Du lịch giữa mùa dịch: Mật ngọt rừng U Minh Hạ

Cả một tuổi thơ mê câu chuyện “Đất rừng Phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi và đến lúc hơi lơn lớn như bây giờ, tôi mới có dịp xuyên rừng để nếm mật ngọt vùng U Minh Hạ.

Tác giả cùng người dân đi săn ong ở rừng U Minh Hạ.

“Đất rừng phương Nam” ở Cà Mau là cả một đất trời thiên nhiên ưu đãi, cánh đồng bát ngát mênh mông, sông nước bao la, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng vô số. Và U Minh Hạ không chỉ có cơ man nào là tràm, là cá tôm mà thiên nhiên còn ban tặng cho U Minh nguồn ong tự nhiên khổng lồ.

Mật ong rừng U Minh Hạ có 2 mùa, mùa mưa và mùa hạn. Mật mùa mưa bắt đầu từ cuối tháng 5 đến khoảng tháng 8 âm lịch. Mùa hạn bắt đầu từ khoảng tháng 10 đến tháng 3 âm lịch. Rừng U Minh Hạ tạo điều kiện sinh trưởng của ong tốt nên các tổ ong thường rất to, có tổ dài cả mét, mỗi tổ ong trung bình sẽ có từ 3-5 lít mật, tổ lớn có đến hàng chục lít mật. Mật ong mùa mưa hơi nhạt và khó lấy hơn một chút!
Nhưng có theo chân thợ săn ong một ngày tôi mới biết được thế nào là nghề săn ong lấy mật mà dân miền Tây Nam Bộ vẫn thường gọi là “ăn ong”. Để có được những giọt mật ngọt ngào chắt chiu từ thiên nhiên, người ăn ong phải nhọc nhằn rong ruổi khắp chân núi, cửa rừng, đi theo những mùa hoa, trải qua bao hiểm nguy vất vả.
Để chuẩn bị cho một chuyến ăn ong, ta phải có các dụng cụ cần thiết như: bó đuốc con cúi làm bằng xơ dừa khô được bó chặt lại để hun khói, một thau hoặc xô đựng tàn ong, một cây dao và tấm lưới trùm đầu tránh bị ong đốt, dù có bị đốt cũng không được làm chết con ong nào!

Để đi săn ong cần phải chuẩn bị những thiết bị bảo hộ thích hợp.

Thế là vừa hồi hộp, vừa phấn khích, chúng tôi lội rừng rồi chèo xuồng đi gỡ kèo ong .Trời rầm rì như muốn đổ cơn mưa lớn, lo quá vì mưa lớn là vụ “ ăn ong” thất bại vì ong sẽ trở nên hung dữ và khói hun sẽ vô tác dụng. May mắn, trời chiều người lữ hành liều lĩnh, trời khô ráo….

Áp sát kèo ong khổng lồ (kèo ong là thuật ngữ người đi săn ong rừng dùng để chỉ việc gác cái cây dụ ong về làm tổ), bầy ong canh cửa bị say khói. Thế là chúng tôi dễ dàng gỡ cái tổ ong đầy mật và nhè nhẹ rời hiện trường.
Nghĩ cũng tồi tội mấy chú ong thua cuộc trong trận nghi binh khói lửa nhưng tôi vẫn thích thú và ngây ngất khi chiến thắng! Âu làm người cũng có lúc phù phiếm thế đấy…
Anh Khanh- người cùng chúng tôi đi gác kèo ong và đã 21 năm gắn bó với rừng từ năm 15 tuổi, nói là được hưởng lợi từ sản vật thiên nhiên, những người dân rừng U Minh như anh luôn xem mình là người được trao nhiệm vụ gác rừng, giữ gìn cho cánh rừng không bị cháy, giúp ong làm tổ, làm nhà. Ánh mắt anh âu yếm nhìn bầy ong và nụ cười hạnh phúc của anh khi nhắc đến các câu chuyện về rừng làm chúng tôi tin điều đó!

Sau chuyến đi săn ong ở vùng U Minh Hạ. Ảnh: Yến Ly

Chao ôi, đất rừng Phương Nam của tôi không chỉ có sản vật, có sự kỳ thú của những chuyến đi mà còn có cả mật ngọt từ ong rừng và ngập tràn những điều thú vị về những con người đi khai hoang mở cõi nơi cuối trời Tổ Quốc!

Yến Ly

Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

5/5

THƯ MỜI THAM GIA “Sáng kiến điểm đến an toàn”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, bên cạnh đó xu hướng du lịch ít tác động đến môi trường được du khách tìm đến ngày một nhiều, đặc biệt là các điểm đến thân thiện với môi trường để du khách được nghỉ dưỡng, đảm bảo sức khỏe và tinh thần. Do đó, ngành du lịch đặt ra thách thức mới đó là các điểm đến phải tự giác áp dụng các quy chuẩn vận hành du lịch xanh, an toàn hướng đến phát triển bền vững.

Với mục đích là cầu nối để các thành viên hợp tác và cung cấp các dịch vụ du lịch xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn. Chương trình sẽ tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong liwnxh vực du lịch như khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành, hàng không… cùng chung mục tiêu xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững và giúp doanh nghiệp, du khách nhận diện các điểm đến an toàn.

Sau gần 3 năm hoạt động, Sáng kiến Điểm đến An toàn đã nhận được sự đồng hành của hàng trăm tổ chức và cá nhân, thực hiện được nhiều chương trình mang ý nghĩa lớn, góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch mang tính tính lâu dài.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn là tên gọi chung của một cơ quan báo chí gồm ba ấn phẩm tiếng Việt (Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online và Sài Gòn Tiếp Thị); hai ấn phẩm tiếng Anh (Saigon Times Weekly và The Saigon Times); hai tổ chức phi lợi nhuận (Saigon Times Club và Saigon Times Foundation) và chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn hướng đến du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Mọi thông tin xin vui lòng liên hệ:

– Chị Ngọc Khuyến: 0706422412
Email: diemdenantoan@kinhtesaigon.vn