Du lịch giữa mùa dịch: Nhớ trekking chinh phục Tà Năng – Phan Dũng

Cách TPHCM khoảng 300km, Tà Năng – Phan Dũng được mệnh danh là cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam, thuộc tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận. Với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, từ những ngọn đồi thoai thoải cỏ xanh đến những âm vang của núi rừng Tây Nguyên, nơi đây luôn ẩn chứa những điều kỳ diệu cho những đôi chân ưa xê dịch.
Tà Năng – Phan Dũng được mệnh danh là cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam.

Bắt đầu hành trình, du khách sẽ được đi bộ trên những con đường quanh co, bằng phẳng chừng 3km để tiến đến bìa rừng, sẵn sàng “lên dây cót” cho hành trình chinh phục cung đường trekking kỳ vĩ, tận hưởng hương vị của núi rừng.

Không núi non trùng điệp, đoạn đường này làm say lòng du khách bởi những cánh đồng lúa vàng óng còn lẫn chút hơi sương, những ngồi nhà gỗ nên thơ nằm lọt thỏm giữa thung lũng nhỏ. Cứ thế, người lữ khách cứ từng bước đi, bình yên và cảm nhận.

Cung trekking chia làm hai chặng qua khu vực Tà Năng và Phan Dũng. Vượt qua bìa rừng, hành trình trekking chính thức bắt đầu với “độ khó” cao hơn. Trên hành trình cung đường đôi sẽ xuất hiện nhiều con dốc cao mà du khách chắc chắn phải vượt qua.

Cảm giác sẽ thích thú khi chinh phục được những đoạn đường đã qua khi trekking.

Những con dốc nhìn từ xa thì không đến nỗi nào, nhưng khi đến gần và leo thì ai nấy đều cảm nhận là phải dùng sức mạnh của đôi chân để nỗ lực từng bước lên đỉnh các ngọn đồi.

Núi này là nối tiếp núi kia bằng những thảo nguyên xanh mướt cỏ cây. Cột mốc đỉnh Tà Năng – Phan Dũng đánh dấu độ cao khoảng 1.700m là điểm check-in hot của các trekker.

Mùa mưa, từ tháng 6 tới tháng 9, cỏ bắt đầu mọc lên xanh mướt nên đi vào thời điểm này bạn sẽ thấy một màu xanh bạt ngàn trên các ngọn đồi. Mùa khô, từ tháng 10 tới tháng 12 là mùa cỏ cháy, các ngọn đồi đều chuyển sang màu vàng óng ả.

Mệt mỏi là thế, nhưng phần thưởng cho hành trình chính là món quà quý giá của thiên nhiên. Cảnh núi rừng xa tít tắp đẹp mê hồn, bầu không khí trong lành của cao nguyên, tiếng chim hót rít rít đó đây và cả những cơn gió mát như thổi bay đi mọi âu lo thường trực.

Trải nghiệm ngủ lều khi trekking.

Khi hoàng hôn buông xuống, du khách có thể chọn một khoảng đất trống, dựng lều nghỉ ngơi, thưởng thức các bữa thịt nướng… để cung cấp năng lượng cho chuyến đi. Đi gom củi, dựng lều, nấu nướng quây quần bên nhau sẽ là những kỷ niệm mà mỗi người trong chuyến đi đều sẽ lưu giữ cho mình mãi về sau đấy.

Buối sáng, bạn đừng quên dậy sớm để cảm nhận trọn vẹn nhất vẻ đẹp của núi rừng. Những áng mây bàng bạc còn vương trong sườn núi, ánh mặt trời trải thảm vàng óng khắp các thung lũng. Lúc này, thưởng thức một ly cà phê nhỏ, hòa mình vào thiên nhiên ấy, quả thực chỉ còn ta và sự bình yên ôm ấp.

Hành trang mang theo khi trekking.

Ngày thứ 2 chinh phục Phan Dũng gồm 12km đường rừng núi và 5km đường dài cát đá. Ngày này đường đi không còn dốc lên nhiều nữa, chủ yếu là xuống dốc và đường bằng.

Trên đường còn có những con thác, con suối nhỏ, có lúc là cánh đồng cỏ lau, lúc là những cây cao rợp bóng mát. Nhắm mắt lại nghe tiếng suối tiếng chim kêu, mở mắt ra là thiên nhiên tuyệt diệu

Đi tới tầm chiều là tới bìa rừng bên kia. Ở đây có những đội xe ôm đợi sẵn. Ai mệt mỏi có thể lên xe ôm để di chuyển đến điểm nghỉ ngơi của mình đã lựa chọn trước đó.

Tuy nhiên, nếu còn sức bạn có thể tiếp tục trekking để cảm nhận được nhịp sống của người dân bản địa, dừng chân mua ít quà vặt để thưởng thức, nạp thêm năng lượng.

Cung đường trekking Tà Năng – Phan Dũng.

Cung đường trekking Tà Năng – Phan Dũng không chỉ đọng lại trong mỗi du khách vẻ đẹp trữ tình của núi rừng Nam Tây Nguyên, là sắc xanh bạt ngàn yên ả, là bầu trời đên rợp ánh sao rơi, là tình cảm của mỗi người trong hành trình.

Trên tất cả, chính là sự can đảm vượt qua chính giới hạn của bản thân mình, bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để chinh phục những điều mới mẻ.

Nguyễn Phong


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn