Du lịch giữa mùa dịch: Một lần về đất Tây Đô

Mang trong mình vẻ đẹp sông nước hiền hòa, thành phố Cần Thơ không chỉ mệnh danh là “thủ phủ” của miền Tây Nam bộ mà còn níu chân du khách bởi trải nghiệm không thể bỏ lỡ.
Hành trình đến Cần Thơ

Chiếc xe bắt đầu lăn bánh vào lúc 4 giờ sáng, chúng tôi rời khỏi sự ồn ào náo nhiệt của thành phố và bắt đầu hành trình tìm về đất Tây Đô những ngày bình yên. Đi dọc theo hai tuyến đường, những làn gió khẽ đung đưa, những tán cây như đang nghiêng mình vẫy chào chúng tôi trong suốt chặng đường dài.

Xuất phát từ TPHCM, sau hơn 5 tiếng cùng nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh trên xe, chúng tôi cũng đến homestay nhỏ trên đường Phạm Văn Nhờ, quận Cái Răng. Cả nhóm đi tìm một vài món ăn, tham quan một số địa điểm mà hễ ai ghé đến Cần Thơ cũng không thể nào bỏ lỡ.

Nhà cổ Bình Thủy hơn 100 tuổi, địa điểm du lịch nổi tiếng tại Cần Thơ.
Điểm dừng chân tham quan đầu tiên, chúng tôi chọn nhà cổ Bình Thủy. Để giải thích cho cụm từ “căn nhà cổ đẹp nhất xứ Tây Đô” bởi nơi đây không chỉ thu hút người đến tham quan vì lối kiến trúc độc đáo giao thoa giữa phương Đông và phương Tây, mà căn nhà cổ hơn 100 tuổi này còn mang trong mình những giá trị văn hóa và lịch sử tồn tại đã lâu theo dòng chảy thời gian.

Bên trong nhà cổ Bình Thủy.
Bến Ninh Kiều và chợ đêm Cần Thơ là một trong những địa điểm vui chơi đầy hấp dẫn để bạn có thể có những trải nghiệm trọn vẹn khám phá Cần Thơ về đêm bởi không khí nhộn nhịp khác hẳn so với ban ngày.

Chợ đêm Ninh Kiều náo nhiệt về đêm.
Quay trở về homestay nghỉ ngơi chuẩn bị cho cuộc hành trình đến với miền Tây sông nước vào ngày mai. Khám phá và đi tìm lời giải cho sự tò mò của câu hỏi chợ thì làm sao nổi?
Khám phá chợ nổi Cái Răng

Báo thức đã được cài sẵn lúc 3:30, cứ thế mà chuẩn bị thật tươm tất để bắt đầu đi tham quan chợ nổi. Lái chiếc xe máy đến bến Ninh Kiều với tâm trạng háo hức, đến nơi tôi lật đật xách đồ đi tìm chỗ ghe cập bến. Biết là có hơi mạo hiểm nhưng trên tinh thần muốn khám phá và trải nghiệm nhiều hơn, chúng tôi thuê ghe theo kiểu hộ gia đình. Giá thuê một chiếc ghe là 200.000 đồng cho 6 người. Mỗi người cũng không bao nhiêu so với đi ghe dịch vụ nhưng bù lại sẽ mang tới cảm giác thoải mái hơn.

Đợi tầm 5 đến 10 phút, chú lái ghe cũng đến. Không có áo phao, cũng không có đồ bảo hộ lại càng không biết bơi, ngồi trên chiếc ghe cứ lênh đênh giữa sông thật là một trải nghiệm khó tả.

Trên đường đến chợ nổi từ điểm xuất phát, chú Huy (người lái ghe) không chỉ nhiệt tình hướng dẫn các điểm tham quan mà còn chia sẻ và giới thiệu nhiều điều về nét văn hóa đặc thù của sông nước miền Tây Nam bộ.

Theo chú Huy, chợ nổi những năm gần đây đã không còn như xưa, việc các thương hồ rời bỏ sông nước khiến việc buôn bán trên sông gần đây cũng ít đi. Hiện tại ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ năm ngoái, có lẽ vì vậy chợ nổi gần đây đã không còn náo nhiệt và sôi nổi như trước.

Nằm trên một nhánh của con sông Hậu chảy qua quận Cái Răng cách thành phố Cần Thơ khoảng 6km, từ bến Ninh Kiều nếu đi bằng ghe thuyền sẽ mất 30 phút để có thể đến được chợ nổi Cái Răng.

Chợ nổi Cái Răng họp rất sớm. Từ 4:00 – 5:00 các thuyền, ghe đã bắt đầu rời bến để họp chợ và tan tầm vào lúc 9:00 – 10:00. Nhưng thời gian đông nhất và nhộn nhịp nhất rơi vào khoảng 6:00 – 7:00, lúc mà người mua kẻ bán, các thương hồ cùng các du khách vẫn còn đang trao đổi với nhau về những món quà, thức ăn ngon và hoa quả tươi.

Cảnh chợ đầu mối phía bên sông nhộn nhịp chuẩn bị hàng hóa.
Giữa gió trời se lạnh hòa cùng chút sương sớm, thả mình chìm đắm giữa dòng sông mênh mông cùng với việc ngắm nhìn bầu trời bát ngát cảm giác đón chào một ngày mới tại một nơi xa thật tuyệt.

 

Cô bán trái cây nhiệt tình mời chúng tôi ăn thử trái dâu da.
Những chiếc ghe buôn chở đầy ắp các loại hoa quả tươi như dâu da, chôm chôm, nhãn các loại… chạy sát và cập vào ghe của chúng tôi. Để giữ hai chiếc ghe sát lại gần nhau, họ dùng chiếc móc sắt và cứ theo đó mà chạy song song. Nói người miền Tây phóng khoáng, nhiệt tình và thân thiện có bao giờ sai, cô bán trái cây còn bóc cả vỏ trái cây cho cả nhóm ăn thử mặc dù không biết chúng tôi có mua hay không.

Cô bán bún riêu, hủ tiếu, mì…
Ngoài việc bán trái cây, trên chợ nổi còn bán cả bánh bao, hủ tiếu, mì, bún riêu, sữa đậu nành, cà phê sữa… Neo vào một chiếc ghe bán đủ các loại món ăn, gọi 1 tô bún riêu có giá 40.000 đồng. Lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác ngồi ăn trên sông có chút lạ lẫm và thích thú.

Thương hồ giao lưu, mua bán trên sông.

Công đoạn phơi bánh hủ tiếu ở làng nghề hủ tiếu Sáu Hoài.
Chú Huy tiếp tục lái ghe đưa chúng tôi tham quan vườn trái cây, làng nghề truyền thống làm kẹo dừa và làng nghề hủ tiếu Sáu Hoài. Nhưng tới đây thì thời tiết mỗi lúc càng trở nên “khó chịu”.

Mưa cứ lất phất, từng hạt nặng dần, tạt vào chỗ chúng tôi ngồi. Ngoài trời u ám, trong ghe tối sầm, gió cứ thổi mạnh từng cơn làm cho chúng tôi ai nấy cũng sập mí, gật gù bên trong chiếc ghe mặc cho thời tiết bên ngoài.

Đến với Cần Thơ trong khoảng thời gian mưa gió như này, hay phải nói lời chào tạm biệt thì tôi vẫn cảm thấy còn một vài điều tiếc nuối. Hy vọng sẽ có dịp ghé thăm chốn này thêm một lần nữa. Dạo quanh tham quan, khám phá một vòng chợ nổi tôi lại xao xuyến trong lòng về câu ca dao “Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về“.

Trong mỗi chuyến đi luôn tồn tại những câu chuyện và kỷ niệm, hy vọng khi dịch được kiểm soát hoàn toàn, sẽ có một ngày tôi lại ghé thăm nơi này.

Kim Chi


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn