Du lịch giữa mùa dịch: Một ngày làm người Cơ Tu tại làng du lịch cộng đồng Ta Lang

Làng du lịch cộng đồng Ta Lang thuộc xã Bhalee, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam nằm bên cạnh con suối Ch’Lang hiền hòa, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 120km. Đây là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa đặc sắc của dân tộc Cơ Tu thông qua việc chế tác và trình diễn các nhạc cụ độc lạ như sáo 3 lỗ, đàn cò, đan lát, dệt thổ cẩm…

 

Đến làng, du khách sẽ được chào đón bằng nghi thức “cầu an, lễ nhập làng” trang trọng để trở thành người của làng. Sau đó, du khách sẽ được trải nghiệm “một ngày làm người Cơ Tu”, hòa mình vào nếp sống của bà con và tham gia các công việc hằng ngày của họ như lên rừng hái rau, bẻ măng, lội suối bắt cá…

Lễ nhập làng cầu an cho khách du lịch khi trải nghiệm một ngày làm người Cơ Tu tại làng du lịch cộng động Ta Lang.

Ngoài ra, những du khách ưa thích khám phá có thể xuôi dòng Ch’lang bằng bè kết tre, chiêm ngưỡng thác R’cung trắng xóa, thăm địa đạo Axoo, đạp xe trải nghiệm cung đường Trường Sơn huyền thoại hoặc đi bộ đường rừng khám phá một phần cung đường Hồ Chí Minh dưới bầu không khí trong lành, dịu mát.

Bè kết bằng tre dành cho du khách muốn khám phá dòng Ch’lang.

Điều du khách không thể bỏ lỡ khi đến với Ta Lang là thưởng thức ẩm thực với những món ăn đặc trưng, dân dã của dân tộc Cơ Tu. Đầu tiên phải kể đến bánh sừng trâu với hương thơm của nếp, trộn lẫn mùi thơm lá đót. Tiếp theo là món Za rá với vị cay nồng của tiêu rừng hòa quyện mùi thơm của thịt, mùi hanh của lá, vị đắng của đọt mây rừng.

Tất cả món ăn đều được chế biến hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên ở làng. Đặc biệt, nhắc đến đặc sản hấp dẫn ở nơi đây, không thể không kể đến rượu Tà vạt, rượu cần…

Từ các món ăn đến bếp nấu của người Cơ Tu đều sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên.

Và khi đêm về, du khách được thả hồn vào mây trời, tập trung dưới nhà Gươl, hòa mình vào làn điệu sôi nổi của bài hát Rum cây, trong điệu múa Tân tung Da dá (vũ điệu dâng trời). Già làng, trai, gái, trẻ em trong làng quây quần cùng du khách với những điệu múa sôi động dưới ánh lửa bập bùng.

Dưới nhà Gươl, du khách cùng hòa mình vào làn điệu sôi nổi của bài hát Rum cây, trong điệu múa Tân tung Da dá cùng người Cơ Tu.

Người Cơ Tu (còn gọi là người Ca Tu, Gao, Hạ, Phương, Ca-tang) là một dân tộc sống ở miền Trung Việt Nam và Hạ Lào. Dân số người Cơ Tu trên 103.000 người. Ngôn ngữ sử dụng là tiếng Cơ Tu, một ngôn ngữ thuộc ngữ tộc Môn- Khmer trong ngữ hệ Nam Á.

Nguyễn Thanh Hằng


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.
5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn