, rìu, dao, liềm… như một số các dân tộc vùng cao khác ở Trường Sơn, Tây Nguyên. “Chừ thì đồ làm ruộng, làm rẫy có bán ở các cửa tiệm. Nhưng dân mình vẫn quen dùng cái đồ của lò rèn của mình làm ra, nó hợp với dân mình hơn” – nhiều người ở đây đã nói.

Rừng xanh nhờ ruộng nước, ruộng nước xanh nhờ rừng. Người Xơ Đăng đã nói vậy.

 

Cũng như lũng ruộng, làng bản của người Xơ Đăng ở đâu cũng bao bọc bởi cây rừng xanh tốt.

 

Lượng thóc từ cây lúa nước góp vào đáng kể cho kho lương thực của cư dân. Kho thóc luôn được đặt ở xa khu nhà ở để phòng hỏa hoạn.

Vùng cư dân Xơ Đăng bên núi Ngọc Linh nay không còn quá xa xuôi cách trở. Quốc lộ 40B (209 km) – còn gọi đường Nam Quảng Nam, khởi từ biển Tam Thanh của Quảng Nam nối với thị trấn Đăk Tô của Kon Tum bên QL14 – tức đường Hồ Chí Minh,  đã trở nên một cung đường du khảo tuyệt vời cho những bước chân khám phá. Ngọc Linh thăm thẳm với trập trùng núi cao bủa giăng bất tận hai bên đường, điểm xuyết là những nóc làng, những vùng ruộng nấc thang là những cảnh trí ấn tượng của một vùng cư dân nơi một cõi rừng nổi tiếng.

Huỳnh Văn Mỹ


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn